Bạn có thể đến thăm căn phòng có ánh sáng mờ ảo ở Bảo tàng Kampa (Prague, Cộng hòa Czech) cho dù bạn chưa từng đặt chân đến Prague. Cùng lúc đó, bạn thấy mình đang đứng ở phòng trưng bày số 9 của Bảo tàng nghệ thuật đương đại Tate ở London, Anh.
Đó là chuyến tham quan mà dự án Nghệ thuật (Art Project) vừa được khai trương của Google mang lại. Dự án nghệ thuật của Google là một sáng kiến đầy tham vọng, nhằm đưa người sử dụng tới vô số các bảo tàng trên thế giới qua màn hình vi tính trước mặt.
Cơ hội cho những người yêu thích nghệ thuật
Với dự án của Google, người xem có thể đi dạo 385 phòng trưng bày của 17 bảo tàng lớn trên thế giới, bao gồm Tate, New York Met và Ufizzi ở Florence qua trang web http://www.googleartproject.com/.
Dự án này đã chính thức đặt nền móng cho xu hướng số hóa của các cơ quan văn hóa. Mối quan hệ giữa công nghệ và các cơ quan bảo tồn và phát triển văn hóa đang bước qua giai đoạn thứ 1 - giai đoạn tìm hiểu - để sang giai đoạn thứ 2. Theo giám đốc Bảo tàng Tate của Anh Nicholas Serrota: “Các tác phẩm không chỉ được đưa lên website mà còn có thể kích thích và lôi kéo người xem”.
Dự án nghệ thuật hoàn toàn do Google đầu tư và triển khai, dù chưa phải hoàn hảo cho những người thưởng thức nghệ thuật khó tính, nhưng là cơ hội cho những người yêu thích nghệ thuật ở khắp nơi được tiếp cận những tuyệt tác của thế giới. Điều tuyệt vời hơn là bạn có thể “zoom” để xem rất chi tiết từng tác phẩm. Mỗi bảo tàng sẽ chọn ra một tác phẩm tiêu biểu để Google sử dụng công nghệ hiện đại nhất hiện nay về độ phân giải, giúp người xem xem được các chi tiết mà nếu bằng mắt thường họ không thể quan sát được.
Những người làm dự án Google Art hi vọng thông qua website, những người yêu thích nghệ thuật sẽ càng khát khao một ngày nào đó tận mắt chứng kiến các tác phẩm ngoài đời. Ngoài “kho tàng” mới này của Google, còn những “kho tàng” khác mà người yêu nghệ thuật không nên bỏ qua.
5 “kho tàng” văn hóa không nên bỏ qua
1. Europeana (europeana.eu)
Tháng 1-2011, Liên minh châu Âu xuất bản báo cáo “Thời phục hưng mới”, ước tính khoảng 100 tỉ euro là ngân sách cần thiết để đưa toàn bộ kho tàng khổng lồ về văn hóa và nghệ thuật của châu Âu lên mạng cho mọi người tiếp cận. Theo đó, “tất cả các siêu phẩm thuộc sở hữu công chúng” ở châu Âu sẽ được đưa lên Europeana vào năm 2016. Dự án do Ủy ban châu Âu tài trợ, đến nay trang web đã có 15 triệu hiện vật, từ bản đồ tới âm nhạc do các cơ quan văn hóa ở khắp nơi, từ bảo tàng Anh tới Bảo tàng Louvre (Pháp) hiến tặng. Riêng bảo tàng Áo và Đức đã tặng bộ sưu tập các bài phát biểu bằng âm thanh của Hitler.
2. Google Books (books.google.com)
15 triệu ấn bản, trong đó có toàn bộ tác phẩm của Shakespeare và tất cả các trang của tạp chí Life. Với sự hỗ trợ của các công cụ tinh vi như “Wordle” và “Ngram Viewer”, người xem rất dễ tìm và xem các tác phẩm.
3. MoMA (moma.org/collection)
“Kho tàng” của Bảo tàng nghệ thuật đương đại ở New York MoMa được xem là nhiều nhất, đa dạng nhất về nghệ thuật đương đại của một cơ quan văn hóa tính tới thời điểm này. 34.000 tác phẩm nghệ thuật, tức toàn bộ sưu tập của bảo tàng nghệ thuật đương đại danh tiếng thế giới đều được đưa lên, kể cả những tác phẩm không được trưng bày hiện nay.
4. Poetry Foundation (poetryfoundation.org)
Quỹ thơ. Dường như đây là một tạp chí đa phương tiện, nhưng là tập hợp của tất cả các bài thơ, bài giảng, bài tiểu luận từ cổ chí kim. Có thể bạn sẽ thích thú với giọng của người từng ba lần đoạt giải thưởng Pulitzer khi ông đưa ra quan điểm thẳng thắn về truyền hình và nghe ông đọc bài thơ For you tại Chicago năm 1956.
5. Film archives (filmarchives-online.eu)
“Kho tàng” về phim. Một website đa ngôn ngữ, dễ tìm kiếm về phim của châu Âu. Bạn có thể tìm hiểu về quá trình số hóa các phim câm xưa nhất của một trong những đạo diễn lớn nhất lịch sử điện ảnh thế giới là Hitchcock, và đưa chúng lên mạng để ai cũng có thể sử dụng miễn phí.
Theo TTO
Bình luận
Google làm cái này rất hay. Tiếc là chỉ một số ít bức tranh được xem rõ nét!