Bộ trưởng TT&TT nói VNPT phải đóng vai trò chủ công trong việc đầu tư hạ tầng băng rộng phục vụ cho việc ứng dụng CNTT quốc gia và thí điểm xây dựng mô hình thành phố thông minh tại Hà Nội, TP. HCM.
Ngày 13/2/2008, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp và các Thứ trưởng Lê Nam Thắng, Trần Đức Lai, Đỗ Quý Doãn, Nguyễn Minh Hồng đã làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn BCVT Việt Nam (VNPT) về chiến lược phát triển của VNPT trong thời gian tới và những nhiệm vụ trọng tâm.
VNPT phải giữ vai trò chủ lực của quốc gia
Tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp khẳng định, trong năm 2008 và những năm tiếp theo VNPT tập trung phát triển hạ tầng, coi đây là việc làm trọng tâm của chiến lược mặc dù ban đầu có thể việc đầu tư này không có lãi. “VNPT phải đóng vai trò chủ công trong việc đầu tư hạ tầng băng rộng phục vụ cho việc ứng dụng CNTT quốc gia. VNPT có thể xây dựng các mô hình thành phố thông minh thí điểm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh và tạo các cơ chế để xã hội hóa cho việc đầu tư này”, Bộ trưởng Lê Doãn Hợp gợi ý.
Thứ trưởng Lê Nam Thắng thì cho rằng, trong chiến lược phát triển của mình, VNPT phải xác định vị thế của doanh nghiệp chủ lực để đảm bảo an ninh kinh tế quốc gia. Thậm chí, trong Luật Viễn thông đang xây dựng cũng phải có quy định vị trí của VNPT trong tổng thể ngành viễn thông của Việt Nam, nhưng Thứ trưởng cũng lưu ý rằng việc phát triển hạ tầng và công nghệ trong tương lai cũng cần phải gắn với kinh tế vì đây vẫn phải là mục tiêu của doanh nghiệp.
Tại buổi làm việc, một số vấn đề như việc cổ phần hóa, hoàn thiện mô hình tổ chức, phát triển các dịch vụ nội dung cũng đã được thảo luận.
Đầu tư băng rộng - đầu tư cho tương lai
Theo báo cáo của ông Phạm Long Trận, Quyền Chủ tịch HĐQT VNPT, hiện VNPT đang triển khai và đưa vào khai thác mạng NGN, đang định hướng triển khai mạng IP/MPLS Core và các mạng Metro Ethernet cho các tỉnh, thành phố; triển khai chương trình cáp quang hóa để tạo hạ tầng cho mạng băng rộng. Hai mạng di động của VNPT cũng đã được chuẩn bị để sẵn sàng tiến lên 3G.
Trong năm 2008 và 2009, VNPT sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho mạng băng rộng và đến giữa năm 2008, mạng đường trục của VNPT có thể được nâng lên đến 200 Gbps và có thể nâng tiếp lên đến 300 Gbps - tương đương với các nước phát triển và đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Dù dự kiến có khoảng 1,5 triệu thuê bao Internet ADSL băng rộng và đạt doanh thu khoảng 2.250 tỷ đồng vào cuối năm 2008 - nguồn doanh thu này còn rất thấp so với khấu hao vốn đầu tư, nhưng Phó Tổng Giám đốc VNPT Bùi Thiện Minh cho rằng, thời của di động chỉ còn vài năm nữa sau đó sẽ đến thời của băng rộng. Vì vậy, việc đầu tư cho băng rộng phải đi trước một bước.
“Hiện VNPT đang phải lấy lợi nhuận từ di động để bù cho băng rộng, nhưng đây là việc đầu tư chiến lược cho tương lai nên lỗ cũng phải làm. Việc xây dựng mạng băng rộng là việc đầu tư cho tương lai để đi trước đón đầu cho chiến lược phát triển của VNPT. Trước mắt, VNPT sẽ phải nâng cao chất lượng để duy trì cho 10 triệu thuê bao cố định hiện nay trước sự lấn lướt mạnh mẽ của di động” - ông Bùi Thiện Minh nói.
Ông Bùi Thiện Minh cũng đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tiêu chí tỷ lệ thuê bao băng rộng thay cho tỷ lệ sử dụng máy điện thoại để thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông tin và Chính phủ điện tử ở Việt Nam.
(Theo báo Bưu điện Việt Nam)
Bình luận
Đầu tư cho hệ thống Viễn Thông thì vài năm đầu lỗ là hiển nhiên... tuy nhiên về sau là siêu lợi nhuận.
Còn nhớ một buổi nói chuyện với một lão làng trong ngành thông tin quang. Bác ấy nói rằng trước đây các chuyên gia về quang nhà mình đã tư vấn cho Bộ trưởng Thân về việc xây dựng mạng đường trục quang backbone Bắc Nam những năm đầu 90.
Hồi đó có hai phương án lựa chọn là hệ thống cáp quang đa mode và cáp quang đơn mode. Trong đó hệ thống cáp đơn mode sẽ có chi phí đầu tư rất là đắt so với hệ thống đa mode. Thế nhưng cuối cùng thì bác Thân đã sáng suốt lựa chọn hệ thống SMF đơn mode để tạo nên mạng đường trục 2,5 Gb/s phục vụ cho sự phát triển sau này của ngành Bưu điện cho đến tận bây giờ (năm 2003 hệ thống DWDM backbone 20 Gbps mới được đưa vào sử dụng song song và đẩy hệ thống 2,5 Gbps về dần cho các tỉnh quản lí).
Khẳng định luôn là nếu không lựa chọn hệ thống đơn mode ngày đó, viễn thông Việt Nam sẽ bị vướng vào mớ bùng xung ngay. Bỏ hệ thống xây dựng cũ đi thì không được mà sử dụng nó cũng không xong.
Có thể nói, tầm nhìn xa về chiến lược ảnh hưởng cực kì lớn đến sự phát triển của không cứ một ngành nào.
Hoan hô quyết tâm của các bác VNPT.
Không thể chơi kiểu bóc ngắn cắn dài được. Phải chấp nhận đầu tư một lần là xong luôn. Chỉ có đến thế hệ sau mới thấm thía cái sáng suốt của các bác mà thôi.
QM.