Cách đây 30 năm (1981), IBM lần đầu tiên cho ra mắt chiếc PC trong cuộc họp báo ở Waldorf Astoria, thành phố New York. Chiếc máy tính lúc đó nặng 21 pound (khoảng 9,5 kg) giá bán 1.565 USD, bộ nhớ chỉ có 16k, có khả năng kết nối với TV, chơi game và xử lí văn bản.
Trên thị trường thời điểm đó, IBM không phải là hãng duy nhất kinh doanh máy tính (Apple II được ra mắt từ năm 1977), nhưng nó đã châm ngòi cho sự bùng nổ của máy tính cá nhân. 30 năm qua nhanh và máy tính IBM chỉ còn là tàn tích so với những thiết bị bóng mượt mà chúng ta sử dụng ngày nay. Hãy cùng điểm lại những mốc đáng nhớ từ những chiếc PC đầu tiên cồng kềnh cho tới những chiếc tablet nhỏ, gọn ngày nay.
Trước 1981
Đúng với tính sơ khai của nó, máy tính trước những năm 1981 không hề gọn gàng như chúng ta thấy ngày nay. Chúng cồng kềnh như những chiếc thùng lớn. Mãi về sau, thiết kế của PC mới nhỏ gọn dần và hệ thống máy tính "thân thiện với người dùng" mới bắt đầu có mặt tại các cửa hàng máy tính.
Khi công nghệ phát triển và giá cả giảm xuống, cuối những năm 1970, máy tính khá phổ biến và trở thành một thiết bị thông dụng trong nhiều gia đình tại Mỹ. Các bà vợ dùng nó để lưu trữ các công thức nấu nướng. Các đức ông chồng biến máy tính thành công cụ quản lí tài khoản của gia đình. Trẻ con làm bài tập trên máy tính và chơi một số game đơn giản. Những chiếc máy tính phổ biến tại thời điểm đó như Commodore PET, Atari 400, Tandy Radio Shack TRS-80 và Apple II khá dễ dùng.
Kỉ nguyên của IBM
"Đây là chiếc máy tính giành cho tất cả mọi người muốn một hệ thống riêng tư tại văn phòng, trường học, hay tại nhà. Chúng tôi tin hiệu năng tuyệt vời cùng với việc dễ sử dụng, máy tính IBM sẽ là chiếc máy tính tiên tiến nhất trên thị trường, và hoàn toàn nằm trong tầm ví của bạn". Đó là lời giới thiệu của phó chủ tịch đương thời IBM - C. B. Rogers trong buổi công bố chiếc máy tính đầu tiên năm 1981.
Một năm sau, IBM lên kế hoạch sản xuất những chiếc máy tính phân phối trực tiếp đến người tiêu dùng. Dưới sự lãnh đạo của Don Estridege - người được xem là cha đẻ của máy tính IBM, những chiếc PC được sản xuất từ phần cứng và phần mềm của hãng thứ 3 xuất hiện. Bộ vi xử lí do Intel sản xuất, hệ điều hành MS-DOS là sản phẩm của Microsoft. Chính giải pháp này đã giúp IBM tiết kiệm thời gian và tiền bạc, tạo tiền đề cho thành công của hãng trong ngành công nghiệp này.
Trong suốt 10 năm sau đó, IBM đã cải tiến chiếc máy tính của mình lên rất nhiều so với lúc sơ khai. Tốc độ xử lí được nâng lên gấp 10 lần. Bộ nhớ được tăng lên 1 nghìn lần, từ 16 KB lên 16 MB. Dung lượng lưu trữ tăng 10 nghìn lần, từ 160 KB lên 1,6 GB. Máy tính IBM, đơn giản là ông tổ của tất cả PC hiện đại.
Những năm 1990
Vào thời điểm này, thị trường máy tính thay đổi một cách đột ngột, khi tên tuổi nhiều thương hiệu lớn ra đời. Các hãng máy tính còn tồn tại như Amiga, Commodore, Atari, Sinclair and Amstrad đều phải giảm giá để cạnh tranh trong một thị trường ngày càng khốc liệt.
Compaq (sau này HP mua lại) và Dell trở thành những cái tên nổi lên trong thị trường máy tính nền tảng Windows. Sự ra mắt thành công của hệ điều hành Windows 3.0 vào năm 1990 và sau đó là Windows 95, Windows 98 đã đưa tên tuổi của Microsoft gắn liền với máy tính, đến nỗi khi nhắc tới Microsoft đồng nghĩa là nói tới máy tính.
Đối thủ Apple lúc này cũng thu được những thành công với PowerBook, nhưng thị phần của Microsoft vẫn thống trị trong thị trường PC suốt cả thập kỉ. Chỉ cho tới sau khi Steve Jobs quay lại làm việc tại công ty vào 1997 cùng với sự ra đời của iMac và tiếp sau là iBook, Apple mới cải thiện được thị phần của mình.
Trong khi hầu hết máy tính tại thập kỉ này là máy để bàn, các thiết bị xách tay lại trở nên quan trọng. Chiếc laptop mà chúng ta biết tới hiện nay là sản phẩm của những năm 90. IBM ra mắt thành công laptop vào năm 1992 với dòng máy ThinkPad 700. Đó là điểm khởi đầu của những chiếc máy tính xách tay rất phổ biến hiện nay. Theo dấu sự thành công của IBM, nhiều nhà sản xuất đã bắt tay vào thị trường này, và đương nhiên, không có sự thất bại cho một xu hướng tất yếu.
Những năm 2000
Ngành công nghiệp máy tính gặp phải những chướng ngại vào đầu thiên niên kỉ mới với sự cố Y2K gây đảo lộn về định dạng thời gian. Hệ thống máy tính gặp sự cố và tưởng chừng không thể tiếp nhận định dạng thời gian mới. Tuy nhiên, hậu quả cuối cùng cũng không tồi tệ như người ta dự đoán.
Năm 2000 còn đánh dấu sự phát triển nhanh chóng của Internet. Đi kèm theo đó là việc ra đời các thiết bị Internet giá rẻ hay còn gọi là “những chiếc PC không cần ổ đĩa”.
Apple ra mắt Mac OS X vào năm 2002 tiếp sau sự thành công của chiếc máy nghe nhạc iPod. Những chiếc máy tính cao cấp của hãng này như: PowerBooks, iBooks, iMacs, Mac Minis và gần đây nhất là MacBook Air chạy trên nền hệ điều hành này đã đạt được những thành công rực rỡ. Trong khi đó, năm 2011, nhiều khách hàng của Microsoft lộ rõ vui mừng với thông tin Clippy (chương trình trợ giúp khi gõ) sẽ không còn xuất hiện trong các phiên bản tiếp theo của bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office.
Thập kỉ này vẫn sẽ là một thời kì đáng nhớ của gã khổng lồ phần mềm với sự thành công của hệ điều hành Window XP. Window Vista được ra mắt vào 2005 nhưng được xem là một thất bại của Microsoft. Hệ điều hành mới nhất Window 7 được giới thiệu vào 2009 nhưng vẫn chưa đủ sức để thay thế người đàn anh XP vẫn đang thống trị thị phần trên thế giới.
Với khuynh hướng phần cứng trong những năm 2000, máy để bàn thu hẹp mức độ phổ biến và nhu cầu laptop tăng lên một cách đột ngột đi kèm với những tính năng mới và giá cả được hạ thấp. Tuy nhiên, sự ra đời của netbook cũng tạo ra một xu hướng tiêu dùng mới tại thời điểm này. Với ưu điểm nhỏ gọn, nhẹ, siêu di động, netbook đã hấp dẫn được nhiều người mong muốn có một thiết bị có thể dễ dàng kết nối Internet để làm các công việc đòi hỏi phải di chuyển nhiều.
Cuộc cách mạng máy tính chưa dừng lại ở netbook. Một xu hướng công nghệ đang hiển hiện trước mắt đủ để khách hàng móc túi những đồng bạc khó kiếm. 2010 đánh dấu kỉ nguyên của máy tính bảng.
Và tương lai
Tablet dường như là sự lựa chọn của tương lai. Trong khi nhiều công việc trên chiếc PC truyền thống vẫn phải cần tới bàn phím vật lí, thì hầu hết những ứng dụng, mạng xã hội, trình duyệt, game, email đều có thể được thao tác dễ dàng trên các thiết bị màn hình cảm ứng.
Một báo cáo của Forrester năm ngoái cho thấy máy tính bảng sẽ vượt qua netbook vào năm 2012, và đến 2015, 23% người dùng máy tính tại Mỹ sẻ sử dụng tablet. CEO Steve Jobs của Apple cho rằng đây là thời kì của “hậu PC”, thời điểm mà chiếc máy tính cá nhân sẽ nhỏ, nhẹ hơn, tiện dụng hơn và cũng “cá nhân” hơn.
Tuy nhiên, sự phát triển vũ bão của công nghệ khiến cho không một ai dám chắc máy tính bảng là sự lựa chọn của tương lai. Với việc rất nhiều hãng máy tính đã và sẽ giới thiệu những dự án của mình, có lẽ chỉ thời gian mới trả lời được máy tính chúng ta sử dụng trong tương lai sẽ như thế nào.
Theo Mashable
Bình luận
từ 2000 về trước mình còn chưa được biết máy tính là gì cơ :)), thank bài viết, cũng gọi là mở mang tẹo