Với "mảnh đất" hơn 29 triệu người sử dụng Internet (số liệu tháng 6/2011-VNNIC), mạng xã hội ở Việt Nam là một thị trường màu mỡ nhưng cũng tồn tại không ít khó khăn...

Thị trường ngách hay đại chúng?

Theo báo cáo NetCitizens Việt Nam 2011 của hãng nghiên cứu thị trường Cimigo, gần một nửa số người sử dụng Internet đã từng ghé thăm blog, diễn đàn và mạng xã hội, trong đó có đến 36% là thành viên của các mạng xã hội. Bên cạnh đó, so với blog và diễn đàn, mạng xã hội có mức độ sử dụng hàng ngày cao. Chính vì thế, ông Nguyễn Tuấn Minh, Giám đốc kinh doanh Mạng xã hội Go.vn cho biết, mạng xã hội tại Việt Nam có sức hấp dẫn rất lớn đối với những công ty cung ứng nội dung cũng như sản phẩm trên nền Internet và hiện có rất nhiều cơ hội để khai thác cho các mạng xã hội mới ra đời.

Cùng quan điểm với ông Minh, ông Vương Quang Khải, Phó Tổng giám đốc VNG, Phụ trách Zing.vn cho rằng, cơ hội thành công ở thị trường mạng xã hội vẫn còn nhiều và luôn rộng mở cho tất cả doanh nghiệp mới tham gia. Trường hợp của Google Plus đã có được 25 triệu người dùng chỉ trong vòng 30 ngày là một minh chứng. Vấn đề chủ yếu các mạng xã hội mới (start-up) sẽ phải phát triển theo hướng nào khi các mạng xã hội đang được chia thành hai loại chính: mạng xã hội đại chúng (với các đại diện như Zing Me, Facebook) phục vụ hầu hết các nhu cầu chung của con người trên Internet như giao tiếp, kết nối, giải trí, cập nhật tin tức… và mạng xã hội chuyên ngành nhắm vào thị trường ngách, tập trung vào một hoặc một vài sở thích nào đó của người dùng như du lịch, ẩm thực, mua sắm…

Tuy nhiên, trong tương lai sẽ có sự hội tụ khi các mạng xã hội đại chúng mở rộng thêm các chức năng chuyên ngành. Do đó, nếu phát triển mạng xã hội theo thị trường ngách thì các doanh nghiệp mới tham gia sẽ khó có cơ hội tồn tại lâu dài. Trong trường hợp muốn phục vụ thị trường ngách, các start-up nên kết hợp với các mạng xã hội sẵn có để cùng phát triển ứng dụng và chia sẻ lợi nhuận. Hiện nay, các mạng xã hội lớn ở Việt Nam đều đi theo chiến lược nền tảng mở và có nhiều chính sách hỗ trợ cho các bên thứ ba. Vì thế, chỉ cần có một ý tưởng phù hợp, các nhà cung cấp nội dung chuyên ngành có thể nhanh chóng kết nối tới cộng đồng hàng triệu người dùng và sử dụng cổng thanh toán sẵn có của các mạng xã hội đại chúng để khai thác kinh doanh.

Về vấn đề này, theo ông Minh, các start-up chọn hướng đi nào cũng đều sẽ gặp những khó khăn nhất định như thị trường ngách thì lượng người sử dụng sẽ đặc thù và có quy mô nhỏ, còn chọn mạng xã hội đại chúng lại đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu lớn, sự dồi dào về nhân lực… Trái với quan điểm trên, anh Nguyễn Việt Ninh, một trong những người sáng lập ra mạng xã hội Linkhay lại khẳng định, các start-up nên đi theo thị trường ngách hoặc tạo ra các mạng đại chúng hoàn toàn khác biệt phù hợp với đặc điểm con người Việt Nam để có thể tồn tại song song với Facebook thay vì tạo ra những sản phẩm “na ná” như mạng xã hội này.

Ý tưởng tốt là chưa đủ

Theo ông Khải, để thành công, trước hết các doanh nghiệp mới cần phải có một ý tưởng tốt và biết tìm ra những nhu cầu chưa được khai thác của thị trường. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ, các start-up cần phải tập hợp đội ngũ nhân lực chất lượng cao, dày dạn kinh nghiệm. “Cuối cùng, các mạng xã hội sẽ yêu cầu một lượng phần cứng khổng lồ, nên vốn đầu tư cũng sẽ là một yếu tố có tính chất quyết định”, ông Khải nhấn mạnh.

Ông Minh lại cho rằng, ngoài một ý tưởng đủ tốt, start-up còn phải có sự chuẩn bị chu đáo về tài chính, nhân lực, máy chủ, cơ sở hạ tầng, hệ thống thanh toán …. Mặc dù vậy, để có thể thành công, chúng ta nên hình thành một hệ sinh thái về nội dung số, trong đó những đơn vị đi trước như Zing Me, Go.vn đóng vai trò cung cấp nền tảng người dùng, các kết nối sẵn có, công cụ thanh toán, nền tảng truyền thông… để các start-up có thể triển khai các dịch vụ, nội dung của mình. Khi đó, mọi người có thể xây dựng mạng xã hội của người Việt, cho người Việt và cùng nhau hưởng thành công từ việc hợp tác đó.

Để thành công, trước hết các doanh nghiệp mới cần phải có một ý tưởng tốt và biết tìm ra những nhu cầu chưa được khai thác của thị trường.

Theo ICTNews



Bình luận

  • TTCN (0)