Máy tính bảng – tablet hiện đang được người yêu công nghệ khắp thế giới ưa chuộng vì tích hợp được khả năng làm việc của cả smartphone và laptop. Với hàng loạt hãng tên tuổi và không tên tuổi tham gia vào thị trường này, cuộc chiến tablet trở nên gay cấn hơn bao giờ hết.
Chiến trường thương hiệu
Năm ngoái, sau khi Apple ra mắt iPad 1 với những doanh số bán hàng ấn tượng, hàng loạt các công ty công nghệ hàng đầu thế giới từ Hoa Kì, châu Âu cho tới Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan,… cũng ngay lập tức nhảy vào thị trường này với hàng loạt các sản phẩm tablet tương tự. Ngay cả nhiều nước mới nổi trong nền công nghệ thế giới như Trung Quốc, Ấn Độ, … cũng có những tablet bình dân nhái của riêng mình cho các người dùng ít tiền. Cuộc chiến tablet trên chiến trường thương hiệu ngay lập tức được kích hoạt.
Trong các chuyến đi “công diễn” của Steve Jobs, CEO của Apple – ông đã không ngớt lời “ca tụng” các đối thủ tablet khác như những sản phẩm… nhái hoàn hảo của iPad 1 kèm theo câu hỏi lớn cho cử tọa bên dưới và người tiêu dùng khắp nơi trên thế giới “tại sao lại phải mua iPad 1 nhái trong khi bạn có thể sở hữu được iPad 1 thật?”. Điệp khúc này tiếp tục được Steve Jobs lặp lại trong buổi giới thiệu ra mắt iPad 2 khi ông thẳng thừng khẳng định các tablet khác trên thị trường đã được sản xuất hay sẽ được sản xuất đều cũng chỉ là những “con mèo theo đuôi” không hơn không kém. Năm 2011 sẽ là năm của iPad 2 – Stve Jobs khẳng định? Tuy thế, theo các chuyên gia, năm 2011 sẽ là năm của cuộc chiến tablet đệ nhị thì chính xác hơn.
Trong khi iPad 1 đang được bán và Apple đang gấp rút lên kế hoạch để sản xuất iPad 2 thì các hãng khác đã không ngừng đi tìm những “vũ khí bí mật” để có thể làm hậu thuẫn cho sản phẩm máy tính bảng mình sẽ bán sắp tới. Lần này, yếu tố thương hiệu đã được khai thác tối đa. Samsung, hãng sản xuất tablet đứng thứ nhì thế giới với doanh số 2 triệu máy tính bảng bán được trên toàn thế giới (chỉ đứng sau Apple với 15 triệu iPad 1 được bán vào năm ngoái) đã sử dụng khá hiệu quả yếu tố thương hiệu trong cuộc đua với Apple.
Theo các nhà phân tích, cái mà Samsung có thể so sánh được với Apple là các giải thưởng, đánh giá – điều mà Steve Jobs từ trước tới nay không hề để ý. Ngay khi máy tính bảng của mình ra đời, Samsung đã mang Galaxy đến nhiều tổ chức, nhiều triển lãm công nghệ, nhiều hội đoàn để giới thiệu và… rinh giải thưởng. Với lợi thế hàng trăm bình luận, đánh giá, nhận xét từ nhiều tổ chức, cá nhân có uy tín về các tablet của mình, Samsung có lợi thế hơn các đối thủ khác trong việc khẳng định giá trị sản phẩm của mình so với các đối thủ khác.
“Chiêu” này của Samsung nhanh chóng bị các đối thủ khác sử dụng lại với những biến chuyển độc đáo hơn. Motorola mang máy tính bảng Xoom của mình đi dát vàng, dát bạc và đem đến lễ trao giải Oscar để làm phần thưởng cho các diễn viên, đạo diễn đoạt giải bất chấp việc họ có sử dụng hay không. HTC thì mời hãng loạt diễn viên châu Á có tiếng cầm, nắm các tablet của mình cho họ chụp hình nhằm tạo tiếng vang cho máy tính bảng của mình. Các hãng khác cũng không ngừng lợi dụng tên tuổi các người nổi tiếng để gắn mác cho tablet của họ.
Theo bình luận viên công nghệ của SlashGear, thì có vẻ với sức lực của một mình tên tuổi vốn có của các nhà sản xuất, họ không tự tin được việc thành công trong quá trình quảng bá sản phẩm của mình nên đã nhờ tới những người đã nổi tiếng sẵn để trợ lực một tay. Tuy thế, “chiêu” này đôi khi cũng gặp những thất bại. Một số hãng sản xuất của Trung Quốc đã “bắt chước” trào lưu xếp hàng (thật sự) của người tiêu dùng Hoa Kì mua iPad bằng cách trả tiền thuê người đến xếp hàng mua máy tính bảng của họ. Sự việc trên sau đó bị phát giác và nhiều người đặt nghi vấn vì sao một chiếc tablet nhái lại được săn lùng hơn cả sản phẩm gốc?
Chiến trường linh kiện
Sau hàng loạt trò “đi đêm” về thương hiệu hay nói xấu tên tên tuổi của nhau mà thực chất không mang lại tác dụng gì to lớn ngoài việc những sự kiện ấy được đưa lên mặt báo ào ào cho cả thế giới đọc thì cuộc chiến linh kiện đã, đang và sẽ khiến cuộc chiến tablet đệ nhị nóng hơn bao giờ hết.
Trước khi iPad 2 ra đời, các hãng đối thủ đã đưa toàn bộ những công nghệ tốt nhất vào lúc ấy vào trong các sản phẩm máy tính bảng của mình để đảm bảo iPad 2 không thể vượt qua được họ. Hãng Motorola thậm chí còn tuyên bố tablet Xoom của mình là “vô địch thiên hạ” và những bài kiểm tra khách quan của nhiều diễn đàn, tổ chức đã chứng minh cho sự thực ấy. Vào thời điểm hiện tại, nhiều tablet ra đời sau siêu phẩm Xoom cũng không thể vượt qua được đàn anh của mình về tốc độ và khả năng làm việc.
Tuy thế, cuộc chiến linh kiện tablet không chỉ đơn thuần là về tốc độ. Theo trang công nghệ Mobile Burn thì người tiêu dùng còn quan tâm đến nhiều thứ khác hơn là tốc độ của một máy tính bảng bởi máy tính bảng được dùng vào nhiều mục đích khác nhau và mỗi tính năng như thế cũng cần được trau truốt. Quay video, chụp ảnh là một trong những tính năng như thế. Tablet của một số nhà sản xuất đã ngay lập tức được tích hợp cảm biến chụp ảnh với độ nét lên tới 8 MP và ngay lập tức tạo được tiếng vang lớn. Samsung cũng không từ bỏ cuộc chơi khi công bố dự án tablet có camera lên tới 12 MP. Hãng Nokia – vốn từ chối tablet trong hơn một năm qua cũng rò rỉ thông tin sẽ tung ra thị trường tablet với khả năng chụp ảnh 12 MP.
Từ trước tới nay, ngay cả với iPad 2 và nhiều smartphone khác của Apple thì camera luôn không quá 5 MP và theo nhiều nguồn tin bí mật, hãng này đã bắt tay với Sony để cung cấp iPad 3 trong tương lai với khả năng chụp ảnh lên tới 12 MP hoặc 16 MP hay 17 MP. Cuộc chiến cảm biến camera này từ máy tính bảng tiếp tục lan qua những nhà cung cấp cảm biến trên thị trường hiện tại với việc đua nhau để cho ra những cảm biến ngày một sắt nét hơn.
Nếu như yếu tố camera được các hãng sản xuất tablet khai thác triệt để vì nó liên quan tới yếu tổ giải trí bên ngoài thì màn hình trên máy tính bảng cũng rất được quan tâm vì nó là trung tâm tương tác giữa máy tính bảng với người dùng. Điều này khiến cuộc chiến màn hình cũng trở nên nóng hơn bao giờ hết bởi ngoài sự tham gia của các công ty sản xuất máy tính bảng thì còn có sự hậu thuẫn của các đối tác sản xuất màn hình khác. Apple tự tin với màn hình Retine không ngừng được cải tiến của mình thì Samsung lại sung sức với màn hình Super AMOLED Plus mới của hãng trong khi LG phấn khích với màn hình Nova được đánh giá là tốt nhất trong thời điểm hiện tại.
Tuy thế, công nghệ 3D đang ngày càng có vai trò quan trọng hơn trong cuộc sống và các hãng cũng có nhiều dự định đưa 3D vào trong màn hình tablet của mình. Thời gian chưa biết là lúc nào nhưng sẽ rất sớm, DailyTech khẳng định.
Hệ điều hành
Nếu như linh kiện bên trong được xem như bộ não làm việc của tablet thì hệ điều hành lại được coi như linh hồn của những máy tính bảng này. Từ trước tới nay, iOS của Apple luôn được coi là hệ điều hành tốt nhất dành cho máy tính bảng mà ngay chính Google cũng phải thừa nhận là Android của họ cũng chưa đủ tầm để dành cho một máy tính bảng thực sự.
Phát biểu trên của Google đã khiến các nhà sản xuất máy tính bảng dùng hệ điều hành của họ… chưng hửng nhưng Google đã nhanh chóng chữa cháy bằng lời tuyên bố sẽ phát triển phiên bản Android mới dành riêng cho máy tính bảng. Apple lo ngại và hứa (trong các nguồn tin rò rỉ) trong hội nghị các nhà phát triển ứng dụng của Apple trong thời gian sắp tới đây, hãng sẽ giới thiệu iOS mới với những khả năng tốt hơn cho máy tính bảng.
Nokia và Intel với dự án hệ điều hành Meego và BlackBerry với hệ điều hành BlackBerry mặc dù bị xem là khá trầy trật trong việc tung ra tablet hoạt động tốt nhưng gần đây cũng tuyên bố sẽ cải tiến hệ điều hành của họ nhằm giúp người dùng có thể sở hữu những tablet đẹp và mạnh đến từng con ốc vít. Nhiều nguồn tin cho hay, BlackBerry đã hoàn tất hệ điều hành tablet mới của mình và một phiên bản máy tính bảng mới đầu tiên sẽ được ra mắt trong thời gian sắp tới đây.
Tuy thế, sự lo ngại lớn nhất về hệ điều hành lại đến từ gã khổng lồ Microsoft. Với sự tự tin hiếm có, sau khi hoàn tất Windows Phone 7 (phiên bản hệ điều hành dành cho smartphone), hãng này đã đem biểu tượng của Apple đi… chôn. Ngay sau đó ít lâu, Microsoft tuyên bố sẽ mua lại Nokia với giá 100 tỉ dollar để có thể sản xuất các thiết bị di động dùng Windows Phone 7 của mình. Tuy thế, trước các lời phàn nàn về tốc độ làm việc của Windows Phone 7 và cả Windows 7 (phiên bản hệ điều hành dành cho máy tính) trên máy tính bảng, mới đây, Microsoft rò rỉ thông tin về việc hãng này sẽ tung ra thị trường Windows 8 với khả năng chạy được trên cả máy tính, điện thoại và máy tính bảng với những khả năng xuất sắc.
Tin này ngay lập tức khiến giá cổ phiếu Microsoft tăng trong khi cổ phiếu Apple và nhiều công ty khác giảm nhẹ.
“Giống như nước, một hệ điều hành có thể giúp máy tính bảng hoạt động tốt và cũng có thể giết chết máy tính bảng” - Laptop Magazine nhận xét kèm theo lời khẳng định iOS của Apple vẫn sẽ là hệ điều hành tốt nhất cho máy tính bảng trong ít nhất một năm tới đây.
Chiến trường giá
Trong thời buổi kinh tế khó khăn hiện nay, việc bỏ ra một số tiền lớn từ 500 dollar – 800 dollar để mua máy tính bảng được xem là một hàng động liều lĩnh. Vì thế, giá máy tính bảng đang có xu hướng giảm xuống để kích thích thị trường. Các hãng đến từ Trung Quốc là những “chuyên gia” trong lĩnh vực này khi tung ra thị trường hàng loạt máy tính bảng với mức giá rẻ như cho. Mặc dù gặp phải sự nghi kị của nhiều người nhưng các máy tính bảng giá rẻ trên cũng thu hút được không ít khách hàng thu nhập thấp. Tuy thế, theo phản ánh trên các diễn đàn công nghệ thì những tablet Trung Quốc trên thường dùng chiêu “treo đầu dê bán thịt chó” bằng cách quảng cáo các tính năng thật cao cho sản phẩm nhưng bên trong lại không có gì. Những camera được quảng cáo chụp ảnh 8 Mpx nhưng thực chất lại tương đương như camera 1,3 MP hay như hệ điều hành Android chỉ ở mức “tiền sử”…
Sự thành công của các sản phẩm nhái trong việc thu hút người tiêu dùng bằng giá rẻ (dù là họ bán đồ giả) khiến các nhà sản xuất tablet không thể ngồi yên. Samsung mở đầu phát súng tuyên chiến bằng cách tung ra nhiều phiên bản Galaxy với các mức giá từ cao cấp cho tới bình dân phù hợp với mọi dạng người tiêu dùng. Apple – với chiếc iPad 2 cũng giảm giá rõ rệt với phiên bản rẻ nhất ở mức 500 dollar.
Tuy thế, các chuyên gia của nhà phân tích thị trường đã quyết định đi tìm nguyên nhân của việc giảm giá iPad 2 và phát hiện, iPad thậm chí có thể bán rẻ hơn nữa vì giá gốc của nó không quá 350 dollar. Việc này khiến Apple nổi giận đùng đùng trong khi giới cộng đồng công nghệ lập tức ngừng lại để nghe ngóng việc các hãng tiếp tục giảm giá sản phẩm tablet trong thời gian sắp tớp. Một số nguồn tin cho hay, Samsung sẽ bán máy tính bảng với giá gốc còn Dell thì ngừng việc tung một số phiên bản Streak ra thị trường để xem động tĩnh.
Mọi tuyệt chiêu đã được sử dụng trên mọi chiến trường và các nhà sản xuất tablet hi vọng sẽ có thể dành được thế thượng phong trong việc tiệp cận thị trường. Tuy thế, vấn đề câu trả lời lại thuộc về người tiêu dùng và, như trang GSMArena nhận xét, rất khó để biết người tiêu dùng muốn gì bởi họ cũng chẳng biết mình muốn gì.
Theo Tạp chí Điện Tử Tin Học
Bình luận
Cuộc chiến máy tính bảng vẫn sẽ còn dài dài và xem ra thị trường tablet vẫn đang rất hút khách.