6 giờ sáng nay (giờ Hà Nội), Trung tâm thông tin mạng châu Á - Thái Bình Dương (APNIC) chính thức công bố đã cấp phát hết hoàn toàn địa chỉ IPv4 phục vụ cho việc cấp phát theo chính sách thông thường.
Như vậy toàn khu vực chỉ còn lại một khối địa chỉ /8 cuối cùng chỉ dùng cho mục đích hỗ trợ các thành viên trong quá trình chuyển đổi sang IPv6. Theo đó mỗi thành viên địa chỉ sẽ chỉ còn được hỗ trợ 01 lần xin cấp IPv4 duy nhất với lượng địa chỉ tối đa không quá một khối /22 (1024 địa chỉ).
Theo ông Trần Minh Tân, Phó Giám đốc Trung Tâm Internet Việt Nam (VNNIC), kể từ ngày 15/4/2011, VNNIC cũng bắt đầu chính thức triển khai áp dụng chính sách cấp phát IPv4 cho giai đoạn cạn kiệt IPv4. Theo đó, VNNIC sẽ ngừng tiếp nhận các yêu cầu xin cấp IPv4 với khối lượng lớn hơn “/22” và mỗi tổ chức chỉ được xin cấp một lần duy nhất với lượng địa chỉ tối đa “/22”.
Ngoài ra, việc cấp phát địa chỉ IPv4 cho giai đoạn cạn kiệt này chỉ nhằm mục đích hỗ trợ cho việc triển khai địa chỉ IPv6 để thay thế cho IPv4.
"Như vậy, việc triển khai IPv6 là yêu cầu cấp thiết và bắt buộc đối với tất cả các tổ chức tham gia hoạt động Internet. VNNIC đã triển khai chính sách hỗ trợ cấp phát miễn phí IPv6 cho mọi thành viên đã được cấp IPv4", ông Tân cho biết thêm.
Gần đây, các ISP của Việt Nam đã nhanh chân đăng ký một lượng đáng kể địa chỉ IPv4 dủ để sử dụng trong quá trình chuyển đổi lên IPv6. Vào tháng 9 năm ngoái, VNNIC đã cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/10” (tương đương hơn 4 triệu địa chỉ) cho VNPT. Trong hai tháng vừa qua, Viettel được cấp phát vùng địa chỉ IPv4 “/11” (khoảng 2 triệu địa chỉ), còn FPT được cấp vùng địa chỉ “IPv4 “/13” (tương đương 512 nghìn địa chỉ).
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà cung cấp dịch vụ vẫn chờ đợi khách hàng có yêu cầu hay lo ngại về vấn đề thiết bị không tương thích thay vì trình diễn, giới thiệu các dịch vụ trên nền IPv6 có gì hấp dẫn, an toàn và khác biệt so với IPv4 để kích cầu việc sử dụng nâng cấp, chuyển đổi thiết bị đầu cuối.
Theo ICTnews
Bình luận