Wang Xing, nhà sáng lập của “Groupon Trung Quốc”, đã chứng minh một “quy luật”: nếu không thành công với sản phẩm riêng ngay từ đầu, hãy làm nhái và… tiếp tục làm nhái.
Nhái từ Facebook tới Groupon
Wang Xing, 26 tuổi, và là nhà sáng lập của một trang web mạng xã hội Trung Quốc, chính là bản sao của mạng xã hội số 1 thế giới, Facebook. Đó là vào tháng 12/2005 tại Bắc Kinh, Wang và 2 người bạn nữa đã cho ra đời một website nhái Facebook cực kì xuất sắc.
Trang Xiaonei đã nhanh chóng trở thành phiên bản Facebook của Trung Quốc, và thu hút lượng truy cập rất lớn. Nhưng chưa đầy 1 năm, vì buộc phải mượn tiền của bố mẹ để duy trì trang web, Wang đã bán nó với giá vài triệu USD.
Không chịu dừng lại, Wang và những người bạn tiếp tục cho ra đời phiên bản nhái của Twitter mang tên Fanfou. Tuy nhiên, Fanfou đã không thành công trong khi trang Xiaonei lại nhanh chóng nở rộ dưới sự điều hành của những người chủ mới và cái tên mới, Renren. Nó có thể sẽ được định giá hơn 4 tỉ USD trong một cuộc niêm yết cổ phiếu lần đầu (IPO) sắp tới.
Không cam lòng, Wang và những người bạn cùng làm trang Fanfou lại tiếp tục chiến lược ra đời những trang web bản sao. Và tháng 3/2010 họ tung ra Meituan, một phiên bản nhái của trang mua sắm cộng đồng đang rất nổi tiếng Groupon. Đó là một trong hai trang web nhái Groupon lớn nhất của Trung Quốc. Với hơn 12 triệu USD mỗi tháng doanh số bán hàng khuyến mãi, Wang nói Meituan đang chuẩn bị nhận khoản đầu tư 50 triệu USD của các nhà đầu tư.
Website nhái hăng hái đánh nhau
Meituan là cơ hội tốt nhất của Wang để kiếm bộn tiền với sự nghiệp sản xuất website nhái. Nhưng cũng thật mỉa mai, để kiếm được tiền, đầu tiên Wang phải đánh bại hàng loại website nhái khác. Ước tính có tới 3.000 doanh nghiệp kinh doanh mua sắm cộng đồng, nhái kiểu của Groupon tại Trung Quốc. Những website nhái này nở rộ trong chỉ khoảng 1 năm tại các thành phố khắp Trung Quốc, trong đó có hàng chục đối thủ mạnh mẽ.
Một website bản sao khá nổi tiếng khác là Lashou, vừa thu hút được 111 triệu USD tiền đầu tư, và chi 10 triệu USD vào chiến dịch marketing hồi tháng Ba – đúng lúc hãng Groupon chính thống tham gia vào chiến trường hỗn độn này. Một đối thủ cạnh tranh khác lại tiếp tục đe dọa thị trường và nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bằng cách đăng kí và điều hành tên miền Groupon.cn.
Cuộc chiến để trở thành “Groupon của Trung Quốc” đã trở thành một cuộc “chạy đua vũ trang” đắt đỏ. Tiền mặt được bỏ ra không thương tiếc để tranh giành khách hàng và nhân sự, chiến thắng được ghi nhận bằng việc các doanh nghiệp lần lượt tuyên bố phá sản.
Cuộc cạnh tranh nóng bỏng đã đẩy chi phí nhân sự, đặc biệt là đội ngũ kinh doanh, lên cao tại hơn 100 thành phố ở Trung Quốc, ăn lẹm vào khoản hoa hồng mà các website nhái này được hưởng từ mỗi một coupon được bán ra cho các suất ăn nhà hàng, vé xem phim và các dịch vụ khác. Khoản hoa hồng của Meituan giờ đã giảm xuống mức một con số, từ mức ban đầu là 20%, Wang cho biết. Và các công ty đối thủ khác cũng chỉ được hưởng khoản thu dưới 10%. Tại Mỹ, Groupon thông thường hưởng mức “ăn chia” 30% hoặc cao hơn.
Groupon chính thức lao vào cuộc chiến tại Trung Quốc trong năm nay với trang web Gaopeng. Groupon xịn đã tung tiền vào chiến dịch tuyển dụng marketing. Thay vì đầu hàng, các website nhái cũng bơm thêm ngân sách quảng cáo.
Lashou tuyên bố sẽ chi ít nhất 30 triệu USD năm nay. Groupon.cn, trang ăn tối nổi tiếng Dianping and Nuomi, Renren - tiền thân của website nhái Facebook của Wang, cũng thi nhau tăng cường quảng cáo. Người chiến thắng rõ ràng nhất và ngay trước mắt chính là các công ty quảng cáo. Còn giải thưởng lâu dài dành cho các website nhái có thể là thị trường tiêu dùng rộng lớn và béo bở của Trung Quốc.
Internet là đồ chơi và vũ khí
Wang Xing là một nhà lập trình. Với giọng nói mềm mại, truyền cảm, khuôn mặt trí thức và tốt nghiệp từ trường Đại học Tsinghua của Trung Quốc, cũng đã từng du học tại Mỹ, anh có thể trở thành CEO của bất kì công ty nào trong số hàng trăm công ty mới nổi ở Trung Quốc.
Sinh ra ở tỉnh Phúc Kiến vào năm 1979, đúng lúc Trung Quốc cải tổ và mở cửa, Wang cũng là con trai của một doanh nhân năng động – ban đầu chỉ là một người nông dân đầu tư vào hoa, sau đó làm việc trong ngành xây dựng và trở thành ông chủ mỏ, cuối cùng gắn bó với sự nghiệp kinh doanh xi măng.
Khi học trung học vào năm 1992, Wang rất thích máy tính. Khoảng 1 năm sau bố mẹ anh đã mua cho anh một chiếc máy tính. Trong khi hầu hết mọi người đều chưa biết Internet là gì, thì giữa những năm 1990, Wang đã mua một chiếc modem dial-up.
“Đó là một công cụ và cũng là một thứ đồ chơi”, Wang nói về máy tính và Internet. “Đôi khi nó còn là một vũ khí”. Lúc đó anh đang theo đuổi bằng tiến sĩ kĩ thuật tại trường Đại học Daleware và phát hiện ra trang Friendster vào năm 2003. Sau khi nhận ra các mạng xã hội trên Internet, Wang đã quyết định phải nghỉ học sớm và trở về Trung Quốc.
“Tôi rất quan tâm đến mạng xã hội. Bởi tôi đã nghiên cứu về mạng lưới máy tính”, Wang nói. “Tôi nhận rõ đây sẽ là hạ tầng mới về việc thông tin sẽ lan truyền như thế nào”.
Trung Quốc – thiên đường của web nhái
Nỗ lực đầu tiên của anh với các bạn vào năm 2004 trong việc xây dựng mạng xã hội thực chất không phải là lập một website copy Friendster. “Ý tưởng ban đầu quả thực đến từ Friendster và mạng xã hội. Nhưng diện mạo trang web quá xấu. Và nó đã thất bại”. Vào mùa hè năm 2006, Wang và các bạn đã lên kế hoạch cho một website khác, một mạng xã hội dành cho sinh viên. Và Xiaonei chính là website mà họ copy hoàn toàn của Facebook.
“Lúc đó chúng tôi vẫn chỉ có 3 người và không có người thiết kế. Tất cả chúng tôi đều là kĩ sư”, Wang giải thích. Website nhái ra đời. Chưa đầy 1 năm sau, không thể gây quỹ, thu hút đầu tư và đối phó với chi phí kinh doanh gia tăng, Wang đồng ý bán Xiaonei cho Công ty Oak Pacific Interactive. Wang không tiết lộ số tiền, nhưng có lẽ cái giá của nó lúc đó vào khoảng 4 triệu USD.
Kinh doanh kiểu copy mô hình của các công ty Internet phương Tây là một con đường khá dễ đi ở Trung Quốc, nơi có cơ sở khách hàng lớn, có rào cản ngôn ngữ và các quy định về chính trị thường khó khăn cho các doanh nghiệp nước ngoài. Vì thế, Trung Quốc trở thành thị trường nội địa hứa hẹn cho các công ty bản địa. Groupon là mô hình rất dễ sao chép, thị trường Trung Quốc cũng đã quen với việc mua khuyến mãi theo nhóm trước khi Groupon thực sự bắt đầu tại Mỹ. Nhưng người Trung Quốc cũng thích sao chép mô hình kinh doanh của các doanh nghiệp ăn nên làm ra, cả về offline và online, cho đến khi bùng nổ cạnh tranh. Điều này khiến những website đơn thương độc mã dễ bị tổn thương trước những tập đoàn Internet lớn như Tencent và Alibaba Group.
Groupon là một mô hình kinh doanh khuyến mãi, giảm giá theo nhóm, mô hình này đã bị sao chép khắp nơi trên thế giới, nhưng không đâu rõ ràng và mạnh mẽ hơn Trung Quốc.
Theo ICTnews
Bình luận