Không chỉ các hãng phần cứng như Intel, Foxcon, hay Panasonic..., mà loạt các hãng dịch vụ như Vodafone, eBay, Yahoo, Google, IBM và MSN của Microsoft đã đến và đưa Việt Nam thành điểm đầu tư hấp dẫn.

Tiếp làn sóng “hậu Intel”

Tiếp sau Intel, điểm sáng nhất trong đầu tư ICT năm 2007 là việc tập đoàn sản xuất linh kiện CNTT lớn thứ 3 thế giới Foxconn (Đài Loan) quyết định rót khoảng 5 tỷ USD vào Việt Nam trong thời gian 5 năm. Ngoài hai nhà máy sản xuất linh kiện đầu tiên trong chuỗi nhà máy sản xuất linh kiện, Foxconn đã có kế hoạch xây dựng “thành phố” công nghệ với đầu tư dự kiến 1 tỷ USD tại Bắc Ninh trên diện tích 84 km2.

Tiếp sau Foxconn, một tập đoàn sản xuất máy tính xách tay lớn khác của Đài Loan là Compal đã chọn Khu công nghiệp Bá Thiện, Vĩnh Phúc với sự đầu tư 500 triệu USD xây dựng nhà máy sản xuất máy tính xách tay. Đặc biệt, dự án này của Compal sẽ lôi kéo thêm khoảng 10 doanh nghiệp vệ tinh sản xuất các phụ kiện cho máy tính xách tay với số đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD, đòi hỏi lượng lao động tới 200 ngàn người.

Tập đoàn Nidec, nhà sản xuất hàng đầu thế giới về ổ đĩa cứng và linh kiện cho máy vi tính, đã khánh thành hai nhà máy sản xuất các linh kiện máy tính và điện tử vào hoạt động tại khu công nghệ cao TP.HCM vào tháng 3/2007. Và đây mới chỉ là hai trong số 10 nhà máy mà Nidec sẽ xây dựng tại TP.HCM đến năm 2010 với vốn đầu tư khoảng 1 tỷ USD.

Matsushita Electric Industrial, hãng sở hữu nhãn hiệu điện tử Panasonic cùng lúc đưa vào hoạt động hai nhà máy mới sản xuất linh kiện điện tử xuất khẩu tại Khu Công nghiệp Thăng Long, Hà Nội vào tháng 4/2007. Không dừng lại ở việc sản xuất, Panasonic còn đưa Việt Nam trở thành một “trung tâm” nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao của hãng với việc đưa vào hoạt động Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) Panasonic tại Hà Nội.

Cũng trong năm 2007, tập đoàn sản xuất bán dẫn và vi mạch thứ ba thế giới Renasas (Nhật) cũng đã xây dựng trung tâm nghiên cứu, thiết kế vi mạch tại TP.HCM, tăng đầu tư từ 13 triệu USD sau 3 năm đặt chân vào Việt Nam lên con số 30 triệu USD. Hai nhà sản xuất máy tính hàng đầu thế giới HP và NEC đã quyết định lắp ráp máy tính mang thương hiệu của họ tại Việt Nam. Hãng sản xuất máy tính lớn Acer cũng đang rục rịch chuẩn bị lắp ráp máy tính tại Việt Nam.

Ngoài ra, trong năm 2007, nhiều tập đoàn công nghệ lớn khác đang thăm dò khả năng đầu tư vào Việt Nam. Trong đó, đáng chú ý là việc Samsung đang cân nhắc lựa chọn địa điểm ở Việt Nam để xây dựng nhà máy có công suất 100 triệu điện thoại di động mỗi năm. Hãng cung cấp di động Vodafone (Anh) coi đầu tư vào một công ty khai thác dịch vụ động tại Việt Nam là mục tiêu nhắm đến.

Dịch vụ cũng rộn ràng

Không chỉ hấp dẫn với nhà tập đoàn sản xuất phần cứng, trong năm 2007, khá nhiều các nhà cung cấp dịch vụ CNTT lớn của nước ngoài đã đến Việt Nam. Đáng chú ý nhất là sự kiện các đại gia Yahoo, MSN của Microsoft công bố kế hoạch của họ tại Việt Nam. Trong năm 2007, Yahoo, nhà cung cấp dịch vụ Internet của Mỹ, tiếp tục thâm nhập vào thị trường Việt Nam với việc cho ra mắt một loạt quán cà phê Internet tại TP.HCM và Hà Nội, và đặc biệt là việc tung ra dịch vụ Yahoo Hỏi và Đáp cho cộng đồng Internet Việt Nam.

Không muốn chậm chân ở thị trường hơn 80 triệu dân và có tới hơn 20 triệu người dùng Internet, vào tháng 7/2007, Microsoft đã ký hợp tác với Đài truyền hình Việt Nam, báo Lao Động cùng với nhà cung cấp dịch vụ Internet VDC nhằm chuẩn bị cho việc đưa cổng thông tin dịch vụ trực tuyến MSN vào Việt Nam. Cũng nhằm đón lõng thị trường Internet đang phát triển mạnh, hệ thống đấu giá trực tuyến hàng đầu thế giới eBay cũng đã có mặt tại Việt Nam với việc khai trương trang web eBay tiếng Việt vào 6/2007.

Trong lĩnh vực dịch vụ phần mềm, IBM đã đặt niềm tin vào năng lực giới trẻ Việt Nam khi quyết định lập trung tâm dịch vụ toàn cầu thứ tư trong khu vực châu Á tại khu công nghệ phần mềm tại TP.HCM. Sau IBM, cũng trong năm 2007, Microsoft đã kịp ra đời trung tâm dịch vụ Microsoft đầu tiên ở Việt Nam thông qua một doanh nghiệp CNTT Việt Nam là công ty HPT.

Có thể nói, sự hấp dẫn các tập đoàn CNTT không chỉ ở lĩnh vực sản xuất cho thấy sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong việc tham gia sâu rộng vào thị trường CNTT toàn cầu. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là chuẩn bị tốt hạ tầng và nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư.

(Theo Đỗ Duy - ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)