Ông Jan Wassenius

Trao đổi với Báo BĐVN, ông Jan Wassenius, Tổng Giám Đốc Ericsson Việt Nam cho rằng, các nhà mạng Việt Nam chưa khai thác hết tiềm năng của 3G; và năm 2015 mới là thời điểm phù hợp nhất để triển khai mạng 4G.

Theo ông, thời điểm nào là phù hợp nhất để Việt Nam có thể triển khai được mạng 4G?

Với mạng 3G hiện tại, khả năng đáp ứng của các nhà mạng lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế của người sử dụng. Hiện số lượng người dùng 3G ở Việt Nam vẫn còn rất ít, vì vậy cần phải tăng trưởng nhiều hơn nữa. Chỉ lúc nào mà lưu lượng 3G tăng lên rất cao và nhu cầu của người sử dụng lớn thì chúng ta mới có thể triển khai được mạng 4G.

Nếu trung bình mỗi năm, lượng dữ liệu truyền qua mạng 3G tăng lên gấp đôi, đến năm 2015 sẽ là thời điểm thích hợp nhất để triển khai mạng 4G vì dung lượng các nhà mạng hiện tại khá lớn và có thể đáp ứng tốt nhu cầu người dùng. Mặc dù vậy, tôi cũng không loại trừ khả năng, số lượng người dùng mạng 3G có sự gia tăng đột biến thì thời gian có mạng 4G sẽ sớm hơn, khoảng năm 2013-2014.

Việc lựa chọn băng tần nào cho LTE (4G) hiện còn nhiều tranh cãi. Các nhà mạng châu Âu thiên về việc lựa chọn 1800 MHz là băng tần chính cho dịch vụ LTE nhưng băng tần 1800 MHz ở Việt Nam đang được sử dụng cho mạng GSM. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Đúng là mạng LTE có thể triển khai trên nhiều băng tần khác nhau như băng tần 700 MHz, 1800 Mhz hay 2600 MHz. Hiện Ericsson đang làm việc với Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) để thống nhất xem nên sử dụng băng tần nào. Ericsson cho rằng Việt Nam nên sử dụng chung xu hướng băng tần LTE với các nước khác trên thế giới để giảm đi chi phí thiết bị, chi phí đầu tư cho các nhà mạng.

Băng tần 2600 MHz đang là dải tần được sử dụng rất nhiều trên thế giới cho mạng LTE (Bộ TT&TT cũng đã quy hoạch băng tần cho 4G với các dải 2300 MHz cho đến 2600 MHz –PV). Mặc dù một số nhà mạng ở châu Âu đã sử dụng băng tần 1800 MHz cho mạng LTE của họ nhưng trong thời gian tới, các cơ quan quản lí tần số của mỗi nước sẽ phải ngồi lại với nhau để tìm được tiếng nói chung trên cơ sở băng tần 2600 MHz vẫn sẽ là băng tần chính cho mạng LTE.

Ảnh
Theo Ericsson, năm 2015 là thời điểm thích hợp để triển khai 4G. Ảnh: Thái Anh.

Mới đây, Ericsson đã phối hợp với Bệnh viện Tràng An, Bộ Y tế thực hiện thử nghiệm phương pháp chăm sóc sức khoẻ từ xa. Ericsson có định hợp tác với các nhà mạng ở Việt Nam để triển khai phương pháp này hay không, nhất là khi đang có rất ít ứng dụng trên mạng 3G ?

Ericsson đang tiến hành đánh giá, tổng kết và đề xuất hướng phát triển phương pháp này để phù hợp nhất với Việt Nam. Ericsson luôn mong muốn hợp tác với các nhà mạng để phổ cập rộng rãi phương pháp chăm sóc sức khoẻ từ xa trên cả nước

Trong quá trình thử nghiệm ở Bệnh viện Tràng An vừa rồi, Ericsson đã hợp tác với VinaPhone và MobiFone (VNPT), cụ thể, Ericsson cung cấp các giải pháp để thực hiện, còn thông tin truyền tải từ bệnh nhân đến bệnh viện cho các bác sĩ được thực hiện trên mạng 3G của VinaPhone, MobiFone.

Ở một số nước châu Âu hay mới đây tại Trung Quốc, các nhà cung cấp dịch vụ 3G đã phải sử dụng Wi-Fi để chống nghẽn cho 3G. Vậy, Ericsson có giải pháp nào để chống nghẽn cho 3G không, thưa ông?

Ericsson đang giúp các nhà mạng Việt Nam đo lường mức độ “khoẻ mạnh” của mạng 3G để phù hợp với số lượng truyền tải dữ liệu như thế nào. Kết quả cho thấy, công suất mạng 3G ở Việt Nam rất lớn, đủ để đáp ứng như cầu của người dùng và phải đến năm 2015, chúng ta mới cần đến mạng 4G.

Ericsson hiện đang cung cấp giải pháp HETNET để tăng dung lượng mạng khi bị nghẽn ở một khu vực nào đó, cụ thể, giải pháp này đặt một trạm nhỏ hơn (picocell, microcell hay Wifi) bên cạnh các trạm lớn để san sẻ dữ liệu và tăng hiệu năng đáp ứng.

Theo ICTnews




Bình luận

  • TTCN (0)