Đây là ý kiến của ông Lê Nam Thắng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông phát biểu trong hội thảo "3G: Phát triển truy nhập băng rộng trên mạng - Nhu cầu, Băng tần và Cấp phép" do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Hiệp hội GSM (GSMA) tổ chức sáng 17/12, tại Hà Nội.
Hiện nay, 3G WCDMA/HSPA là công nghệ được triển khai rộng rãi nhất trên thế giới trong băng 2,1 GHz, với trên 133,8 triệu thuê bao toàn cầu và 164 mạng tại 73 nước, tượng trưng cho 68% của tất cả các mạng 3G thương mại. Với việc giới thiệu Băng rộng di động mà HSPA giúp thực hiện đã mở ra những thị trường kinh doanh và tiêu dùng di động dành cho tốc độ truy cập băng rộng mới mẻ, tạo ra một nhu cầu cao hơn về băng tần. HSPA sẽ trở thành hình thức rộng rãi nhất của việc truy cập băng rộng trên thế giới trong vài năm tới.
Tại hội thảo, ông Ricado Tavares, Phó Chủ tịch cao cấp, Chính sách công cộng của Hiệp hội GSM trình bày về Băng rộng di động: nhu cầu về các dịch vụ mới và tác động trên băng tần. Bên cạnh đó, bà Yulia Kosskykh, Nhà tư vấn Frontier Economics lại trình bày về bài học từ các tiếp cận Cấp giấy phép băng tần khác nhau.
Trong phần thảo luận bàn tròn "Con đường đi đến phát triển 3G tại Việt Nam" đã thu hút được nhiều ý kiến tham gia, đặc biệt từ các nhà khai thác mạng của Việt Nam. Đại diện cho mạng Viettel - một mạng GSM mới nhưng có tốc độ phát triển nhanh nhất VN hiện nay, ông Tống Ngọc Trung cho biết: Viettel sẽ phát triển lên 3G và đang chuẩn bị các phương án thi tuyển. Về phía Vinaphone, đại diện của mạng này phản ảnh: Vinaphone đã hoạt động được hơn 10 năm và hiện đang có rất nhiều khách hàng có khả năng thanh khoản cao. VinaPhone sẽ tăng dung lượng, phát triển lên 3G để cung cấp những tiện ích cao hơn cho khách hàng. Về phía MobiFone, đại diện của mạng này nhận xét: Hiện nay nhiều mạng tên tuổi trên thế giới hoạt động theo công nghệ 3G. Với chính sách và giá thành của 3G mềm mại như hiện nay, MobiFone cũng sẽ triển khai công nghệ 3G một cách sớm nhất, hướng tới khách hàng với chất lượng cao hơn và cạnh tranh hơn...
Ông Ricado Tavares khẳng định, với một quốc gia có dân số trẻ và mới phát triển như Việt Nam, công nghệ 3G sẽ giúp thay đổi mạnh mẽ về tốc độ truy cập, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế và là động lực cho nhiều ngành như giáo dục, nông nghiệp, thủy sản, công nghệ thông tin... phát triển. Với các mạng đang hoạt động sẵn có của Việt Nam, việc chuyển sang công nghệ 3G sẽ không tốn kém nhiều. Các mạng chỉ việc lắp đặt thêm một số trạm gốc, nâng cấp phần mềm và mạng này có lộ trình tồn tại từ 7 - 10 năm; sau đó phát triển tiếp lên bước cao hơn... Ông Hoàng Ngọc Diệp - Giám đốc cao cấp về phát triển kinh doanh và Trưởng đại diện của Qualcomm tại Campuchia, Lào và Việt Nam cũng nhận xét: Với những ưu điểm như truyền băng thông rộng, có tính bảo mật cao, phát triển lên công nghệ 3G sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền CNTT nói riêng và cả nền kinh tế xã hội Việt Nam nói chung.
(theo L.H - Hà Nội Mới ĐT)
Bình luận