Chính phủ vừa ban hành quy định không cho phép các doanh nghiệp viễn thông khuyến mãi bằng cách giảm giá cước dịch vụ viễn thông và hàng hóa viễn thông. Quy định mới này ngay lập tức đã tạo tác động lớn tới các nhà mạng và người tiêu dùng.
“Thượng đế”... bị thiệt
Hiện tại, theo thống kê của các tổ chức nghiên cứu thị trường di động tại Việt Nam thì nước ta đứng thứ 7 thế giới về mật độ tài khoản điện thoại tính trên đầu người với khoảng 150 triệu tài khoản đang hoạt động. Đây là một con số khá lớn và tính ra bình quân, mỗi người Việt Nam sử dụng tới 2 SIM điện thoại. Theo các chuyên gia, thực tế tại Việt Nam thì con số 2 SIM trên đầu người vẫn còn... tương đối ít.
Lí giải cho hiện tượng trên, đại diện một nhà mạng cho hay, hiện tại, thị trường di động tại Việt Nam vẫn còn đang trong tình trạng phát triển với khoảng 7 nhà mạng tham gia trực tiếp. Để có thể thu hút được khách hàng, việc khuyến mãi là điều tất yếu không thể tránh khỏi. Hàng loạt các biện pháp khuyến mãi lớn, rầm rộ cho khách hàng đăng kí hòa mạng mới đã nhanh chóng biến SIM trở thành miếng bánh ngon cho người sử dụng mua một cách vô tội vạ. SIM được sử dụng thay cho thẻ cũng xuất phát từ hiện tượng này. Với các nhân viên và công nhân nghèo vốn chiếm tới hơn 80% dân số thì việc bỏ một số tiền mua SIM để được mức lợi cao hơn 3-4 lần giá trị thực của số tiền bỏ ra sẽ có ý nghĩa lớn hơn rất nhiều lần việc dùng cùng số tiền ấy để mua thẻ nạp tiền mà phần lợi thu được chỉ đạt tối đa 2 lần giá trị thực của số tiền đó.
Việc khuyến mãi trên SIM quá mức mang lại cho người tiêu dùng những ưu đãi lớn trong việc sử dụng điện thoại, nhưng nó lại tạo sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà mạng. Theo một thống kê gần đây, trong năm 2010, lợi tức các nhà mạng Việt Nam thu được rất ít mặc dù lượng người sử dụng có tăng và trong năm 2011, lợi tức còn có thể tiếp tục giảm nếu tình hình này còn kéo dài.
Theo các chuyên gia, việc Chính phủ không cho khuyến mãi quá mức trần sẽ khiến “thượng đế” mất dần các ưu đãi đã từng có trong quá khứ.
Nhà mạng lo
Quy định trên mặc dù bảo đảm giúp nhà mạng có thể tăng lợi nhuận từ việc bán các sản phẩm dịch vụ viễn thông nhưng cũng có không ít mối lo ngại về các ảnh hưởng tiêu cực của nó. Trước đây, khi việc cạnh tranh bằng khuyến mãi dịch vụ di động đang diễn ra một cách không thể kiểm soát, đại diện các mạng lớn tại Việt Nam là Viettel, Vinaphone, MobiFone đã phản ứng và gửi đơn lên Bộ Thông tin và Truyền thông để đề ra một mức giá trần quy định cho các dịch vụ viễn thông và các nhà mạng không được khuyến mãi, giảm cước quá mức này. Sự việc này ngay lập tức bị các công ty viễn thông nhỏ phản đối vì nó sẽ khiến họ không còn cơ hội để tạo ra được sự cạnh tranh trên thị trường bởi vì khuyến mãi, giảm cước là vũ khí duy nhất họ có được.
Theo các chuyên gia, việc quy định một hệ thống khung cho các dịch vụ viễn thông Việt Nam là một việc phải làm trong một sớm một chiều vì nếu cứ để thả lỏng như hiện nay, thị trường viễn thông sẽ lâm vào các tình huống không thể kiểm soát. Biện pháp cấm khuyến mãi vượt quá khung quy định mới đây của Chính phủ được xem là một trong những giải pháp để ổn định tình hình, nhưng các nhà quan sát lo ngại là việc các công ty dịch vụ viễn thông có tìm được cách để “xé rào” hay không.
Năm 2010, chính Bộ Thông tin và Truyền thông cũng “qua mặt” khi quy định cấm việc khuyến mãi quá 50% giá trị của thẻ nạp điện thoại đã bị chính MobiFone - một công ty thuộc tập đoàn VNPT của nhà nước “xé rào” bằng cách phân bổ tài khoản người dùng điện thoại ra hơn 6 nhóm khác nhau và mỗi nhóm khuyến mãi dù tối đa 50% thì tổng mức khuyến mãi vẫn luôn luôn cao hơn... 100%. Trước các lí lẽ hết sức thuyết phục và logic mà MobiFone trình bày, quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông coi như mất giá trị và các nhà mạng lại tiếp tục chiêu “100%” như trước kia.
Quy định của Chính phủ cũng đề ra một hướng mở cho phép nhà mạng liên kết với tổ chức/cá nhân bên ngoài triển khai chương trình khuyến mãi. Như vậy, khó khăn của các doanh nghiệp nhỏ có thể sẽ được vơi bớt nếu có sự hợp tác từ các đối tác bên ngoài. Bên cạnh đó, việc kết hợp với các đoàn thể, tổ chức để thực hiện các nội dung khuyến mãi theo từng đối tượng sẽ giúp các nhà mạng chủ động hơn trong việc tiếp cận thị trường. Mặc dù vậy, có vẻ các mạng nhỏ tiềm lực tài chính yếu sẽ gặp khó khăn trong việc mở rộng thị trường khi yếu tố cạnh tranh về khuyến mãi sẽ giảm xuống. Bên cạnh đó, các nhà phân tích cũng đang theo dõi các công ty viễn thông sẽ “xử lí” ra sao với các gói cước gần như miễn phí cho thuê bao nội mạng của mình trước các quy định trên.
Theo Thế giới @
Bình luận