Phó giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) dự tính khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ hết hoàn toàn địa chỉ IPv4 trong 2 tuần tới nếu duy trì tốc độ tiêu thụ địa chỉ như hiện nay.
Theo ông Trần Minh Tân, Phó giám đốc VNNIC, tính đến hết ngày 1/4/2011, số lượng địa chỉ IPv4 còn lại để cấp phát theo chính sách hiện tại của Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) là 1,05 khối /8. Trong 10 ngày cuối tháng 3/2011, trung bình mỗi ngày khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiêu thụ hết 10% của khối /8.
"Với tốc độ tiêu thụ như hiện nay, trong vòng 2 tuần tới khu vực Châu Á – Thái Bình Dương sẽ hết hoàn toàn địa chỉ IPv4", ông Tân dự tính và cho biết c ác tổ chức thành viên trong khu vực như VNNIC đang gia tăng tốc độ chạy đua nhằm giành giật lấy phần địa chỉ IPv4 ít ỏi hiện có.
Theo ông Tân, sau khi hết địa chỉ IPv4 để cấp phát theo nhu cầu, APNIC sẽ chỉ còn một khối địa chỉ /8 cuối cùng dùng cho mục đích hỗ trợ, duy trì và cung cấp công cụ giúp các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang IPv6. Chính vì thế, vùng địa chỉ này thay vì cấp theo nhu cầu như thông thường thì sẽ cấp đồng loạt cho các thành viên tối đa “/22” (khoảng 1024 địa chỉ) và chỉ trong một lần duy nhất.
Khi APNIC hết địa chỉ IPv4 để cung cấp, các tổ chức thành viên như VNNIC cũng sẽ không còn. Tuy nhiên, khi nào hết sạch địa chỉ IPv4 còn tùy thuộc vào mức độ sử dụng thực tế của các nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP). Gần đây, các ISP của Việt Nam đã nhanh chân đăng kí một lượng đáng kể địa chỉ IPv4. Vào tháng 9 năm ngoái, VNNIC đã cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/10” (tương đương hơn 4 triệu địa chỉ) cho VNPT. Trong hai tháng vừa qua, Viettel được cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/11” (khoảng 2 triệu địa chỉ), còn FPT được cấp vùng địa chỉ “IPv4 “/13” (tương đương 512 nghìn địa chỉ).
Nhằm đối phó với nguy cơ cạn kiệt địa chỉ IPv4 đã cận kề, Bộ TT&TT cũng vừa ban hành K ế hoạch hành động quốc gia về IPv6. Theo kế hoạch này, kể từ năm nay, các ISP và các doanh nghiệp có hạ tầng CNTT lớn phải chuẩn bị các điều kiện cần thiết về nhân lực, kĩ thuật để triển khai IPv6.
Theo ICTnews
Bình luận