Nếu cách đây một thập kỷ, cụm từ "mobile" mới chỉ nằm đâu đó xa xôi trong tiềm thức mỗi chúng ta, thì nay, nó là một trào lưu, một phong cách mới. Và cũng như các nền văn hóa, tính đa dạng và khác biệt của trào lưu này được thể hiện rõ nét qua từng châu lục.
Trông người...
Ở Mỹ, người ta dùng những điện thoạichuyên dụng để gửi mail, nhắn tin. Những mẫu điện thoại phổ thông có thể kể tên như Sidekick, BlackBerry với hệ thống bàn phím QWERTY giúp việc nhập dữ liệu nhanh và dễ dàng. Và điều này cũng nghiệm đúng với cơn sốt iPhone dai dẳng suốt 6 tháng qua. iPhone có thiết kế không đẹp, không mỏng, và hoàn toàn không có điểm gì nổi bật khi so với những "anh tài" của Samsung, hay LG, HTC nhưng người Mỹ thích sự đơn giản và tiện dụng. Chỉ cần cắm giắc và nghe nhạc đơn giản, hệ điều hành không cầu kỳ, khả năng duyệt web, check e-mail và thưởng thức clip của YouTube .
Châu Âu là một thị trường luôn đi đầu trong việc tiếp cận những sản phẩm mới. Có thể sơ qua như các hội chợ 3GSM, hay CeBIT luôn là nơi mà bất kỳ dân chơi Mobile nào cũng muốn được ghé thăm, bởi đây sẽ là nơi trưng bày những sản phẩm, công nghệ mới nhất, có khi trước cả nửa năm ra mắt. Tuy nhiên, đây lại là một thị trường khá “lành”, bởi lẽ, người châu Âu đã quá quen với việc ký hợp đồng sử dụng và nhận máy tặng. Tùy mức sử dụng, tùy vào yêu cầu về hình thức mà người dùng chọn một "chú dế" hợp với mình cũng như hình thức trả góp tính gộp cùng cước phí cho đến hết hạn hợp đồng thì lúc đó mới tính đến việc đổi máy mới.
Tại thị trường Nhật, Hàn, những quốc gia hiện nay đang đi đầu về hạ tầng mạng và áp dụng công nghệ 3,5G, 4G thì lại có những điểm khác biệt. Họ luôn dùng những điện thoại mới, chức năng có thể ví như đến từ tương lai. Đi kèm đó là những dịch vụ trên hạ tầng mạng 3G như phim, game trực tuyến ngay trên mobile. Họ luôn dùng những máy điện thoại đầy tính năng, kiểu dáng bắt mắt.
Nên biết rằng, những chiếc điện thoại chụp ảnh 5 "chấm", 10 "chấm" đầu tiên trên thế giới đều xuất xứ từ Hàn Quốc. Người dùng ở khu vực này đổi điện thoại như thay áo. Họ cầu kỳ từ vỏ máy, phụ kiện để cho tạo ra sự mới mẻvà khác lạ. Nhưng cũng chính vì sống trong một quốc gia tự cung tự cấp, nên người Nhật và người Hàn Quốc có cơ hội tiếp cận mọi thứ một cách dễ dàng nhất từ chi phí cho tới sử dụng. Một chiếc điện thoại Samsung SPHB380 với khả năng chụp ảnh 5.0 Mpx khi tại Hàn Quốc, giá thành chưa đến 100.000 won (xấp xỉ 1.600.000 VNĐ) khi ký hợp đồng với SK Telecom và thời hạn dùng chỉ trong vòng một năm, hạn mức 20.000 won/tháng.
Mới thấy ta...
Nhìn tổng thể tại 3 khu vực được coi là tiên tiến nhất thế giới cả về xã hội, mức sống và công nghệ mới thấy ở họ vẫn còn nhiều điểm thua ta. Bằng chứng là ở Việt Nam, dòng đời cho một máy là rất ngắn. Chẳng hạn như Nseries của Nokia, model N92 - tivi model "hot" nhất trong những ngày đầu năm đi kèm với công nghệ Wi-fi tích hợp thì giờ đây, đã trở thành một sản phẩm siêu mất giá, khi giá chợ đen chỉ còn mức trên 5 triệu đồng hàng lướt. Các sản phẩm khác của Sony Ericsson như W880i mỏng nhẹ, nghe nhạc hay cũng giảm giá vô tội vạ từ mức trên 8 triệu đồng, nếu chịu khó tìm bạn có thể mua được với giá trên 4 triệu đồng máy mới cứng.
Tiếp đó, Mỹ có iPhone, ta cũng có iPhone ngay lắp tự, thậm chí, giá còn rẻ hơn bởi không bị ràng buộc phí sử dụng mạng AT&T. Anh có Vertu, Goldvish thì ta cũng có những chiếc siêu "dế" siêu sang này chỉ sau một tuần đặt tiền trước. Một người bạn của tôi ở Canada về nước phải thốt lên rằng, ở Việt Nam thật sướng, điện thoại gì cũng có, dễ mua, dễ chọn và hoàn toàn không bị khóa mạng như hầu hết các máy mua ở nước ngoài.
(theo e-Chip Mobile)
Bình luận