Sau khi Viettel công bố giảm 15% cước thông tin di động, hàng loạt mạng di động khác như MobiFone, VinaPhone, S-Fone, HT Mobile, EVN Telecom cũng rục rịch chuẩn bị giảm cước. Thế nhưng...
Theo phương án giảm cước được Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông (VNPT) trình Bộ Thông tin - Truyền thông (TTTT), cước di động của MobiFone và VinaPhone sẽ được giảm với 2 phương án. Phương án 1: giảm cước cơ bản nội mạng xuống 25% và liên mạng xuống 20% từ mức hiện hành. Phương án 2 có mức giảm lớn hơn với cước cơ bản nội mạng giảm 28%, liên mạng xuống 25% từ mức hiện hành.
Phương án giảm cước của VNPT cũng nêu rõ, trước khi Viettel được giảm cước, cước của MobiFone và VinaPhone cao hơn Viettel từ 9 - 12% đối với các gói cước cơ bản (trả trước, trả sau); ở một số gói cước đặc biệt, cước của Viettel còn thấp hơn tới 40%. Sau khi Viettel được giảm cước tới 15%, khoảng cách về cước giữa MobiFone và VinaPhone với Viettel càng giãn ra rất rộng (xem bảng). Đây chính là lý do lãnh đạo của VNPT cũng như MobiFone, VinaPhone như "ngồi trên đống lửa" bởi thời điểm cuối năm là "mùa thu hoạch" của tất cả các mạng di động. "Nếu phương án giảm cước của VNPT không được thông qua nhanh, khách hàng sẽ chuyển sang hòa mạng Viettel thì hỏng bét" - một quan chức của VNPT nhận xét.
Điều oái oăm là với 2 phương án giảm cước của VNPT, nếu Bộ TTTT đồng ý với phương án 1 thì cước của VinaPhone, MobiFone sẽ vẫn cao hơn so với Viettel trong khi Viettel đã trở thành doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế. Thậm chí Viettel còn tự công bố đã chiếm tới 40% thị phần thông tin di động tại Việt Nam và có số lượng thuê bao lên tới 14 triệu. Còn nếu như đồng ý với phương án 2 (mức giảm cước lớn hơn) thì cước của MobiFone, VinaPhone sẽ thấp hơn của Viettel.
Trao đổi với Báo Thanh Niên, một quan chức cấp cao của Bộ TTTT cho biết: "Về định hướng, cước của MobiFone và VinaPhone sẽ giảm bằng với Viettel do tất cả đều là doanh nghiệp chiếm thị phần chi phối. Tuy nhiên, cũng phải có bước chuyển tiếp và bước đầu chưa thể giảm bằng ngay được". Nhưng một quan chức có trách nhiệm khác tại Bộ TTTT lại cho rằng, để công bằng giữa các doanh nghiệp và vì lợi ích của người tiêu dùng thì cước cơ bản của MobiFone và VinaPhone phải giảm bằng Viettel.
Trong khi Bộ TTTT vẫn đang cân nhắc lựa chọn phương án nào thì lãnh đạo của MobiFone và VinaPhone ngày càng khẩn trương hơn. Đặc biệt, VinaPhone - mạng di động có những thời điểm phát triển âm (thuê bao sụt giảm) trong thời gian gần đây, khá bức xúc. Một lãnh đạo của mạng này cho biết: "Nếu cước của chúng tôi tiếp tục cao hơn Viettel là điều rất không công bằng cho hàng triệu khách hàng của chúng tôi. Viettel đã là doanh nghiệp chiếm thị phần khống chế, tại sao họ lại có thể hưởng mãi ưu thế về giá cước rẻ hơn các mạng GSM khác được". Ông Đinh Việt Hưng, Trưởng phòng Giá cước - Tiếp thị MobiFone nhận xét: "Chúng tôi đã hoạt động nhiều năm, khấu hao cũng đã rất nhiều nên giá thành thấp, giá cước có thể giảm được hơn nữa để đưa thêm lợi ích cho khách hàng. Khách hàng của MobiFone và VinaPhone cũng có quyền được hưởng lợi từ việc giảm giá cước như các khách hàng của Viettel chứ, bởi tất cả các mạng này đều là mạng chiếm thị phần chi phối cơ mà".
Một nguồn tin từ Bộ TTTT cho biết, một nguyên nhân khiến cho Bộ TTTT cân nhắc nữa là khả năng chịu đựng của các mạng di động mới như HT Mobile, EVN Telecom và cả S-Fone. Nếu giảm giá cước mạnh thì các mạng mới sẽ lâm vào thế kẹt. Khi được hỏi ý kiến về vấn đề này, một chuyên gia kinh tế nhận xét: "Vấn đề ở đây là đặt lợi ích của ai lên trên mà thôi. Nếu đặt lợi ích của hàng chục triệu người tiêu dùng Việt Nam lên trên thì sẽ khác; mà đặt lợi ích của thiểu số một vài doanh nghiệp thì sẽ khác. Kinh doanh thông tin di động đã đến lúc không thể bảo hộ cho doanh nghiệp nào nữa rồi, ai cũng phải tự thân vận động thôi. Nếu còn đặt nặng yếu tố doanh nghiệp thì người tiêu dùng tiếp tục phải chịu thiệt".
"Trong bối cảnh lạm phát năm 2007 chắc chắn tăng đến mức 2 con số thì nỗ lực giảm mạnh cước di động cho hàng chục triệu người tiêu dùng và giảm mạnh chi phí viễn thông ở các doanh nghiệp sẽ là một biện pháp giúp hạn chế bớt tốc độ tăng của lạm phát và tăng sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Điều này nên được cổ vũ thay vì hạn chế" - ông này kết luận.
(Theo H.L - Thanh Niên)
Bình luận
Cũng khó cho Vina và Mobi nhỉ Nhưng trước sau cũng đồng ý thôi. Bộ TT&TT phải đảm bảo các doanh nghiệp ko chạy đua giảm giá -> giảm chất lượng.