Nhiều chương trình kinh doanh dịch vụ, khuyến mãi của các mạng di động thời gian gần đây đã biểu hiện sự áp đặt xen lẫn “lập lờ đánh lận con đen” khiến khách hàng vô cùng bức xúc.
Có thể kể đến chương trình khuyến mãi dịch vụ cuộc gọi nhỡ của MobiFone và chương trình tặng nhạc chờ miễn phí của Vinaphone hồi giữa tháng 5-2011, hay mới đây nhất là vụ khuyến mãi lập lờ của nhà mạng MobiFone.
Khuyến mãi áp đặt
Gần đây, một số khách hàng Vinaphone nhận được tin nhắn thông báo: “Thuê bao quý khách đã được Vinaphone khai báo 3G miễn phí, quý khách có thể sử dụng các dịch vụ Vinaphone 3G: Mobile Internet (truy cập Internet từ điện thoại di động), Mobile TV, nghe nhạc online, chat, email trên điện thoại di động”. Nhiều người đặt ngay nghi vấn: nhà mạng chỉ khai báo 3G miễn phí chứ không phải cho dùng miễn phí, nghĩa là người dùng có thể vẫn phải trả tiền khi sử dụng một trong các dịch vụ 3G của Vinaphone.
Nhà mạng áp đặt người dùng phải kết nối 3G bằng cách tự động khai báo kết nối nhưng mập mờ trong việc có hay không có tính phí sử dụng dịch vụ. Đó là chưa kể nhiều khách hàng sử dụng điện thoại di động chỉ có kết nối 2G nhưng cũng được nhà mạng khai báo 3G. “Tôi dùng điện thoại di động chỉ có kết nối 2G nên không thể sử dụng các dịch vụ 3G như quảng cáo của nhà mạng. Họ chỉ nói mở miễn phí nhưng không thấy nói trong bao lâu, lẽ nào mai mốt tự dưng tôi phải đóng phí sử dụng 3G sao?” - bạn đọc Phương Thảo thắc mắc.
Trong chương trình khuyến mãi nhạc chờ của MobiFone, tin nhắn từ nhà mạng thông báo: “MobiFone đã mở DV (dịch vụ) thông báo cuộc gọi nhỡ MCA cho quý khách. Vui lòng sử dụng DV miễn phí trong 30 ngày. Liên hệ 9244 để biết cú pháp hủy DV MCA”. Theo tin nhắn, khi người dùng muốn hủy không dùng dịch vụ cuộc gọi nhỡ phải gọi đến tổng đài 9244 để được hướng dẫn cách hủy. Thế nhưng gọi điện đến tổng đài này khách hàng vẫn bị tính cước phí 200 đồng/phút. Số tiền này không lớn nhưng nếu có 100.000 khách hàng nhấc máy gọi tổng đài 9244, MobiFone đã kiếm sơ sơ 20 triệu đồng.
Ngoài chuyện tiền bạc, điều đáng nói ở đây là thái độ kinh doanh của nhà mạng. Tại sao MobiFone không đưa ngay cú pháp hủy dịch vụ vào tin nhắn thông báo mà chỉ để số tổng đài gọi tính phí? Và chính MobiFone đã đem phiền phức đến người dùng nhưng lại gài họ vào thế phải “rước việc vào thân” bằng cách tốn tiền cước gọi 9244 và làm động tác nhắn tin hủy dịch vụ.
Kinh doanh lập lờ
Hiện nay các nhà mạng di động lẫn doanh nghiệp kinh doanh nội dung số đều có dịch vụ cho phép khách hàng tải trò chơi, nhạc, video về điện thoại di động. Nhà cung cấp khuyến mãi bằng tin nhắn tặng miễn phí kho game (trò chơi), các bài hát, video... nhưng không nói rõ khách hàng vẫn phải trả tiền cước dữ liệu để tải các nội dung trên. Khách hàng nào làm theo sẽ bị trừ tiền cước tải dữ liệu, tải càng nhiều tiền cước càng lớn.
Chẳng hạn tin nhắn quảng cáo của mạng Viettel có nội dung: “Viettel trân trọng giới thiệu bộ tuyển tập các video đặc sắc hằng tuần theo các chủ đề: clip hài, Tom và Jerry, nhạc trẻ, chuyện lạ. Mời quý khách đăng ký để nhận ngay video, soạn VD1 tên chủ đề gửi 8662 (10.000 đồng/chủ đề/tuần, gửi tin một lần nhận 10 video vào thứ sáu hằng tuần). Đặc biệt: tặng thêm 10 video miễn phí cùng chủ đề cho quý khách đăng ký từ ngày 5-7 đến 11-7-2011. Lưu ý: điện thoại cần cài GPRS/3G và hỗ trợ dịch vụ. Để từ chối tin 197, soạn TC gửi 197”. Hoặc tin nhắn từ tổng đài MobiFone: “Bạn đam mê các game chiến thuật? Hãy soạn DK GAMECT gửi 9209 để tải các game từ dịch vụ mPlus của MobiFone. Cước 10.000 đồng/game. Từ chối QC soạn TC gửi 9241”...
Trong các tin nhắn này, nhà mạng chỉ thông báo tiền cước sử dụng dịch vụ chứ không hề nói rõ khách hàng có phải trả thêm tiền cước dữ liệu khi tải các đoạn video, trò chơi hay không. Tiền cước tải dữ liệu trung bình của các mạng hiện nay dao động trên dưới 1.000 đồng/MB (1.000 KB) dữ liệu. Mỗi trò chơi, bản nhạc, video... có dung lượng 1-3 MB.
Như vậy 10 video miễn phí của Viettel có dung lượng 10-30 MB, người dùng nào tải hết về máy có thể mất 10.000 -30.000 đồng trong tài khoản điện thoại.
Cần tôn trọng khách hàng
Cách làm của các nhà mạng trong các chương trình khuyến mãi vừa qua thể hiện tính áp đặt rõ ràng. Đối với người biết về dịch vụ, nếu họ không thích vẫn bị buộc phải làm những việc loằng ngoằng để hủy dịch vụ (nhắn tin, gọi tổng đài). Đối với những người không hiểu biết về dịch vụ còn tệ hơn, họ sẽ sử dụng (vì nhà mạng đã tự động đăng ký) nhưng chính họ không biết mình đang sử dụng. Đến khi hết hạn dùng miễn phí họ cũng không biết và sẽ vô tình sử dụng tiếp, nhà mạng thu cước phí họ không biết...
Hay những trường hợp nhà mạng lập lờ miễn phí cái này nhưng thu cước cái kia, chẳng hạn nhà mạng thông báo cung cấp nhạc chuông, game miễn phí nhưng không nói rõ khách hàng phải tốn tiền kết nối dữ liệu để tải game, nhạc về máy... Đó là những cách làm không minh bạch.
Các nhà mạng nên tôn trọng khách hàng, để khách hàng quyết định lựa chọn của mình thay vì ép buộc họ sử dụng.
Lê Mạnh Hùng (phó chủ tịch Câu lạc bộ Nội dung số)
Theo TTO
Bình luận
Cái phụ tải game phải tính cước Internet là đúng rồi, bất kì đâu cũng vậy mà. Vì nhà cung cấp dịch vụ (bộ phận nội dung của Viettel hoặc bất cứ CP nào) và nhà mạng là 2 thực thể khác nhau, mỗi nơi tính một chi phí riêng.
Khách hàng nên tự giáo dục mình. Còn nhà mạng có lẽ thêm ghi chú "(cộng thêm cước thông thường của nhà mạng)".
Đúng là cần chú thích thêm nhưng tin nhắn chỉ có 160 kí tự nên việc lòng vòng dẫn đến phải thêm tin lại tốn thêm chi phí(bảo trì) này nọ. Thật sự là bây giờ mình đang muốn dùng Dcom 3G nhưng rất hoang mang vì có quá nhiều gói cước và khi có khuyến mại thì lại không dỡ cái cũ xuống thành ra đọc đi đọc lại dễ bị choáng giống hệt kiểu làm việc của siêu thị BigC làm cái biển to tướng khuyến mại vào trong bảo hết khuyến mại rồi
Khuyến mãi lập lờ: Nhà mạng áp đặt khách hàng
Đó là khẩu lệnh của vina và mobi mà. ''không ngừng vươn xa'' có nghĩa là ''không ngừng vươn tay để móc túi khách hàng'', mobi thì mọi lúc, mọi nơi dù bạn ở đâu chúng tôi cũng tìm tới bạn để móc túi. theo ý kiến của mình là thế.