Năm 2010, thuê bao ADSL đã phát triển chững lại. Ảnh: THÁI ANH.

Hai “đại gia” là VNPT và Viettel đặt ra mục tiêu phát triển thuê bao ADSL trong năm 2011 thấp hơn so với năm 2010, trong khi đó FPT Telecom cho biết chưa đưa ra mục tiêu trong năm nay.

Năm 2009, VNPT đã bứt phá mạnh mẽ và tuyên bố đang nắm trong tay hơn 2,5 triệu thuê bao ADSL, Viettel có 530.000 thuê bao và FPT Telecom khẳng định đang có 440.000 thuê bao. Theo công bố của FPT Telecom, đến hết năm 2010, nhà cung cấp này đã phát triển được khoảng 500.000 thuê bao ADSL. Trong khi FPT Telecom có được con số đẹp về phát triển thuê bao ADSL thì năm 2010 lại là năm Viettel tụt hậu về dịch vụ này. Còn nhà cung cấp có thị phần lớn nhất là VNPT năm 2010 có vẻ như đã “chùn chân” trong việc phát triển thuê bao ADSL. VNPT đặt mục tiêu phát triển khoảng 800.000 thuê bao mới nhằm mục tiêu cán đích 2,8 triệu thuê bao nhưng hết năm 2010, VNPT mới đạt gần 2,6 triệu thuê bao.

Như vậy, sau mấy năm liên tiếp tăng trưởng ở mức bùng nổ, năm 2010 là năm đầu tiên thuê bao ADSL chững lại. Trong khi đó, thị trường Internet băng rộng có thêm đối thủ mới là 3G và cáp quang (FTTH) cạnh tranh với ADSL. Liệu mục tiêu của các đại gia Internet đặt ra trong năm 2011 có vượt qua con số mục tiêu trong năm 2010 hay không?

VDC "đại cải tổ" để tăng tốc

Giới chuyên môn cho rằng, đến thời điểm này - VNPT vẫn đang là doanh nghiệp có lợi thế nhất trong việc triển khai dịch vụ ADSL. VNPT có lợi thế bởi họ chỉ cần triển khai trên mạng điện thoại cố định, trong khi các doanh nghiệp khác gần như phải triển khai mới. Trước đó, VNPT đã đầu tư mạnh vào mạng băng rộng bởi doanh nghiệp này xác định đây là dịch vụ của tương lai. Thế nhưng, VNPT cũng chỉ đặt mục tiêu phát triển 500.000 thuê bao ADSL mới trong năm 2011. Như vậy, mục tiêu này thấp hơn so với năm 2010 của chính doanh nghiệp này đặt ra.

Tân giám đốc VDC (đơn vị chủ quản dịch vụ Internet của VNPT), ông Lê Ngọc Đức cho biết, VDC chưa thay đổi mục tiêu phát triển Internet đã đặt ra từ đầu năm. Thế nhưng, một lí do khiến nhiều người tin rằng nhiều khả năng VDC sẽ âm thầm vượt qua con số này bởi VDC đang tiến hành đại cải tổ bộ máy. Những biện pháp chuyển đổi nhân sự được cho là “mạnh tay” đã được áp dụng tại công ty này hướng mạnh hơn tới việc đeo bám thị trường và cạnh tranh với các đối thủ khác. Thực tế, việc điều chuyển nhân sự được áp dụng khá phổ biến đối với các công ty cổ phần hoặc những đơn vị mới như Viettel, VDC là một công ty dọc của VNPT lần đầu áp dụng biện pháp điều chuyển nhân sự “mạnh tay” như vậy. Mặt khác, VDC cũng đã tìm kiếm thêm các đối tác để phát triển dịch vụ nội dung trên mạng băng rộng.

Viettel “nhắm” FTTH, FPT Telecom chờ cổ đông

Ông Hoàng Sơn, Giám đốc Viettel Telecom cho biết, mục tiêu của Viettel trong năm 2011 cũng chỉ phát triển khoảng 100.000 thuê bao băng rộng. Trong đó có tới 60.000 – 80.000 là thuê bao FTTH. Như vậy, thuê bao ADSL chỉ chiếm phần nhỏ trong tổng số thuê bao băng rộng mà Viettel nhắm đến. “Đối với thuê bao ADSL có doanh thu quá thấp, Viettel thuyết phục khách hàng chuyển sang sử dụng Dcom 3G tiện dụng hơn. Hiện dịch vụ Dcom 3G của Viettel phát triển rất khả quan và có số thuê bao vượt qua con số thuê bao ADSL mà Viettel phát triển trong 3 năm qua”, ông Hoàng Sơn nói.

Như vậy, gần như Viettel sẽ không chạy đua trong cuộc cạnh tranh thu hút thuê bao ADSL với các đối thủ khác mà chuyển hướng sang phát triển FTTH và Dcom 3G.

Trong khi VNPT và Viettel tuyên bố rõ ràng về mục tiêu của mình thì FPT Telecom vẫn “im hơi lặng tiếng” về mục tiêu của mình trong năm 2011. Đại diện truyền thông của FPT Telecom cho hay, doanh nghiệp này phải chờ đại hội cổ đông của công ty mới đưa ra được mục tiêu này.

Vòng đời công nghệ ADSL đã sắp hết?

Nhìn vào mục tiêu phát triển thuê bao ADSL của các mạng cho thấy, mục tiêu trong năm 2011 có vẻ như “teo tóp” hơn so với năm 2010. Lý do được đưa ra để biện hộ cho sự “teo tóp” này bởi các công nghệ băng rộng khác đang có xu hướng lấn lướt ADSL.

Theo ông Trần Bá Thái, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam, vòng đời công nghệ ADSL đã sắp hết để nhường chỗ các công nghệ mới hơn như cáp quang (hiện đầu tư rẻ như dây đồng) và băng rộng di động không dây như WiMAX, 3G và LTE. Đồng tình với nhận định trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng, các công nghệ băng rộng di động đang có những lợi thế hơn hẳn so với ADSL về độ phủ cũng như chi phí đầu tư. Ông Hùng cho biết, đầu tư cho một thuê bao băng rộng di động trung bình chỉ khoảng 50 USD trong khi đó với ADSL là 150-200 USD. Với mức đầu tư này, các nhà cung cấp dịch vụ Internet ADSL rất khó có thể phủ rộng khắp cả nước. Trong khi đó với 3G, Viettel hiện đã phủ sóng rộng khắp cả nước với hơn 20.000 trạm thu phát sóng và sắp tới sẽ còn tăng nữa. Về cước phí, ông Hùng ước tính để phổ cập được dịch vụ Internet băng rộng ở Việt Nam, giá cước trung bình phải ở mức 80.000 đồng/tháng, một mức giá quá thấp so với mức cước ADSL khoảng 200.000 đồng/tháng hiện nay. Trong khi đó, giá băng thông đi quốc tế hiện nay đã tạo điều kiện cho các nhà mạng 3G có thể cung cấp dịch vụ với giá cước 30.000 đồng/tháng đến các hộ gia đình.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)