Với quy định không được sở hữu hai mạng di động, liệu VNPT sẽ giải bài toán này như thế nào: cổ phần một trong hai mạng hoặc hợp nhất hai mạng di động thành một?

Các công ty con của VNPT có thể mua cổ phần

Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ TT&TT cho biết, tinh thần của Nghị định 25/2011/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Viễn thông quy định một tổ chức, cá nhân đã sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần trong một doanh nghiệp thì không được sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông. Sở dĩ Nghị định đưa ra mức “sở hữu trên 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần” để tránh tình trạng doanh nghiệp cạnh tranh không lành mạnh.

“Khi xây dựng nội dung này, Bộ TT&TT đã tham khảo kinh nghiệm các nước trên thế giới. Cũng có nước chỉ cho sở hữu 10% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác cùng kinh doanh trong một thị trường dịch vụ viễn thông, nhưng cũng có nước cho phép được sở hữu tới 30%. Đối với một thị trường như Việt Nam thì việc sở hữu không quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần của doanh nghiệp viễn thông khác là phù hợp”, ông Phạm Hồng Hải nói.

Ông Phạm Hồng Hải cũng cho biết, theo Nghị định này, VNPT sẽ phải sáp nhập VinaPhone và MobiFone hoặc cổ phần hóa một trong hai mạng di động và không được sở hữu chéo quá 20% vốn điều lệ hoặc cổ phần sang mạng kia. Tuy nhiên, các công ty con của VNPT sẽ được mua cổ phần của mạng di dộng được cổ phần. Thế nhưng, các công ty con của VNPT phải là các công ty hạch toán độc lập chứ không phải các công ty hạch toán phụ thuộc.

Ảnh
VNPT có thể vẫn giữ được 2 thương hiệu VinaPhone và MobiFone trong trường hợp chọn phương án sáp nhập hai mạng này. Ảnh: Thanh Hải.

Nếu sáp nhập vẫn giữ được hai thương hiệu

Cho đến thời điểm này có rất nhiều ý kiến tỏ ra lo lắng nếu VNPT chọn phương án gộp hai mạng di động thành một thì sẽ phải phế đi một thương hiệu mạnh của mình. Điều này sẽ đầy khó khăn cho VNPT. Trả lời câu hỏi của Báo Bưu điện Việt Nam là trong trường hợp VNPT chọn phương án hợp nhất hai mạng di động MobiFone và VinaPhone thì tập đoàn này có giữ được hai thương hiệu này không, ông Phạm Hồng Hải cho biết, trong Nghị định chỉ quy định về sở hữu và pháp nhân chứ không quy định về thương hiệu.

Như vậy, VNPT có thể vẫn giữ được hai thương hiệu VinaPhone và MobiFone trong trường hợp chọn phương án hợp nhất. “Các nước cũng xảy ra việc sáp nhập các mạng di động, nhưng vẫn có nhiều thương hiệu chứ không mất đi. Tuy nhiên, trong trường hợp VNPT sáp nhập hai mạng thành một, nếu có các cuộc thi tuyển hoặc đấu giá tài nguyên, đặc biệt là tần số thì hai mạng này cũng chỉ được tính là một pháp nhân chứ không thành hai pháp nhân như việc VNPT và MobiFone thi tuyển 3G. Điều này sẽ vô cùng khó khăn cho VNPT trong việc sử dụng các tài nguyên phục vụ cho việc kinh doanh của mình", ông Hải nói.

Kịch bản nào sẽ được VNPT lựa chọn?

Đối với VNPT, Nghị định 25/2011/NĐ-CP sẽ tác động rất lớn đối với mô hình tổ chức của tập đoàn này. Ông Phạm Hồng Hải cho biết, theo tinh thần của Nghị định này, đối với việc thay đổi tổ chức của các tập đoàn kinh tế nhà nước sẽ do Thủ tướng Chính phủ quyết định. Bộ TT&TT sẽ có văn bản gửi VNPT về phương án tổ chức của tập đoàn này. Sau đó, Bộ sẽ phải có báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về lộ trình thoái vốn của VNPT ra sao. Sau khi Thủ tướng có quyết định thì VNPT thực hiện lộ trình đó.

Nhiều người đặt ra câu hỏi, trước sự tác động của Nghị định này, VNPT sẽ chọn cho mình kịch bản nào? Giới phân tích cho rằng việc chọn phương án cổ phần hóa MobiFone sau đó VNPT sở hữu chéo không quá 20% cổ phần của mạng di động này sẽ rất khó được VNPT lựa chọn bởi MobiFone hiện chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT nhưng lại đang chiếm khoảng 50% lợi nhuận của tập đoàn này. Cho dù các công ty con của VNPT có thể mua cổ phần của MobiFone, thế nhưng phần lớn những “quả đấm thép” của VNPT lại đang hạch toán phụ thuộc, nên không thuộc diện được mua cổ phần. Những đối tượng công ty con của VNPT thuộc diện được mua cổ phần thì lại quá nhỏ thường là các đơn vị thuộc khối xây lắp, công nghiệp. Như vậy, nếu vẫn muốn nắm cổ phần của mạng di động mà mình cổ phần thì buộc VNPT sẽ phải giảm số doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc của mình, đặc biệt là những “quả đấm thép” như VTI, VTN, VDC, VinaPhone…

Kịch bản về hợp nhất VinaPhone và MobiFone được nhiều người cho là có khả năng xảy ra nhiều hơn, đặc biệt trong khi vẫn giữ được hai thương hiệu này. Về cơ bản thì việc sáp nhập sẽ không nhiều khó khăn cho VNPT trong thời gian đầu. Thế nhưng, xét dưới khía cạnh lâu dài thì sẽ khó khăn trong việc lấy các tài nguyên sau này. Điều đó, sẽ ảnh hưởng đến việc phát triển của cả hai mạng trong tương lai.

Hiện VNPT vẫn chưa có bất cứ phát ngôn chính thức nào xung quanh việc sắp xếp mô hình tổ chức theo tinh thần của Nghị định 25/2011/NĐ-CP.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)