Theo báo cáo mới nhất từ hãng bảo mật McAfee, hệ điều hành di động của Google đã trở thành nền tảng bị nhắm đến nhiều nhất bởi các phần mềm độc hại (malware).
Chỉ trong vòng ba tháng, Android đã vượt hai bậc để lên đứng vị trí thứ nhất trên bảng danh sách các hệ điều hành bị phần mềm độc hại tấn công nhiều nhất. Kết quả này cũng tương tự như báo cáo của hãng bảo mật Lookout hồi đầu tháng 8, trong đó cho biết số lượng malware xuất hiện trên nền tảng Android đang tăng lên đáng kể.
Trong báo cáo này, McAfee đã liệt kê tỷ lệ % phần mềm độc hại có mặt trên những hệ điều hành trong quí 2. Theo như biểu đồ ở trên cho thấy, phần mềm độc hại trên Android chiếm hơn 50%, theo sau là Java ME, Symbian, BlackBerry, MSIL Python và VBS. Số lượng phần mềm độc hại xuất hiện trên nền tảng iOS của Apple không đáng kể nên không liệt kê trong danh sách này.
McAfee cũng cảnh báo phần mềm độc hại thường "ẩn" bên trong những ứng dụng hợp pháp. Các hacker có thể tạo ra một bản sao của chương trình bình thường, cài phần mềm độc hại vào đó, và tải lên chợ ứng dụng Android Market hoặc những kho ứng dụng khác. Một số phầm mềm độc hại phổ biến trên Android có thể kể đến như Jmsonez, Smsmecap.A, DroidKungFu và DrdDreamLite. Nếu những tập tin này có trong bộ nhớ lưu trữ của thiết bị, bạn phải xóa chúng ngay lập tức.
Gần đây nhất, một loại phần mềm độc hại đã xuất hiện trên Android có khả năng tự động ghi âm cuộc gọi, rồi lưu trữ lại trên thẻ nhớ SD và sau đó tải lên một máy chủ điều khiển.
Theo SlashGear
Bình luận
Đúng là càng ngày càng có phần mềm rất hữu dụng nhưng cũng không thiếu phần mêm độc hại