Mặc dù đã có nhiều điều kiện để bùng nổ IPTV như thiết bị đầu cuối rẻ, quy chế truyền hình trả tiền đã ban hành… nhưng dịch vụ IPTV vẫn nhận được không ít lời than phiền về nội dung nghèo nàn hay chất lượng hình ảnh vẫn chưa thực sự tốt.

Theo dự đoán của nhóm nghiên cứu Multimedia Research Group, đến năm 2012 số thuê bao IPTV trên toàn thế giới sẽ đạt 92,8 triệu với tốc độ tăng trưởng hàng năm là 31%, trong khi năm 2008 con số này chỉ là 24 triệu. Trong đó, số lượng thuê bao của khu vực châu Á sẽ đạt gần 40 triệu thuê bao vào năm 2012 (bằng với số lượng của châu Âu), con số này vào cuối năm 2008 là khoảng 8 triệu thuê bao.

Còn tại Việt Nam, FPT Telecom đã đi tiên phong trong việc thương mại hoá dịch vụ IPTV ở Việt Nam. Từ ngày 1/3/2006, FPT Telecom đã chính thức cung cấp dịch vụ IPTV với tên iTV (năm 2011 đã được đổi thành OneTV). Đến ngày 12/5/2009, VTC Digicom phối hợp với Viễn thông Hải Phòng ra mắt dịch vụ tại Hải PVhòng, sau đó VTC Digicom tích cực phối hợp với Viễn thông các tỉnh để mở rộng dịch vụ thêm 6 tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Ninh Bình, Bình Dương và Huế… Công ty VASC (VNPT) cũng thử nghiệm IPTV từ năm 2008 và chính thức cung cấp IPTV năm 2009 trên toàn quốc với thương hiệu MyTV.

Theo ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc Công ty VASC, với tốc độ tăng trưởng thuê bao “năm sau cao gấp đôi năm trước”, sau hơn 2 năm triển khai dịch vụ, MyTV đang đạt khoảng 500.000 thuê bao, tỉ lệ rời mạng chỉ khoảng một vài phần trăm, thậm chí có những nơi 1000 thuê bao chỉ có khoảng 1, 2 thuê bao rời mạng. “Hiện trung bình mỗi ngày MyTV có thêm khoảng 100 thuê bao và đạt khoảng hơn 30.000 thuê bao mỗi tháng. Doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao ở mức 70.000 đồng”, ông Hải cho biết thêm. MyTV đang có 90 kênh truyền hình (trong đó có 13 kênh HD) và nhiều gói dịch vụ khác theo yêu cầu như phim truyện, âm nhạc, karaoke, trò chơi, thể thao, đọc truyện, giáo dục, sức khoẻ-làm đẹp….

Đại diện FPT Telecom cho biết, hiện Truyền hình oneTV của FPT Telecom đã có 74 kênh truyền hình cùng nhiều dịch vụ khác như: Truyền hình xem lại (được phép xem lại trong 48 tiếng); Phim theo yêu cầu (Video On Demand); Chương trình thiếu nhi; Tiếng Anh cho bé; Ca nhạc, hài, cải lương; Đọc báo; Địa chỉ cần biết, chứng khoán, dịch vụ thông tin như xem giá vàng, tỉ giá ngoại tệ, dự báo thời tiết …

“Số lượng thuê bao dịch vụ OneTV của FPT đạt hơn 30.000 thuê bao và dự kiến sẽ đạt con số 70.000 thuê bao trong năm 2011”, đại diện FPT Telecom cho biết thêm. Về doanh thu thuê bao, mức giá trọn gói dịch vụ là khoảng 80.000đ/tháng hoặc 40.000đ/tháng tuỳ theo vùng miền. FPT Telecom cố gắng thu thêm mỗi thuê bao khoảng 30.000 đồng từ các dịch vụ theo yêu cầu khác.

Theo đại diện của Viettel, dịch vụ IPTV của nhà mạng này với thương hiệu NetTV đang có khoảng 15.000 thuê bao và mục tiêu sẽ đạt 300.000 thuê bao vào một vài năm tới. Trong số đó, lượng thuê bao chủ yếu của IPTV là các tỉnh thành phía Nam như Tây Ninh, Bình Dương, Cần Thơ “nơi mà truyền hình cáp chưa phát triển”… thay vì ở các thành phố lớn như Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh.

Theo đại diện FPT Telecom, dù đi tiên phong trong thị trường IPTV từ những năm 2006, tuy nhiên đến năm 2008, đơn vị này thấy rằng việc kinh doanh IPTV gần như không tạo ra lợi nhuận nên đã bỏ ngỏ thị trường này. Năm 2010, FPT Telecom nhìn nhận lại và thấy rằng “cần 3 năm nữa” thì thị trường IPTV mới thực sự bùng nổ. Tuy nhiên, đến năm 2011 đã có rất nhiều điều kiện tốt “tạo đà” cho sự bùng nổ dịch vụ này như thiết bị đầu cuối đã xuống thấp, quy chế truyền hình trả tiền đã có hiệu lực để chuyên nghiệp hoá thị trường thay vì “trăm hoa đua nở” như thời gian trước và là cơ sở để người dân có thói quen với truyền hình trả tiền, hạ tầng mạng kĩ thuật đủ băng thông để chạy ổn định IPTV… Điều này cho thấy chỉ khoảng 2 năm nữa, thị trường IPTV sẽ bùng nổ.

IPTV: Khen nhiều, chê cũng không ít

Trên các diễn đàn, đề tài về dịch vụ IPTV đã nhận được không ít ý kiến bình luận của các thành viên khi sử dụng dịch vụ. Đa số đều khẳng định, IPTV có chi phí lắp đặt thấp, phí thuê bao hàng tháng rẻ và nội dung khá tốt, có nhiều lựa chọn cho gia đình. Đơn giản chẳng hạn như kho phim, ca nhạc, cải lương phong phú… Thậm chí, một số người đã sử dụng dịch vụ MyTV đưa ra một hình ảnh ví von “Như những người đang hàng ngày đi xe bus, vừa rẻ lại vừa đáp ứng đủ nhu cầu đi lại” để nói đến sự tiện dụng của dịch vụ này. Nick name x30pl trên diễn đàn diendanvetinh.tk chia sẻ: “IPTV dù trời mưa gió hay nóng bức đều xem được hết, trong khi dùng chảo, trời mưa hoặc nhiều mây đều bó tay”.

Nhưng dịch vụ IPTV cũng nhận được nhiều lời phàn nàn, bức xúc về chất lượng đường truyền khi xem IPTV khi xảy ra hiện tượng đang xem bỗng nhiên dừng hình, chuyển kênh thì bị báo “đang tải, vui lòng đợi”, hay “hàng xóm hô “vào” trước mấy giây thì cái tivi nhà mình mới thấy hô” là chuyện xảy ra như cơm bữa khi xem bóng đá.

Một khách hàng của MyTV ở khu Tập thể Bưu điện, Phường Đồng Nhân – Hà Nội nhận xét, MyTV có nội dung phong phú nhất trong các nhà cung cấp dịch vụ IPTV hiện nay, thế nhưng điểm dở nhất của dịch vụ này là chất lượng không đảm bảo vừa bị chậm lại vừa giật hình, rất khó xem. Điều này làm người xem rất ức chế và rất dễ từ bỏ dịch vụ.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)