Ảnh minh hoạ

Do tuyến cáp quang biển AAG (hướng đi Hong Kong) có phát sinh lỗi rò rỉ nguồn tại vị trí của lần bảo dưỡng trước nên mạng internet trong nước sẽ bị ảnh hưởng đến hết tuần.

Theo thông báo mới nhất từ AAG, do lỗi rò rỉ nguồn tại vị trí của lần bảo dưỡng trước (từ 9/6-12/7), nên tổ chức này sẽ phải tiếp tục lên kế hoạch sửa chữa tuyến cáp quang biển lần 2. Dự kiến phải đến hết tuần này (6/8), sự cố mới được khắc phục.

Sự cố này sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến một số nhà cung cấp dịch vụ viễn thông có dung lượng khai thác trên tuyến cáp AAG tại Việt Nam như VNPT, Viettel, FPT, SPT nên việc truy nhập các dịch vụ quốc tế như duyệt web, e-mail, thoại, video… có khả năng bị ảnh hưởng (tốc độ nhanh, chậm không ổn định trong khoảng thời gian nhất định), đặc biệt ở khu vực phía Nam.

Để đảm bảo dịch vụ được cung cấp một cách tốt nhất cho khách hàng của mình, các ISP sẽ thực hiện phương án bổ sung lưu lượng có thể bị thiếu hụt trong thời gian bảo trì hệ thống AAG từ các kênh kết nối quốc tế khác. Bên cạnh đó, các ISP cũng khuyến cáo khách hàng chuyển sang sử dụng các dịch vụ Internet trong nước, hạn chế dùng dịch vụ quốc tế trong thời điểm này để tránh ảnh hưởng do nghẽn lưu lượng.

Dự án cáp quang biển AAG được khởi công tháng 4/2007, tổng vốn đầu tư khoảng 560 triệu USD với chiều dài gần 20.000 km, bắt đầu từ Malaysia và kết cuối tại Mỹ. AAG có các điểm cập bờ tại Mersing (Malaysia), Changi (Singapore), Sri Racha (Thái Lan), Tungku (Bruney), Vũng Tàu (Việt Nam), Currimao (Philippinnes), South Lantau (Hong Kong), Guam (Mỹ), Hawaii (Mỹ)...

Nhánh cáp rẽ vào Việt Nam nằm trong đoạn S1 có chiều dài 314 km, cập bờ tại Vũng Tàu và chính thức hoạt động từ tháng 11/2009. Hiện tại, AAG là tuyến cáp quang đầu tiên và duy nhất kết nối trực tiếp lưu lượng từ khu vực Đông Nam Á đến Mỹ.

Còn nhớ, cũng chính tuyến cáp quang biển này đã gặp sự cố hôm 8/3 vừa qua khiến chất lượng dịch vụ Internet tại Việt Nam bị ảnh hưởng khá nhiều và tình trạng chỉ được khắc phục hoàn toàn vào cuối tháng 3.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Vì cái này mà vào TTCN từ nước ngoài chậm dã màn. Google, Facebook vào để lấy thông tin cũng khó, nói gì đến người Sad