Để thành công, các công ty phải chấp nhận rủi ro. Và chấp nhận rủi ro cũng có nghĩa là có thể thất bại. Vì thế không ngạc nhiên khi thành công của Facebook không tránh khỏi những lần thất bại đáng nhớ.
Trên chặng đường thu hút trên 500 triệu người dùng và liên kết đến hơn 2,5 triệu website, Facebook và nhà sáng lập tỷ phú Mark Zuckerberg đã gặp không ít lần thất bại.
Vụ Beacon: 2007-2009
Năm 2007, Facebook tung ra Beacon cho phép người dùng chia sẻ những món hàng họ đã mua trực tuyến với bạn bè Facebook. Công ty tin rằng dịch vụ mới là “một cách sáng tạo để chia sẻ thông tin trên Facebook”. Nhưng người dùng nhanh chóng phản đối chỉ vì những món hàng bí mật mà họ đã mua trên mạng Internet, như nhẫn đính hôn hay quà giáng sinh, nhanh chóng lan ra công chúng một cách không kiểm soát nổi.
Cuối cùng, Facebook phải đóng cửa Beacon vào năm 2009 và thiết lập quỹ 9,5 triệu USD để lập tổ chức phi lợi nhuận Facebook Safety Advisory Board, chuyên tư vấn cho Facebook về các vấn đề an toàn trực tuyến.
Tai nạn vì chia sẻ thái quá: 2004-2011
Chuyện xảy ra từ năm 2004 khi một người dùng Facebook bị sa thải vì tiết lộ thông tin “không hợp lý” trên Facebook. Chưa hết, năm 2006, tai nạn vì sự chia sẻ thái quá đã xảy ra với Pierce Bush, cháu trai của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, khi những bức ảnh tiệc tùng của Pierce Bush đăng trên trang Facebook của anh bị một trang web lá cải khai thác.
Mặc dù những vụ tai nạn kiểu trên vẫn thường xuyên xảy ra, nhưng người dùng mạng xã hội dường như vẫn không dè chừng. Vì thế, chia sẻ thái quá cũng là một yếu điểm của Facebook.
Lộ mã nguồn vào 8/2007
Các nhân viên IT của Facebook đã phạm một sai lầm với một trong các máy chủ web của họ vào năm 2007, khiến một số mã nguồn “tự nhiên” được phơi bày. Không lâu sau một blog đã copy và đăng tải lại đoạn mã đó. Dù chỉ tồn tại một thời gian ngắn, nhưng một số người tin rằng đoạn mã bị lộ có thể phơi bày những lỗ hổng mà hacker sẽ lợi dụng để tấn công mã độc. Sau đó, Facebook phải lên tiếng thanh minh đoạn mã bị rò rỉ chỉ liên quan đến giao diện người dùng và “không có ý nghĩa gì với những sản phẩm bên trong của Facebook”.
Sự cố thay đổi điều khoản sử dụng: 2009
Facebook lên ghế nóng vào đầu năm 2009 khi thay đổi các điều khoản sử dụng dịch vụ, khiến nhiều người nghĩ rằng Facebook đang cố gắng tuyên bố họ sở hữu mọi nội dung do người dùng tạo ra, từ ảnh, video và các cập nhật status. Facebook vội vàng cải chính đó chỉ là những điều khoản mà một nhóm các luật sư muốn làm, còn người dùng hãy tin tưởng Facebook chỉ làm những điều đúng đắn. Điều trớ trêu là các website mạng xã hội khác cũng làm như Facebook, nhưng họ lại được người dùng đồng ý.
Thiết kế lại trang: 2009
Facebook nổi tiếng với các vụ tái thiết trang chủ, và một số người dùng luôn khó chịu với những thay đổi này. Nhưng vụ tai tiếng nhất là vào năm 2009, khi mạng xã hội quyết định thiết kế lại trang chủ và khoảng 2 triệu người dùng đã la hét phản đối, buộc Facebook phải tuân thủ yêu cầu người dùng. Cho đến nay, Facebook vẫn thích “vặn vẹo” trang chủ, và lần gần đây nhất là vào đầu năm 2010, nhưng họ không gặp phải sự cố phản đối mạnh mẽ như hồi năm 2009.
Lộ “chuyện riêng” của người dùng: tháng 5/2010
Mới đây, một thiếu sót kỹ thuật trong phần mềm của Facebook đã cho phép người dùng xem được những đoạn chat riêng tư của người khác với chỉ một vài cái bấm chuột. Tất nhiên, Facebook phải nhanh chóng vá lỗi, nhưng vụ việc vẫn khiến một số người dùng giận dữ.
Sửa “lợn què thành lợn què hơn”: 5/2010
Sau vụ việc lộ những câu chuyện riêng tư của người dùng ở trên, Elliot Schrage, phó chủ tịch phụ trách truyền thông của Facebook, đã trả lời phòng vấn trên báo New York Times. Facebook hy vọng bài phỏng vấn sẽ xoa dịu lo ngại của người dùng về các vấn đề rỏ rỉ dữ liệu và tính riêng tư, nhưng các câu trả lời của Schrage chỉ khiến mọi thứ tệ hơn. Nhiều người đã bày tỏ sự giận dữ, cho rằng Facebook chỉ đang lừa dối người dùng.
Thực tế cho đến ngày nay, các chính sách riêng tư và bảo vệ dữ liệu của Facebook vẫn còn nhiều vấn đề cần phải nói. Tuy nhiên, Facebook cũng đã tiến hành một số bước quan trọng để xử lý thiếu sót của hãng, như đưa ra tính năng xuất dữ liệu và nâng cấp các biện pháp quản lý tính riêng tư.
Mark Zuckerberg cũng toát mồ hôi với phỏng vấn: 6/2010
Sau khi bị chỉ trích quá nhiều về các vấn đề riêng tư và bảo mật, CEO Mark Zuckerberg lại tiếp tục có cuộc phỏng vấn tệ hại. Những câu trả lời của Zuckerberg rời rạc, mâu thuẫn và không rõ ràng. Mọi thứ còn tệ hơn khi vị CEO trẻ bắt đầu bối rối, toát mồ hôi dưới ánh đèn sân khấu, đến mức người xem có thể nhìn thấy cả những giọt mồ hôi lăn trên khuôn mặt anh.
Giờ đây, Zuckerberg đã là một CEO tự tin hơn, và các cuộc phỏng vấn của anh đã tốt hơn rất nhiều. Facebook đã tiến bộ nhiều với các biện pháp quản lý dữ liệu người dùng, nhưng vẫn còn rất nhiều điều cần phải cải tiến hơn nữa.
Chia sẻ địa chỉ, số điện thoại: tháng 1/2011
Vào tháng 1/2011, Facebook đã trao cho các ứng dụng và website của bên thứ ba một đặc quyền, được yêu cầu địa chỉ nhà và số điện thoại của người dùng, nếu họ chia sẻ thông tin, ứng dụng của bên thứ ba lên Facebook. Dịch vụ mới được cho là sẽ tạo điều kiện dễ dàng hơn để lập thành các nhóm có cùng mối quan tâm. Nhưng tính năng đó lại tiềm ẩn nguy cơ lộ thông tin cá nhân – chẳng hạn một số nhóm nhà phát triển đã bán lại thông tin người dùng cho các hãng marketing.
Facebook đã phải xóa kế hoạch chia sẻ địa chỉ nhà, nhưng nói rằng họ sẽ tung ra tính năng mới kiểm soát thông tin tốt hơn.
Lập tài khoản Facebook cho chó: tháng 3/2011
Sau những chỉ trích liên tục và nặng nề về chính sách riêng tư, và sau khi bộ phim gây nhiều tranh cãi chiếu về người sáng lập mạng xã hội, Facebook và CEO Mark Zuckerberg dường như đã tự tin hơn nhiều với giới truyền thông. Nhưng vẫn không tránh khỏi sai sót, như vụ Mark Zuckerberg lập trang Facebook cho chú chó Beast của anh, khiến một số người dùng ghen tị “họ không bằng chó của Mark Zuckerberg”.
Theo ICTnews
Bình luận