Người dùng thường nhấn nút “Like” trên Facebook hoặc “Tweet” trên Twitter như hình thức chia sẻ thông tin/ý kiến với bạn bè. Nhưng mới đây người ta phát hiện Facebook cũng như Twitter đã lợi dụng nút bấm này để thu thập dữ liệu về những thông tin người dùng tìm kiếm, hoặc trang web họ ghé thăm.
Các nút này còn được gọi là “social-widget” (công cụ xã hội), xuất hiện phía trên những bài viết đăng trên các trang tin tức, hoặc phía dưới sản phẩm của những trang bán lẻ, bị phát hiện tự động báo về cho Facebook và Twitter biết có người ghé thăm những trang web trên, ngay cả khi họ không bấm vào những nút này. Đây là kết quả từ cuộc nghiên cứu của tờ Wall Street Journal.
Cũng theo Wall Street Journal, số lượng những widget này vô cùng nhiều. Chúng đã xuất hiện trên hàng triệu trang web chỉ trong năm ngoái (2010). Riêng nút “Like” của Facebook đã có mặt trên 1/3 trong danh sách tổng số 1.000 trang web có lượng truy cập nhiều nhất thế giới. Những nút của Twitter và Google có tần suất hiện diện trên những trang nói trên lần lượt là 20% và 25%.
Những nút, hay còn gọi là widget, được tạo ra với mục đích giúp người dùng dễ dàng chia sẻ thông tin với bạn bè và giúp chủ trang web thu hút thêm các truy cập. Tuy nhiên, chúng cũng là “cách đầy tiềm năng để theo dõi người sử dụng Internet”. WSJ cho hay những nút bấm này có khả năng liên kết thói quen lướt web của người sử dụng với hồ sơ mạng xã hội của chính họ, vốn thường kèm theo tên tuổi đầy đủ của những người này.
Tờ WSJ dẫn một ví dụ, Facebook hoặc Twitter biết được khi nào thì người dùng của những mạng xã hội này đọc một bài viết trên MSNBC.com, hoặc đọc một bài blog có nội dung về bệnh trầm cảm nhan đề “Fighting the Darkness”, ngay cả khi người dùng không click vào những nút “Like” hoặc “Tweet” trên những mạng xã hội trên.
Cụ thể, một người chỉ cần đăng nhập vào Facebook hoặc Twitter đúng một lần vào tháng trước, những trang này vẫn tiếp tục thu thập dữ liệu lướt web, thậm chí sau cả khi người này tắt trình duyệt và tắt cả máy tính. Cách duy nhất để thoát khỏi “cặp mắt cú vọ” đáng sợ này là người dùng phải đăng xuất (log-out) một cách dứt khoát khỏi tài khoản mạng xã hội của họ, nghiên cứu của WSJ cho hay.
Trong phản hồi của mình, Facebook, Twitter, Google và những hãng chế tạo widget khác nói họ không hề dùng dữ liệu phản hồi từ những widget để theo dõi người dùng. Facebook phát biểu họ chỉ sử dụng những dữ liệu dạng này cho mục đích quảng cáo đơn thuần, mỗi khi người dùng click chuột vào một widget.
Facebook và Google cho biết họ đã “ẩn danh” (anonymize) những thông tin lướt web, nên sẽ không có chuyện truy ra được hành tung của một người dùng nhất định nào. Facebook nói những dữ liệu nói trên được tự xóa sau 90 ngày, còn Google là hai tuần. Đại diện Facebook và Google cho hay họ dùng những dữ liệu và thông tin này để đo độ hiệu quả của các widgets, giúp các trang web thu hút khách truy cập.
Twitter cho biết họ “không đụng đến” dữ liệu lướt web của người dùng và “xóa những dữ liệu này một cách nhanh chóng”. Người phát ngôn của Twitter cho biết trên lí thuyết, công ty có thể dùng những dữ liệu kể trên để “nghiên cứu những nội dung tốt hơn” cho người dùng trong tương lai.
Những phát hiện mới nhất về hoạt động của những “social widget” xuất hiện giữa bối cảnh có những lo ngại đang dâng cao về tính bảo mật riêng tư của Internet và người dùng điện thoại thông minh (smartphone).
Quốc hội Mỹ đã ban hành ít nhất năm nghị quyết liên quan đến quyền riêng tư của người dân, ba trong số đó là cơ chế bảo vệ quyền của người dùng thiết bị di động được tự do mở hoặc tắt tính năng theo dõi theo ý muốn.
Theo TTO
Bình luận
Ví dụ nè post/24229
Cái này ngược với tiêu đề bài viết nè. Click nút "Like" hay không thì mục đích của mình là cho người khác biết mình thích bài đó. Còn việc Facebook dựa vào thói quen của mình, các trang web hay vào... để đưa ra quảng cáo phù hợp thì các công ty quảng cáo khác đều có làm, và làm từ lâu rồi.
WSJ mà nói thì chắc là có căn cứ nhưng mình vẫn chưa hiểu nguyên lý hoạt động của widget Like như thế nào mà lại theo dõi được người dùng