Không thể đứng nhìn ARM bành trướng mạnh mẽ ở thị trường các thiết bị di động cũng như hăm he tiến vào lãnh địa máy tính, Intel đã công bố một loạt các kế hoạch trong tương lai tại Computex 2011 nhằm tiếp tục duy trì vị trí đứng đầu của mình.

Định nghĩa một dòng máy tính mới: Ultrabook siêu mỏng

Tại Computex 2011, Intel đã công bố một khái niệm mới - Ultrabook - dành cho những chiếc máy tính có hiệu năng của MTXT trong một thiết kế mỏng nhẹ của máy tính bảng. Những chiếc máy này sẽ sử dụng VXL Sandy Bridge thế hệ thứ 2 (sau đó chuyển sang nền tảng Ivy Bridge 22 nm đầu năm 2012) với độ dày chỉ khoảng 20 mm và giá dưới 1.000 USD. Ivy Bridge sẽ được xây dựng dựa trên kiến trúc Sandy Bridge, bổ sung thêm công nghệ bóng bán dẫn 3D, giúp tăng hiệu suất lên hơn 37% trong khi vẫn tiết kiệm điện năng. Bên cạnh đó thì kết nối USB 3.0 và Thunderbolt cũng sẽ được hỗ trợ đầy đủ.

Ảnh
Chiếc Utrabook đầu tiên - Asus UX21

Một trong số những Ultrabook đầu tiên chính là chiếc Asus UX21, sử dụng VXL Sandy Bridge, pin 7 giờ và ổ lưu trữ SSD. Intel hy vọng Ultrabook sẽ đạt thị phần 40 % trên tổng doanh số MTXT toàn cầu vào cuối năm 2012.

Ảnh

Theo Intel, sau Ivy Bridge sẽ là VXL có tên mã Haswell, xuất hiện năm 2013 sẽ tiêu hao năng lượng ít hơn 50% so với các MTXT siêu di động hiện nay.

Tăng tốc cho Atom

Bên cạnh việc giới thiệu khái niệm Ultrabook thì Intel cũng không quên cung cấp những thông tin về nền tảng Atom. Đầu tiên là dòng VXL dành cho netbook có tên Cedar Trail. Tốc độ phát triển của dòng VXL Atom mới này sẽ còn nhanh hơn cả định luật Moore với việc chuyển từ 32 nm qua 22 nm và tới 12 nm trong vòng 3 năm. Đây là những thông số kĩ thuật ấn tượng nhưng với người tiêu dùng, những sản phẩm họ mua sẽ có thời lượng dùng pin tăng đáng kể. Cedar Trail được thiết kế không cần quạt với bộ khung mỏng, hỗ trợ công nghệ Intel WiDi (công nghệ hiển thị không dây), hỗ trợ nhiều HĐH (Windows, Chrome OS và cả MeeGo), thời gian sử dụng trên 10 giờ và thời gian ở chế độ chờ là một tuần.

Ảnh
Asus EeePC 1025c dùng nền tảng Cedar Trail

Ngoài Cedar Trail, Intel cũng giới thiệu Medfield, nền tảng dành cho điện thoại thông minh và máy tính bảng. Nền tảng này sẽ thay thế dòng Atom Z670 hiện nay, hỗ trợ Android 3.0 Honeycomb cũng như MeeGo và sẽ ra mắt đầu năm 2012, cho phép tạo ra những chiếc máy tính bảng có độ dày dưới 9 mm và nhẹ hơn 700 gram.

Video trên tay chiếc Asus EeePC 1025c dùng nền tảng Cedar Trail.

Làm việc hiệu quả hơn với Smart Connect và Rapid Start

Đây là tên 2 công nghệ mới của Intel nhằm tăng thêm sự hấp dẫn cho những chiếc MTXT dùng VXL Sandy Bridge (hay Ivy Bridge).

Ảnh

Đầu tiên là Smart Connect, giữ cho việc cập nhật email và thông tin từ mạng xã hội diễn ra liên tục dù máy tính đang ở chế độ chờ thông qua kết nối Wi-Fi. Điều đó có nghĩa là ngày khi người dùng bật máy lên, tất cả tin nhắn đều đã có sẵn và đang đợi kiểm tra. Thứ 2 là Rapid Start, giúp tăng tốc khởi động máy tính từ chế độ ngủ đông (chỉ mất 5-6 giây) bằng cách lưu trữ dữ liệu làm việc trên ổ SSD, trong khi vẫn không tiêu tốn năng lượng như phương thức ngủ đông thông thường.

Smart Connect và Rapid Start sẽ xuất hiện trên những MTXT sử dụng VXL Sandy Bridge và Windows 7 vào nửa cuối năm nay.

Tổng hợp Engadget, Slashgear ([1] [2])



Bình luận

  • TTCN (12)
thanh  179

intel bắt chước ai mà nổ dữ "Tốc độ phát triển của dòng VXL Atom mới này sẽ còn nhanh hơn cả định luật Moore với việc chuyển từ 32 nm qua 22 nm và tới 12 nm trong vòng 3 năm". năm nay chắc chắn intel sẽ ra công nghê 22nm đúng với đinh luật moore thì 2 năm nữa ra công nghê 12nm hay có thể là con số khác chua ai ấn định, theo như vậy atom ko phải nhanh hơn dinh luât moore mà chậm hơn

Hero Chou  4805

Việc ra đúng như dự kiến hay không là do nhà sản xuất, nhưng giờ để thu hút sự chú ý thì cứ thông báo thế đã
Atom giờ mới là 45nm rồi sang năm mới tới 32 nm, nên như dự kiến nhanh hơn Moore là đúng rồi. Những mẫu 32nm mới giới thiệu phải mất một thời gian mới có trên thị trường được

thanh  179

bạn ko hiểu định luật moore và quy trình thiết kế chip rồi, việc xản xuất chip atom ko khác core i là mấy nên việc intel nói nhanh hơn dịnh luật moore chỉ PR mà thôi, chứ intel đã rất chậm chân khi sản xuất atom 45nm, đáng lẽ giờ đã phải có atom 32nm từ lâu rồi intel phải ra từ lúc ra core i 32nm. Công nghệ càng nhỏ càng tiết kiệm điện nên khi intel ra chip atom di động 45nm thì mình cảm thấy rất tức cười, đang cần cạnh tranh với ARM sao ko dùng ATOM 32nm tiết kiệm điện hơn mà lai đi dùng ATOM 45nm.

Hero Chou  4805

Đúng là mình không biết Intel làm ra chip như thế nào những xét theo kế hoạch của công ty trong 3 năm tới thì là nhanh hơn ĐL Moore, bạn đồng ý chứ? Còn trước đó mà nói Intel chậm thì nên tìm hiểu kĩ hơn, không phải muốn là sản xuất là được ngay đâu, còn hiệu năng/giá thành phải cân nhắc chứ.

Hades Demon  266

Mấy nhà sản xuất kiểu intel họ không bao giờ tung ra ngay những công nghệ mới nhất mà nâng cấp từng bậc 1(trong điều kiện đối thủ chưa có)
Việc này giúp tạo ra doanh thu lâu dài và giảm chi phí nghiên cứu. Cũng tương tự như việc khóa bớt tính năng trên các sản phẩm chip và bán với giá thấp hơn(chi phí sản xuất không đổi)

vũ văn duy  9

vi xử lý

vi sử lý công nghệ 22nm dày 22mm=2cm?

Hero Chou  4805

VXL dùng công nghệ 22 nm, và những chiếc Utrabook sẽ có độ dày dưới 20 mm, không phải như bạn hiểu đâu

vũ văn duy  9

:))

hì, đọc theo câu chữ thì hiểu như vậy Laughing sr

Hero Chou  4805

Tại viết liền như thế, chủ ngữ vẫn là Utrabook mà, lần sau mình sẽ viêt cụ thể hơn để tránh hiểu nhầm Smile

Hải Nam  30903

Có điều chữ Ultrabook viết sai Wink (trong cả bài)

Hero Chou  4805

Sao lại lỗi sơ đẳng thế này cơ chứ Sad Sad , thế mà đọc mấy lần rồi vẫn không nhận ra. Cứ quen mồm đọc thế nào viết thế ul-tra == utra.

Còn cả text minh hoạ nữa Sad

vũ văn duy  9

:))

Laughing