Các kĩ sư của Facebook đang nghiên cứu thiết kế máy tính và trung tâm dữ liệu nhằm tối ưu điện năng sử dụng và giảm giá thành. Họ vừa công bố rộng rãi kết quả và thành lập dự án OpenComputer để tất cả cùng sử dụng.
Google vốn luôn bí mật về các trung tâm dữ liệu và hệ thống máy chủ của họ. Chỉ một lần duy nhất, họ có những công bố chính thức về các thông tin này. Trái ngược lại với động thái đó, Facebook vừa thành lập Dự án máy tính mở, giúp xây dựng các chuẩn công nghiệp cho máy tính với mục đích giảm năng lượng tiêu thụ và chi phí sản xuất.
Thiết kế máy chủ
Hộp máy
Hộp máy được thiết kế để làm các mục đích được định sẵn. Do đó gần như không con ốc nào được sử dụng, và chỉ chứa các thành phần cần thiết. Máy chủ này nhẹ hơn khoảng 3 kg so với máy chủ 1U thông thường mặc dù chiều cao đến 1,5U, và được lắp trong vòng 8 phút 30 giây.
Quạt được thiết kế tốt hơn và chỉ dùng 1% đến 2% năng lượng chung.
Bo mạch AMD
Bo mạch được thiết kế dành cho vi xử lí AMD bao gồm 24 khe cắm bộ nhớ DIMM và hỗ trợ 2 bộ VXL AMD Opteron® 6100 Series.
Bo mạch Intel
Bo mạch dành cho Intel hỗ trợ 2 VXL Xeon 5500 hoặc Xeon 5600 và có 18 khe cắm DIMM. Cả hai loại bo mạch do Facebook thiết kế này đều bỏ qua nhiều bộ phận trên các bo mạch thông thường không được sử dụng trên máy chủ như là các khe cắm mở rộng.
Nguồn điện
Facebook dùng nguồn công suất 450 W với một điện áp ra duy nhất 12,5 VDC và điện áp vào 277 VAC (nhằm giảm tiêu hao năng lượng). Ngoài ra còn có một điện áp vào 48 VDC dùng cho nguồn dự phòng.
Trung tâm dữ liệu
Facebook cũng đưa ra các đặc tả về trung tâm dữ liệu, như là thiết kế điện, nguồn pin, rack (rack gồm 3 cột với sức chứa tổng cộng 90 máy chủ). Thiết bị lưu điện của Facebook có hiệu suất 99,5%, một con số ấn tượng so với mức 90% đến 95% của UPS thông thường.
Vì sao Facebook “mở”?
Với quy mô của mạng xã hội số 1 thế giới, thì việc họ có trung tâm dữ liệu riêng và tự thiết kế máy chủ riêng là điều dễ hiểu. Với hàng trăm nghìn máy chủ, thì mỗi đô la giảm đi trong thiết kế tương đương với hàng trăm nghìn đô la được tiết kiệm.
Họ bắt đầu thiết kế này từ năm 2009 và bắt tay xây dựng trung tâm dữ liệu riêng vào đầu năm 2010. Mọi chi tiết thiết kế đều được Facebook công bố tại http://opencompute.org/, gồm cả những bản vẽ gốc.
Tại sao họ không “đóng” như Google? Rất có thể vì Facebook vẫn quá nhỏ bé so với Google: doanh thu năm 2011 của họ dự tính là 2 tỉ USD, so với 34 tỉ USD Google đang cất ở ngân hàng. Google có thể ném tiền để giải quyết các vấn đề, nhưng Facebook không thể. Do đó họ chọn giải pháp mở để thu hút sức mạnh cộng đồng, kêu gọi sự tham gia của các đối tác. Đó là điều Google đã làm và đã thành công với Android trong quá trình “đáp trả" Apple iOS.
Tất nhiên, Google có thể sử dụng các công nghệ được Facebook công bố để áp dụng cho chính hệ thống của mình. Nhưng Facebook không quan tâm đến điều đó, vì đây không phải là lĩnh vực họ cạnh tranh với Google.
Hải Nam tổng hợp.
Bình luận
Đúng là cách làm mới mà không mới: thấy đối thủ có ưu thế, thì mình "mở":
- IBM thấy Microsoft có Windows mạnh quá, nên đi ủng hộ Linux (đã chiếm được phị phần đáng kể ở mảng máy chủ, còn mảng desktop thì đang có hi vọng).
- Google thấy Apple có iPhone mạnh quá, nên tung ra Android. Kết quả là chưa đầy 2 năm đã lên vị trí số 1.
- Vẫn lại Google thấy IE đang mạnh, và Firefox thì thằng Mozilla nó không hoàn toàn theo mình, nên tung ra Chrome. Giờ đã hơn 10% thị phần và đang tăng nhanh.
- Google nhận hậu quả, khi ở mảng trung tâm dữ liệu, họ có ưu thế trước Facebook, nhưng giờ Facebook lại chơi trò "mở".
Tiếp theo sẽ là gì đây? Một Facebook "mở" chăng?
Đúng là xu thế "mở" đang làm nên chuyện. Nhưng hãy thử chú ý xem, những sản phẩm mở muốn thành công thì trước hết nó phải thuộc sở hữu của công ty có uy tín, sau đó phải có chiến lược (của công ty mẹ) để lôi kéo cũng như mời gọi người phát triển tự do.
Cái này tất nhiên rồi. Thế giới có 6 tỉ người và cả tỉ công ty. Nên không có chuyện sản phẩm của bất kì cty nào cũng đều có trọng lượng ngang nhau.