Hiện việc tranh luận về tăng độ dài thuê bao hạy thêm đầu số sẽ được quyết định sau khi trưng cầu dân ý và doanh nghiệp

Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu thực tế, lấy ý kiến doanh nghiệp và người dân đối với phương án kéo dài đầu số di động 09 lên thành 11 số, hoặc thêm đầu số mới.

Sáng nay (1/8), ông Phạm Hồng Hải - Vụ trưởng Vụ Viễn thông Bộ TT&TT đã có ý kiến chính thức tại trang thông tin điện tử của Bộ xung quanh vấn đề có kéo dài đầu số di động hay không.

Ông Hải cho biết Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu tình hình thực tế, lấy ý kiến của các doanh nghiệp và người dân đối với phương án thay đổi quy hoạch kho số viễn thông này. Nếu phương án kéo dài số thuê bao là hợp lý và khả thi, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có kế hoạch triển khai và áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp. Trường hợp không nên kéo dài số thuê bao di động, Bộ TT&TT sẽ tiếp tục phương án cấp thêm mã mạng di động mới cho doanh nghiệp khi có yêu cầu trên cơ sở doanh nghiệp đảm bảo sử dụng hiệu quả kho số đã cấp.

Gần đây có thông tin về việc kéo dài số thuê bao di động từ 7 chữ số lên 8 chữ số (mã mạng 9x). Tuy nhiên, hiện tại Bộ chưa nhận được văn bản của các doanh nghiệp di động về vấn đề trên. Trên cơ sở văn bản của các doanh nghiệp, nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế, nếu cần thiết Bộ sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung ban hành quy hoạch kho số mới thay thế quy hoạch hiện tại. Trước đây một năm, ngày 29/6/2010 Bộ cũng đã tổ chức cuộc họp với các doanh nghiệp di động về vấn đề tăng cường công tác quản lý kho số thuê bao di động và mở rộng độ dài số thuê bao di động.

Tại cuộc họp trước đó, đa số các doanh nghiệp đều có ý kiến vẫn tiếp tục sử dụng mạng đa mã như hiện nay, không mở rộng độ dài số thuê bao di động để tránh ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ. Trên cơ sở kết quả cuộc họp, Bộ TT&TT đã quyết định không mở rộng số thuê bao số thuê bao di động tại thời điểm đó và tiến hành cấp mã mạng di động mới theo quy hoạch.

Ông Phạm Hồng Hải khẳng định, nếu có ý kiến của các doanh nghiệp di động Bộ sẽ tiến hành nghiên cứu, xem xét, nếu cần sẽ tiến hành sửa đổi, bổ sung quy hoạch kho số viễn thông. Trên cơ sở quy hoạch kho số viễn thông, Bộ sẽ tiến hành các công tác liên quan đến việc đổi số thuê bao viễn thông. Vấn đề đặt ra là đổi số thế nào để đỡ ảnh hưởng nhất đến người sử dụng dịch vụ viễn thông. Nội dung này đã được quy định tại Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông (Quy tắc thêm số dễ nhớ, đơn giản. Thông báo trước 60 ngày đến các thuê bao, trên phương tiện thông tin đại chúng, cho phép gọi đồng thời cách cũ và cách mới sau đó nếu thấy vẫn gọi theo cách cũ thì nhắc nhở tự động để thuê bao tự thêm chữ số đầu tiên vào, …). Như vậy sẽ không có việc doanh nghiệp viễn thông nào thích đổi số thì đổi mà phải tuân theo các quy định của pháp luật hiện hành và phải thông báo cho người dân về thời điểm đổi số ít nhất là 60 ngày trước khi tiến hành đổi số.

Ông Phạm Hồng Hải cho rằng, về lý thuyết để tăng dung lượng kho số thuê bao di động có hai cách chính: Thứ nhất là tăng độ dài số thuê bao di động hay độ dài mã mạng đang sử dụng và thứ hai là thêm mã mạng di động mới. Cách thứ nhất có ưu điểm là không phải sử dụng nhiều mã mạng di động tuy nhiên có một nhược điểm là phải tiến hành đổi số thuê bao di động, gây bất tiện và tăng chi phí cho xã hội trong việc sử dụng các dịch vụ viễn thông. Cách thứ hai các số thuê bao di động đang hoạt động không phải đổi số; không gây bất tiện cho người sử dụng; không tăng chi phí cho doanh nghiệp, xã hội tuy nhiên phải sử dụng nhiều mã mạng di động.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy các nước phát triển tại Châu Âu và trong khu vực ASEAN + 3 đều sử dụng mạng đa mã cho việc mở rộng quỹ số mạng di động, đặc biệt là các nước có quy mô dân số giống với Việt Nam như Philippines, ThaiLand, Malaysia, Indonesia… không những sử dụng mạng đa mã mà độ dài mã mạng cũng thay đổi từ 2, 3 đến 4 chữ số. Trên thế giới chỉ có Trung Quốc, Ấn Độ sử dụng độ dài số thuê bao di động là 8 chữ số do quy mô dân số của hai quốc gia này quá lớn trên 1 tỷ dân.

Còn thực tế tại Việt Nam, ngày 11/11/2005, Bộ Bưu chính, Viễn thông (nay là Bộ TT&TT) có công văn số 2278/BBCVT-VT gửi các doanh nghiệp thông tin di động về việc góp ý về các vấn đề liên quan đến quy hoạch và quy định quản lý kho số. Đa số các ý kiến góp ý đều đồng ý với phương án cấp thêm mã mạng mới (mạng di động đa mã mạng) để tăng dung lượng quỹ số thuê bao di động. Bộ TT&TT đã cấp thêm mã mạng 16x (x=0-9) cho Viettel; mã mạng 12x cho VNPT; mã mạng 199 cho GTEL để phát triển quỹ số mạng di động phục vụ sản xuất kinh doanh. Hiện tại các đầu số này vẫn được các doanh nghiệp di động sử dụng để phát triển mạng lưới và cấp lại cho người sử dụng dịch vụ bình thường.

Theo quy định của WTO, Nhà nước không được quy định số lượng Nhà khai thác di động mà thực tế của Việt Nam chỉ có 10 đầu 9x (tương đương với 10 mạng di động). Hiện nay Việt Nam đã có 7 mạng di động và 2 mạng di động ảo, có thể sẽ có thêm các mạng di động ảo (full MVNO) với số lượng không hạn chế, vì vậy không thể tránh khỏi việc sử dụng thêm các mã mạng di động mới. Tại thời điểm đó, đa số các ý kiến phản hồi của người dân cũng không muốn đổi số thuê bao di động.

Trả lời về vấn đề nếu cấp thêm đầu số vào thời điểm này sẽ lãng phí nguồn kho số của Việt Nam hay không? Ông Phạm Hồng Hải cho rằng việc cấp thêm đầu số hoặc cấp thêm số thuê bao, kể cả việc đổi số lại có liên quan đến việc sử dụng hiệu quả kho số viễn thông. Bộ đã cấp hơn 200 triệu số thuê bao cho các doanh nghiệp di động, trong khi số thuê bao thực của các doanh nghiệp chỉ khoảng 112 triệu, như vậy hiệu suất sử dụng kho số của các doanh nghiệp di động của ta ở mức thấp dưới 50%.

Để nâng cao hiệu suất sử dụng kho số viễn thông, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả Bộ đã có văn bản hướng dẫn việc quản lý, phân bổ kho số viễn thông gửi tới các doanh nghiệp viễn thông trong đó quy định rõ các doanh nghiệp chỉ được phân bổ thêm kho số viễn thông khi đạt được hiệu suất sử dụng nhất định (từ trên 65%, 75% hoặc 85% tùy từng quy mô kho số của mỗi doanh nghiệp). Hiệu suất này tính dựa trên số thuê bao phát sinh lưu lượng hàng tháng (số thuê bao thực tế trên mạng có phát sinh cước) trên tổng số thuê bao được phân bổ. Thực tế là từ khi văn bản này ban hành đến nay đã hơn một năm chưa có doanh nghiệp nào xin cấp thêm số thuê bao di động (nghĩa là Bộ cũng chưa cấp thêm đầu số thuê bao di động nào từ hơn một năm nay).

Vẫn theo ông Phạm Hồng Hải, ngoài văn bản trên Bộ cũng đã, đang và sẽ tiến hành xây dựng, sửa đổi bổ sung, hoàn thiện và ban hành các chính sách sau nhằm đảm bảo việc sử dụng kho số viễn thông tiết kiệm, hiệu quả như tiếp tục thực hiện việc quản lý khuyến mại trong viễn thông và t iếp tục thực hiện và đề xuất sửa đổi những bất cập trong các văn bản hiện hành về quản lý thuê bao trả trước và đề xuất xây dựng hệ thống các chính sách về giữ nguyên số thuê bao di động khi chuyển mạng. Bên cạnh đó, Bộ TT&TT cũng sẽ phối hợp với Bộ Tài chính sửa đổi, xây dựng các quy định mới về lệ phí phân bổ và phí sử dụng kho số viễn thông; phí quyền hoạt động viễn thông, đồng thời tăng cường công tác quản lý, kiểm tra thực tế tại các doanh nghiệp viễn thông tin di động về công tác quản lý, sử dụng kho số di động.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (4)
Hades Demon  266

Mình thấy việc thiếu đầu số di động cần được tính toán kĩ 1 chút sao cho hợp lí và phát triển lâu dài. Tạm thời chúng ta chia 1 số điện thoại hiện nay thành 2 phần [012][[3456789]] (loại 10 số)
Phần 1 là dành cho kí hiệu nhà mạng, phần 2 là phần để triển khai số. Vậy nhìn vào phần 2 ta thấy mỗi nhà mạng có thể triển khai được 10 triệu thuê bao. Nếu cứ như tình hình hiện nay và việc tăng dân số sắp tới thì bắt buộc chúng ta phải tăng lượng số ở phần 2 vì nếu 1 mạng mà có quá nhiều đầu số thì làm khó cho người dùng. Vậy thì lâu nay người ta mới phát triển loại 11 số. Vậy là số lượng thuê bao triển khai có được là 100 triệu thuê bao con số này mình ngĩ trong khoảng 20 năm tới chắc không có vấn đề gì(đây chỉ là 1 nhà mạng thôi). Suy ngĩ ra thì thấy đầu số nhà mạng hơi rắc rối và dài dòng, ví dụ như 0168,0169. Chỉ để phân biệt nhà mạng thôi mà chúng ta cần phải nhớ thêm 4 số thì quả là lãng phí. Việc quy ước khó ở chỗ phân biệt với số gọi đi quốc tế, điện thoại bàn... Trong khi đó di động chiếm ưu thế với số lượng nhiều nhất sao không ưu tiên 1 đầu số ngắn dành riêng cho di động ví dụ như 01,02,03...09
Vì 1 lí do nào đó ý kiến của mình chưa chính xác thì mình tin vẫn có giải pháp nào đó thay thế hợp lí hơn của các bạn khác. Không phải mình có ý trì triết gì nhưng các nhà quản lí thường là làm theo cảm tính, giống như là không tính trước được biển số xe 5 số, hay mệnh giá tiền xu 200VND,500VND hiện giờ không còn giá trị...Dù sao thì việc quản lí số di động vẫn cần thay đổi nhiều

Hải Nam  30903

Dưới đây là ý kiến của mình, chép lại cho mọi người đọc Big Grin

Tôi không ủng hộ việc thu hồi các đầu số 01 và kéo dài các đầu số 09 trong lúc này. Chúng ta không gặp vấn đề nào trong việc hỗ trợ các thuê bao 10 số và 11 số. Với việc đổi mã vùng 18 và 19 của hai tỉnh Hoà Bình, Hà Giang, tất cả các số điện thoại 11 số bắt đầu bằng 01 được dùng trong di động, tức là có khoảng 1 tỉ thuê bao. Kho đầu số này đủ dùng cho điện thoại di động và thiết bị M2M trong vài chục năm nữa mà không cần đổi số hoặc kéo dài đầu số.

Việc chuyển đổi tất cả các thuê bao di động về 11 số có một số lợi ích nhất định, trong đó có thể kể đến là cách viết thống nhất. Hiện nay, cách viết và đọc số điện thoại khá ngẫu hứng. Chẳng hạn với 10 số, có nhiều cách viết: 0901 234 567, 090 12 34 567 hoặc 0901 23 45 67. Với các số đi động 11 số, cũng có nhiều cách viết: 0122 345 6789 hoặc 0122 3456 789. Với việc dùng số điện thoại có chiều dài cố định, cách viết sẽ được thống nhất một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, với việc các đầu số cố định các tỉnh vẫn có chiều dài khác nhau, vào thời điểm này việc đồng bộ chiều dài số di động thành 11 số không mấy hữu ích.

Về vấn đề thương hiệu, tôi không nghĩ việc marketing đầu số là quá quan trọng. Tại Pháp, tất cả các mạng di động đều dùng chung đầu số 06 (và mới đây là 07), 4 số đầu tiên dùng để xác định mạng, chẳng hạn 0633 là Orange, 0634 là SFR (mỗi mạng được cấp nhiều khối như vậy, mỗi khối gồm 1 triệu đầu số). Hơn nữa, với xu hướng chuyển mạng giữ số (MNP) trong tương lai, người tiêu dùng sẽ không còn nhận dạng nhà mạng thông qua đầu số nữa. Việc cấp hẳn mỗi nhà mạng một khối 100 triệu số theo phương án mở rộng đầu 09 sẽ vô tình tạo ra bức tường thương hiệu giữa mạng lớn và các mạng nhỏ, mạng riêng ảo (MVNO) vì các này sẽ không thể có các đầu số "đẹp" như mạng lớn.

Hades Demon  266

Nói như vậy đây là bài viết của bác trước đây? Việc chuyển mạng giữ số thì cho dù là thời gian dài ta vẫn phải làm bởi nó ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh của các mạng hiện nay. Nói gì đi nữa thì việc cấp số hiện nay khá lộn xộn còn việc nâng phần phụ lên 7 số là điều không thể tránh khỏi. Nhưng có vẻ như các nhà mạng vẫn chưa tận dụng hết kho số, họ thường nới lỏng cho các thuê bao ảo nhằm kiếm thêm từ các phát sinh của thuê bao ảo đó. Lượng thuê bao thực(lượng người dùng di động) theo mình ước đoán cũng chỉ rơi vào <40 triệu thuê bao

Hải Nam  30903

Mình không quản lí chặt (có cái lợi thế của nó, chẳng hạn quản lí chặt, số sau khi thu hồi 6 tháng sau có chủ mới thì khá phiền), thì phải chấp nhận bùng nổ đầu số Big Grin Chứ đâu dựa vào số người dùng (số người có ĐT) được.

Còn đoạn trên là phần ý kiến của mình trong bài bàn tròn về vấn đề này trên báo KH&ĐS (chẳng biết đăng chưa, cách đây chừng 1 tuần).