Chính thức rút khỏi kế hoạch đầu tư vào EVN Telecom, nhưng tham vọng “nhảy” vào lĩnh vực viễn thông của tập đoàn FPT vẫn còn nguyên. Tuy nhiên, FPT sẽ theo hướng đầu tư mới toàn bộ hay tiếp tục nuôi kế hoạch mua cổ phần của doanh nghiệp viễn thông đã có sẵn?
Mua cổ phần doanh nghiệp: Không khả thi!
Trong tổng số 7 doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng mạng đang hoạt động hiện nay, bao gồm MobiFone, VinaPhone, Viettel, Beeline, Vietnamobile, S-Fone và EVN Telecom, thì S-Fone gần như là "cửa duy nhất" FPT có thể mua cổ phần để tham gia vào thị trường viễn thông.
Do những yếu tố, đặc điểm về cơ chế, tính chất mô hình, cơ cấu, giá trị doanh nghiệp... nên việc sở hữu số cổ phần lớn trong những doanh nghiệp như Viettel, VinaPhone và MobiFone nằm ngoài “vùng phủ sóng” của FPT. Thậm chí cả với MobiFone, nhà mạng sẽ cổ phần hóa trong tương lai không xa.
Với EVN Telecom, FPT vừa chính thức rút lại kế hoạch đầu tư vào doanh nghiệp này. Trong khi đó, Vietnamobile và Beeline đều là những mạng đã có đối tác nước ngoài tham gia góp vốn.
Tập đoàn VimpelCom của Nga đã sở hữu 49% cổ phần của Beeline. Còn ở Vietnamobile, hãng viễn thông Hồng Kông Hutchison Telecommunication International Limited (Hutchison Telecom) cũng đã góp vốn đăng kí trước đây là gần 700 triệu USD vào mạng này.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, đối tác của Vietnamobile đã xin tăng vốn đầu tư 350 triệu USD, nâng con số đầu tư vào mạng này là 1 tỉ USD. Các đối tác cũng đang rậm rịch xin chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, thay cho mô hình hợp đồng hợp tác kinh doanh.
Thực tế, cả hai đối tác ngoại của Beeline và Vietnamobile đều mong muốn nắm giữ lượng cổ phần chi phối, nhưng không thể bởi vướng quy chế. Nếu FPT cố “chen chân” vào những mạng này thì cũng khó khả thi, do tỉ lệ cổ phần và vốn góp của các bên nắm giữ đã rất lớn.
Thời gian gần đây một số nguồn tin cho hay, FPT có kế hoạch mua cổ phần của S-Fone. Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, Chủ tịch Hội đồng quản trị FPT, ông Trương Gia Bình thẳng thắn nói: “FPT cũng đang tính đến nhưng quan trọng là người ta (đơn vị sở hữu mạng S-Fone - PV) có bán hay không. Và chúng tôi vẫn chờ cơ hội”.
Tuy nhiên, do mới đây, Công ty Cổ phần Dịch vụ bưu chính viễn thông Sài Gòn (SPT) - đơn vị sở hữu mạng di động S-Fone đã thông qua nguyên tắc bán 40% cổ phần, trong đó, Công ty Cổ phần Công nghệ Viễn thông Sài Gòn (SaigonTel) đã đồng ý mua 30% cổ phần mạng S-Fone. Như vậy, việc FPT kì vọng mua được số lượng cổ phần lớn để chi phối và trực tiếp tham gia quản lí, phát triển mạng S-Fone gần như khó có thể xảy ra.
Nhắm đến công nghệ LTE
“Dù có mua được cổ phần của các doanh nghiệp khác hay không thì FPT vẫn đầu tư vào thị trường viễn thông. Họ không bán thì mình tự làm”, Chủ tịch Trương Gia Bình nói với VnEconomy.
Ông Bình phân tích, thực ra, việc FPT đầu tư riêng một mạng mới, hạ tầng mới còn rẻ hơn là đi mua lại, nhưng mua lại sẽ rút ngắn được thời gian đầu tư. Nhưng, nếu có mua lại một mạng viễn thông khác thì FPT cũng không thể khai thác và phát triển trên những dịch vụ truyền thống có sẵn là đàm thoại và SMS. Vì thị phần và cơ hội đó dành cho FPT để phát triển mạnh là không nhiều.
“Nên khi FPT tham gia vào thị trường viễn thông di động, chúng tôi sẽ phát triển theo hướng mới, tạo ra sự khác biệt, tiến vào lĩnh vực viễn thông băng thông rộng và đa phương tiện”, ông Trương Gia Bình cho hay.
Phương án khả thi nhất mà FPT tính đến lúc này là đầu tư phát triển thị trường viễn thông băng thông rộng theo công nghệ LTE (Long Term Evolution) – công nghệ 4G. Hiện tại Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp giấy phép thử nghiệm 4G/LTE cho FPT và doanh nghiệp này cũng tuyên bố đã tiến hành thử nghiệm LTE sau khi được Bộ cấp giấy phép.
Theo lãnh đạo FPT, phát triển công nghệ LTE sẽ “hợp” với thế mạnh, tiềm năng của FPT và xu thế của thời đại, bởi lẽ công nghệ 4G với băng thông cực rộng cho phép tải các dữ liệu, âm thanh và hình ảnh động chất lượng cao, nét và trong thời gian nhanh tới chóng mặt. Các ứng dụng 4G có thể kể tới gồm hội nghị truyền hình, HDTV, truy nhập Internet băng tần rộng, giải trí trực tuyến... đều là những lĩnh vực mà FPT đang có thế mạnh.
Thời điểm hiện tại mới chỉ có Viettel là mạng di động đầu tiên công bố cho phép khách hàng thử nghiệm các dịch vụ trên nền 4G và chính thức công bố triển khai thử nghiệm thành công công nghệ LTE/4G ngày hôm qua (12/5).
Tuy nhiên, do LTE là công nghệ mới và cũng đang trong quá trình được các tập đoàn thử nghiệm, vì thế ông Trương Gia Bình chưa tiết lộ thời điểm cụ thể khi nào sẽ chính thức tham gia và cung cấp dịch vụ viễn thông di động, dù không phải ở những dịch vụ truyền thống. “Chúng tôi đang chuẩn bị tích cực và sẵn sàng tham gia vào thị trường viễn thông di động khi cơ hội đến”, ông Bình cho biết.
Theo VnEconomy
Bình luận