Giải thưởng Lãnh đạo CNTT Đông Nam Á (CIO Asean Awards 2011) năm nay được trao cho 10 CIO của Việt Nam và 2 gương mặt khác đến từ Thái Lan và Malaysia.
Giải thưởng diễn ra thường niên từ năm 2005 do tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG phối hợp tổ chức với Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nội vụ và Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI). CIO Asean Awards 2011 bình chọn các lãnh đạo CNTT nổi bật, không chỉ triển khai thành công các chương trình, dự án quan trọng mà còn có tầm nhìn, tính sáng tạo và khả năng hoạch định chiến lược.
So với năm 2010, giải thưởng năm nay có nhiều nét mới như các ứng viên sẽ được chia thành hai khối là khối nhà nước (bao gồm trung ương và địa phương) và khối doanh nghiệp (gồm ngân hàng - tài chính - bảo hiểm; CNTT - viễn thông; sản xuất - vận tải - năng lượng; y tế - giáo dục; dịch vụ - thương mại và nhóm ngành khác).
Ban tổ chức CIO Asean Awards 2011 đã tiếp cận 226 ứng viên từ Việt Nam và các nước trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời nhận được 46 thư đề cử, ứng cử từ cá nhân CIO và các đơn vị. Ngày 10/9, sau ba vòng bình chọn, Hội đồng thống nhất trao giải cho 12 CIO xuất sắc. Ông Đỗ Trung Tá, Phó trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT kiêm Chủ tịch Hội đồng bình chọn, cho biết những CIO tham gia ở Việt Nam đều là những người có kinh nghiệm, khả năng lãnh đạo tốt và khối nhà nước năm nay góp mặt cũng hùng hậu hơn.
Lãnh đạo CNTT là người trực tiếp quyết định quá trình tin học hóa trong doanh nghiệp, tổ chức nói riêng và chiến lược mở rộng doanh nghiệp nói chung. Vai trò của họ được nhận thức sớm và đúng mức trên thế giới nhưng tại Việt Nam, chức danh CIO mới xuất hiện cách đây tầm chục năm và còn những hạn chế nhất định. Để khắc phục tình trạng này, đã có nhiều chương trình, dự án, sự kiện, hội đồng chuyên về CIO, mang lại làn gió mới cho ngành CNTT tại Việt Nam. Chẳng hạn, có thể kể đến dự án của Bộ Thông tin - Truyền thông hợp tác với Ngân hàng Thế giới (WB) để đào tạo CIO cấp trung ương và địa phương, việc kí kết biên bản ghi nhớ với Microsoft trong việc đào tạo chuyên sâu cho các lãnh đạo CNTT của cơ quan chính phủ hay Hội nghị và Giải thưởng lãnh đạo CNTT Đông Nam Á tiêu biểu ra đời từ năm 2004 do IDG Việt Nam tổ chức...
Ông Dương Dũng Triều, Tổng giám đốc FPT IS, nhận định CIO có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mỗi doanh nghiệp bởi ngoài việc vạch ra chiến lược CNTT dài hạn, quản lí dự án tin học hóa, họ còn quản lí nguồn lực, quan hệ với đối tác, đổi mới các quy trình nghiệp vụ... Ông Triều cho rằng cần nâng cao vai trò của CIO hơn nữa vì ở Việt Nam vẫn chưa có sự định danh, quan tâm và đánh giá đúng mức hiệu quả hoạt động của CIO dù điều này cần thời gian dài để cải thiện.
Lễ trao giải Lãnh đạo CNTT Đông Nam Á tiêu biểu sẽ được tổ chức vào ngày 28/9/2011 tại Hà Nội.
Danh sách lãnh đạo CNTT tiêu biểu năm 2011:
1. Ông Amarit Laorakpong D. Eng, CIO, Ngân hàng thương mại SIAM, Thái Lan.
2. Ông Cao Bá Thủy, Phụ trách CNTT, Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội, Việt Nam.
3. Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Công ty MTV phát triển công viên phần mềm Quang Trung, Việt Nam.
4. Bà Đàm Thị Huyền, Phó Tổng giám đốc phụ trách CNTT, Petrolimex, Việt Nam.
5. Bà Đặng Thị Phương Ba, Giám đốc trung tâm CNTT, Ngân hàng TMCP Sài Gòn, Hà Nội, Việt Nam.
6. Ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện, Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam.
7. Ông Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Đại học Cần Thơ, Việt Nam.
8. Ông Ho Sin Kheong, CIO, Ngân hàng RHB, Malaysia.
9. Ông Phan Ngọc Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, Việt Nam.
10. Ông Thái Vĩnh Liệu, Phó Bí Thư thường trực, trưởng ban chỉ đạo CNTT, tỉnh ủy Quảng Trị, Việt Nam.
11. Ông Trần Mã Thông, Phó cục trưởng, cục Hải quan TPHCM, Việt Nam.
12. Ông Trần Thế Nam, Tổng giám đốc Công ty CP tin học Á Châu, Việt Nam.
Theo VNExpress
Bình luận
Thầy hiệu phó trường em đây!
Có lẽ công lớn nhất của thầy là chuyển toàn bộ hệ thống vài ngàn máy tính của trường sang Ubuntu
Vậy có xài Windows không?
Vậy vài ngàn máy tính của Trường đều xài Ubuntu hết hả Hiếu?
Vậy sinh viên ĐHCT vô địch Linux rồi!
Đúng mà hong đúng.
Vài ngàn máy tính của trường dùng Ubuntu. Tuy nhiên, sinh viên chỉ dùng để truy cập Internet, tìm tài liệu, học trực tuyến, soạn tài liệu, báo cáo... Thực ra dùng vẫn như Windows thôi chứ đâu có gì khác biệt. Chỉ có các bạn chuyên ngành CNTT thì có học sâu thôi, đặc biệt là bên Công nghệ phần mềm.
sao thay toan cua Viet nam minh khong vay ta?