Số thuê bao điện thoại là thứ khó định nghĩa về giá cả. Mặc dù theo quy định hiện hành mọi số SIM đều có giá ngang nhau, nhưng với dân buôn và người mua, quy định này dường như trở thành vô nghĩa.
Quy trình biến SIM thường thành số đẹp
Ai cũng biết, số đẹp số xấu là do quan niệm từng người, nhưng khi một quan niệm được cả cộng đồng nhắc đi nhắc lại nhiều lần thì nó sẽ trở thành chân lí và từ đó hình thành nên những dãy số được mặc định là đẹp.
Trong cái ma trận định nghĩa SIM đẹp ấy, quy trình để biến những dải số từ xấu thành đẹp được chia làm nhiều bước với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau.
Đầu tiên những số SIM được phát hành đồng loạt theo dải tại nhà mạng, lúc này, SIM chưa có giá trị nào ngoài mức nhập phôi chỉ đáng 0,5 USD/phôi, tương đương với 10 ngàn đồng.
Sau đó, phòng kinh doanh nhà mạng căn cứ dải số được phép tung ra thị trường để gán cho lô SIM. Thời điểm này sẽ có sự góp mặt của các bộ phận định giá, làm gói cước cũng như phân bổ cho các đại lí cấp 1, cấp 2 các dải số.
Đây chính là thời điểm nhạy cảm bởi việc đồng ý bán dải SIM số này cho ai là chuyện quan hệ giữa nhân viên kinh doanh và đại lí tốt hay xấu. Một chủ đại lí cấp 1 của Viettel cho biết: "Nhập 10.000 SIM giá gốc mà chẳng có được một số nào ra hồn thì chẳng bằng chỉ nhập 1000 SIM nhưng có 1 số đẹp. Quan trọng là quan hệ với các 'cấp trên' của mạng di động đến đâu để 'đục lỗ' kho SIM thôi".
Theo đó, trung bình một lần phát hành SIM ra thị trường, sẽ có khoảng từ 500 ngàn đến 1 triệu SIM được đưa ra đại lí. Ngoài các số được quy định phải giữ lại dành cho đấu giá sung quỹ phúc lợi và từ thiện thì phần lớn sẽ được cung ứng cho các đại lí theo phương thức đến trước được trước. Nhưng cái khó của các đại lí là chẳng ai biết mình đến trước hay sau và điều này hoàn toàn phụ thuộc nhân viên kinh doanh.
Trong cái quy trình ấy, việc định giá SIM đẹp, SIM xấu sẽ bắt đầu và thường thì trong 1000 SIM phát hành theo dải sẽ có khoảng 100 SIM được coi là số đẹp với các thang bậc chia theo loại, tương ứng với mức giá từ 200 ngàn đến cả trăm triệu, thậm chí là tiền tỉ. Số còn lại sẽ là "SIM rác" và bán với đúng giá trị nhập vào, tương đương với mức 45 đến 60 ngàn tuỳ tài khoản và loại hình dịch vụ tích hợp trên SIM.
Cũng trong dải quy trình xuất và nhập SIM này xuất hiện những ngoại lệ về SIM đẹp. Bên cạnh những con số tứ quý, ngũ quý (4 hoặc 5 số cuối giống nhau) hay 6868 thì những định nghĩa kiểu... Việt Nam như "4078 - bốn mùa không thất bát", "1102 - độc nhất vô nhị" được giới dân buôn tạo ra nhằm nâng giá cho số SIM rác và bán với giá chênh thêm vài chục phần trăm.
Vậy là việc còn lại sẽ là tạo sóng, nâng giá và mở "đầu ra" cho những SIM đẹp cũng như xả hàng hàng loạt cho các SIM "rác".
'Thổi giá' SIM đẹp
Với sự vận hành một cách bài bản và chặt chẽ cùng sự "tiếp tay" của bộ phận kinh doanh các mạng di động, số SIM được định nghĩa là "đẹp" sẽ không phải chịu số phận nằm trong kho chờ đấu giá cho các quỹ từ thiện mà ngay lập tức được đưa ra thị trường.
Một tổ hợp gồm các dân buôn đầu cơ SIM sẽ đứng là thầu và làm giá cho từng SIM để tìm khách cũng như ăn chia phần chênh lệch sau khi đã chi trả hoa hồng cho nhân viên nhà mạng cũng như khấu hao các chi phí "ôm" cả dải SIM.
Theo Việt Hà, dân buôn SIM đã giải nghệ cho biết: "Một SIM đẹp khi ra thị trường sẽ được đẩy lên một mức giá nhất định tuỳ thuộc mức độ độc-đẹp của dải số. Sau đó, một đại lí sẽ đứng ra phát giá và các đại lí liên kết sẽ làm đầu mối tìm khách hàng ".
Khi tìm được một khách mua SIM, nếu khách chịu chơi sẵn sàng bỏ tiền mua ngay giá bán thì ngay lập tức đã sập giá giới dân buôn. Còn nếu khách là người có nghề thì dân buôn SIM sẽ có cách đẩy vòng vo để cuối cùng hoặc chấp nhận mức giá đặt ra, hoặc bỏ cuộc, nhưng thường thì tuỳ độ máu của khách mà "chặt chém".
Anh Đinh Hải, chủ SIM 09xx666666 tiết lộ: "Khi tôi rao bán SIM này thì đã đặt mức hơn 240 triệu, cuối cùng chỉ bán được ở ngưỡng hơn 200 triệu một chút. Nhưng chỉ vài hôm sau đã thấy có 'cò' rao ở giá 280 triệu. Vậy là giới dân buôn SIM đã có sự làm giá để ăn chênh ngay cả khi nhập lại hàng".
Thường thì mức giá đặt ra chưa phải giá bán ngay nhưng theo nhiều chủ cửa hàng thì nó sẽ không giảm nhiều, chỉ bớt 5,7 triệu gọi là lấy lộc. Các đầu số cổ, đầu đẹp, đuôi đẹp thì càng dễ làm giá, trong đó có thể kể đến các dải số 0913, 0903 hay 0983 của ba đại gia MobiFone, VinaPhone và Viettel.
Dường như có một điều chắc chắn rằng khách hàng sẽ không thể tiếp cận được SIM đẹp với giá gốc. Ngay cả đối với các dải SIM làm từ thiện trong các quỹ từ thiện của nhà mạng thì giới dân buôn, đầu cơ cũng có sự thao túng.
Các dân buôn này sẵn sàng bỏ ra số tiền cả tỉ đồng để "ôm" các số đẹp đã được lọc sẵn, chấp nhận đóng tiền cam kết duy trì trong 12 đến 18 tháng để rồi sau đó sở hữu trọn vẹn số đó và tung ra thị trường với giá "thổi" lên gấp 5, gấp 10 sau khi khấu hao chi phí.
Thậm chí, ngay cả việc đóng tiền cam kết hàng tháng cũng chưa chắc giới dân buôn SIM đã phải gánh bởi có nhiều ông chủ khôn lanh đã tính kế bằng cách cho thuê lại SIM số đẹp cam kết. Bằng cách này, cước phí hàng tháng họ sẽ không phải đóng trong khi chủ hợp đồng SIM kí với nhà mạng vẫn do họ đứng tên. Người thuê lại thường là những người cần SIM đẹp nhằm mục đích giao dịch tạm thời nên không mua đứt bán đoạn, từ đó tìm đến các đầu nậu để thuê lại.
Tính đến thời điểm này, cùng sự phát triển của các nhà mạng, có tới hàng chục triệu SIM số được coi là đẹp đang nằm trong tay các đại lí. Việc đẩy giá, mua đi bán lại các SIM đẹp với giá cao ngất hoàn toàn nằm ngoài tầm quản lí của nhà mạng, cũng như không có chế tài quản lí cụ thể nào đứng từ quan điểm của cơ quan quản lí thì mọi số thuê bao di động đều hưởng quyền lợi và trách nhiệm như nhau, cũng như bình đẳng về giá trị. Chính vì vậy, theo lời một dân buôn thì: "Ôm SIM cũng rủi ro như ôm đất, gặp khách, gặp thời thì lên, không thì cũng chết cả đống vốn, không quay vòng làm ăn gì được".
Theo VietNamNet
Bình luận