Bên cạnh ảnh hưởng không thể bàn cãi với giới công nghệ, Steve Jobs còn mãi mãi thay đổi cách thức sử dụng thiết bị di động của chúng ta.
Vị CEO tài năng vừa ra đi ở tuổi 56 có một cuộc đời đầy thăng trầm nhưng luôn là một trong những người có ảnh hưởng nhất đối với giới công nghệ. Việc đưa thông tin ca ngợi ông tại thời điểm này có phần hơi “té nước theo mưa” song bắt buộc phải thừa nhận rằng một mình ông đã biến đổi cách thức mà chúng ta sử dụng thiết bị di động trong thế kỷ 21 này theo một cách mà chưa một công ty hay cá nhân nào làm được.
Ở đây không chỉ đề cập cụ thể tới lĩnh vực điện toán hay điện thoại di động, mà còn cần nói tới những điều vượt qua cả hai yếu tố đó gộp lại, liên quan tới những món “đồ chơi” mà chúng ta mang theo hàng ngày, cách chúng được tạo ra và được sử dụng trong thực tế như thế nào. Với tầm nhìn của mình, Jobs đã mang tới cho người dùng những sản phẩm mà họ đã ngưỡng mộ từ lâu qua các bộ phim khoa học giả tưởng. Ví dụ như khái niệm PADD và các thiết bị liên lạc trong loạt phim giả tưởng kinh điển Star Trek. Hoặc là ông hoạch định những chính sách tung sản phẩm “ngược đời” như chiến dịch đưa sản phẩm trước đây chỉ bán được ở thị trường Nhật ra bán rộng rãi trên toàn thế giới.
Một thế giới di động theo phong cách Steve Jobs
Tầm nhìn của Jobs về thiết bị di động, sâu xa hơn nữa là hệ sinh thái di động đã giúp cho iPhone cất cánh 5 năm về trước và tiếp tục bay cao, sau đó là các sản phẩm khác như gian hàng trực tuyến App Store rồi tới sự ra đời của Macbook Air. Các sản phẩm này, nếu không có sự phù phép của Jobs thì chắc sẽ nằm nhạt nhòa trong đám các sản phẩm tương tự hay thậm chí chìm nghỉm.
Hãy thử nhìn lại một chút những gì chúng ta có trước khi iPhone xuất hiện. Các thiết bị di động có màn hình cảm ứng thời đó thường lai PDA (thiết bị trợ giúp cá nhân), sử dụng giao diện nhàm chán, phần mềm ứng dụng thì ít ỏi, quan trọng hơn là chúng chưa thoát được sự quản lý của các nhà mạng. Hầu hết các thao tác bao gồm truy cập nội dung như nhạc và phim, sử dụng GPS đều phải thực hiện thông qua dịch vụ của nhà cung cấp mạng di động. Chắc chắn điều này không thể làm hài lòng người dùng.
Thị trường điện thoại di động khi ấy là một mớ các thiết bị hỗn tạp cho đến khi iPhone xuất hiện cùng với “phép màu” màn hình cảm ứng đa điểm. Giới chuyên môn đánh giá, với phát kiến này, Jobs đã vượt qua các đối thủ một khoảng cách rất dài. Tuy điện thoại Android ra mắt chỉ sau đó có hơn 1 năm, nhưng các đối thủ cạnh tranh đã phải tốn nhiều thời gian mà vẫn chưa theo kịp với Apple. Điều này minh chứng cho sự nhìn xa trông rộng của Jobs cũng như sự quyết tâm của ông và Apple khi kiên định theo đuổi việc sản xuất iPhone. Khi sản phẩm này ra mắt, các đối thủ cạnh tranh chỉ còn cách chạy theo “hít khói”.
Cho đến ngày hôm nay iPhone đã trở nên quá phổ biến, bạn có thể bắt gặp chúng ở bất kỳ đâu từ quán xá, nhà hàng, lớp học .v.v… Đối với những người hay di chuyển, iPhone phiên bản quốc tế là một trợ thủ đắc lực. Bên cạnh việc có thể sử dụng được ở bất kỳ quốc gia nào, người dùng có thể kiểm tra lộ trình qua Google Maps với độ chính xác cao, hoặc lướt web trong những lúc nhàn rỗi.
iPhone và các đối thủ của nó chắc chắn đã mang lại cho chúng ta sự thay đổi trong việc kết nối khi di chuyển mà không cần bận tâm đến những vướng mắc cũ nữa.
Di dộng dành cho mọi người
Bên cạnh điện thoại di động, Jobs còn đưa tới những thay đổi tương tự với mẫu thiết kế Macbook Air đình đám. Theo như thông tin từ nội bộ Apple thì dự án máy tính xách tay siêu mỏng này được ông đặc biệt quan tâm. Ông biết rằng thị trường đang chờ đợi một sản phẩm kết hợp tốt các yếu tố về thiết kế, cấu hình và giá thành.
Ngay khi MacBook Air được ra mắt, thú thực là người viết vẫn không tin tưởng lắm vào tương lai của nó do vẫn bị ảnh hưởng của chuyến ghé thăm Nhật Bản trước đó. Tác giả đã thấy rất nhiều mẫu máy tính xách tay siêu di động mỏng nhẹ, cấu hình tốt nhưng lại chỉ dành cho thị trường nội địa. Chắc chắn những người ưa thích các mẫu máy xách tay có trọng lượng dưới 2kg sẽ bị ấn tượng với các mẫu máy này. Nhưng khi nêu câu hỏi cho các nhà sản xuất Nhật Bản về việc đưa các mẫu máy này bán tại Mỹ, tác giả nhận được cùng một câu trả lời “không có thị trường cho những mẫu này ở Mỹ”.
Bằng sự sắc sảo và quyết đoán của mình, có thể nói Steve Jobs đã một tay gây dựng thị trường máy tính xách tay siêu mỏng nhẹ tại Mỹ và chứng minh cho người Nhật thấy họ đã sai lầm. Quan điểm của ông là chỉ cần tìm đúng các điểm quan trọng là sẽ có thị trường. Không phải là người dùng phổ thông không quan tâm tới các mẫu máy mỏng siêu di động, mà mấu chốt là họ không thích mức giá quá cao mà các nhà sản xuất đặt ra (nhắm vào khối người dùng doanh nghiệp là chính) cho các thiết bị siêu mỏng nhẹ này.
Vào thời điểm ra mắt, MacBook Air là sản phẩm mới, giá cạnh tranh hơn một phần do nỗ lực rất lớn của Apple trong việc yêu cầu chuỗi cung ứng linh kiện phải giảm giá thành để sản phẩm có được mức giá hấp dẫn trên thị trường. Và hãy xem, sau 3 năm, khi MacBook Air làm mưa làm gió tại phân khúc này, các nhà sản xuất khác mới chậm trễ vào cuộc với dòng sản phẩm Ultrabook có cùng tiêu chí mỏng, nhẹ giá hợp lý. Năm sau, các mẫu máy dựa trên nền tảng kiến trúc vi xử lý ARM hứa hẹn sẽ còn mỏng và nhẹ hơn nữa.
iPad là dấu ấn thứ 3 mà theo chủ quan của người viết là dấu ấn quan trọng nhất của Jobs trong việc thay đổi quan niệm về thiết bị di động của chúng ta. Khái niệm máy tính bảng (tablet hay slate) đã có trên thị trường từ nhiều năm nhưng gần như không có cách nào khởi sắc cho dù có sự hẫu thuẫn rất lớn từ một thiên tài khác là Bill Gates cùng Microsoft. Chỉ đến khi được Steve Jobs “phát minh lại”, máy tính bảng mới trở nên phổ biến và tạo ra một cơn sốt chưa từng có đối với người tiêu dùng.
Chiếc iPad đầu tiên được ông giới thiệu vào năm 2010 và được mô tả như một thiết bị kỳ diệu và có tính cách mạng. Mặc dù có hệ điều hành giống với iPhone nhưng iPad nổi trội hơn với các ưu điểm về mặt thiết kế vật lý. Nó có các đường lượn trang nhã, thoát khỏi vẻ ngoài hình hộp như viên gạch. Nó mỏng, và hơn hết màn hình của nó đáp ứng rất tốt các thao tác của người dùng. iPad có sức mạnh xử lý và hiệu năng ấn tượng để có thể thay thế máy tính xách tay trong nhiều trường hợp. Và điểm nhấn cuối cùng của iPad là giá bán rất cạnh tranh khiến nó ngay lập tức chiếm lấy ngôi vị số 1 của thị trường.
Những gì Steve Jobs và cộng sự đã làm cho công nghệ di động thật vô cùng quan trọng. Sau iPhone, các PDA-phone (điện thoại kiêm máy trợ giúp cá nhân) truyền thống gần như biến mất, các điện thoại di động đa phương tiện thuộc về các đại gia trong làng di động như các mẫu máy “hoành tráng” của Sony Ericsson và Nokia cũng không sống nổi. Tiếp sau đó, làn sóng của các điện thoại Android mô phỏng thiết kế và cách dùng của iPhone mới có thể làm cho sản phẩm của Apple phải chia sẻ thị phần.
Sau Macbook Air, người dùng sẽ có điều kiện để dễ dàng sở hữu các mẫu máy tính xách tay siêu di động hơn mà trước đây hầu như chỉ dành cho những doanh nhân cao cấp. Sau iPad, số lượng máy tính bảng của các nhà sản xuất khác trên thị trường đang nhiều lên từng ngày. Chúng ta có thể thấy các thiết bị trước đây chỉ có trong phim khoa học viễn tưởng được sử dụng tại quán cà phê, giảng đường, bến xe... Chúng hiện diện được ở khắp nơi một phần là nhờ có tầm nhìn của Steve Jobs. Tầm nhìn ấy có được kế thừa và phát triển hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn cho Apple nói riêng và giới công nghệ nói chung.
Mới có tin là trước khi ra đi, Steve Jobs đã lên kế hoạch cho Apple tới tận 4 năm sau, nhưng sau đó thì sao? Câu trả lời một phần đã được hé lộ qua buổi ra mắt iPhone 4S vừa rồi. Không ai có thể thay thế Jobs!
Theo PCWorld VN
Bình luận
Mình thích Steve Jobs nhưng không có xài đồ Apple lần nào, mắc quá chăng?????
Thôi thì cố mà mua cái iPhone 4 hoặc iPad 2, giàu thì MacBook Air 2011, hàng để đời của bác Jobs đó