Cuộc chiến “hạ bệ” Apple vẫn tiếp tục diễn ra căng thẳng. Nguy cơ “đổ vỡ” của Apple càng trở nên dễ dàng hơn kể từ khi CEO Steve Jobs ra đi.
Sau khi Steve Jobs từ chức năm 1985, Microsoft mất 10 năm để đuổi kịp và vươt mặt “Quả táo” về các phát minh giao diện người dùng cũng như tính năng kĩ thuật trên Mac OS mà Jobs đã “thổi hồn” vào đó. Giờ đây “thầy phù thủy” Steve Jobs đã ra đi và Apple lại một lần nữa rơi vào thế mất lái trong cuộc đối đầu với các đối thủ cạnh tranh.
Mọi chuyện đã khác so với cách đây hơn 20 năm. Giờ đây, các đối thủ của Apple không chờ đợi đên 1 thập kỉ để “gây hấn”. Google, Amazon và Microsoft cùng các đối tác, như Intel, Samsung, HP, và Lenovo đang “dàn quân” bằng cách sản phẩm ấn tượng, hứa hẹn sẽ cạnh tranh mạnh mẽ với các sản phẩm “bom tấn” của hãng này là iPhone, MacBook Air và iPad.
“Thế ngôi” iPhone
Giới công nghệ đã thực sự bị thuyết phục bởi sức mạnh của Samsung trong 1-2 năm nay. Cầm Galaxy S II, Galaxy Nexus và nhiều điện thoại Android khác thì có thể thấy Samsung đang là mối đe dọa lớn nhất với iPhone. Samsung liên tiếp tung ra những mẫu điện thoại màn hình rộng hơn iPhone, thiết kế cũng nhẹ hơn và tốc độ xử lí nhanh ấn tượng.
Phiên bản mới của hệ điều hành Android, Ice Cream Sandwich, được đánh giá là “ngang ngửa” iOS về “vẻ đẹp” và tính tiện dụng. Ngoài ra, kho ứng dụng Android Market đang ngày trở nên “khổng lồ” với hơn 370.000 ứng dụng và gian hàng này đã chạm ngưỡng 10 tỉ lượt download trong vài ngày trước.
Về Apple, hãng này đang ngồi ở “chiếu trên” so với các đối thủ khác, và với iPhone 4S, chiếc điện thoại mới nhất của hãng, tính năng Siri được đánh giá là tính năng độc đáo nhất của Apple. Tuy nhiên, Siri là công ty mà Apple mua lại, và công nghệ nhận dạng giọng nói của Siri do công ty Nuance cung cấp. Trong khi đó, Android cũng có những ứng dụng tương tự và phần mềm TellMe của Microsoft cũng sẽ không “kém cỏi” trong thời gian tới.
Kể cả trước khi Android và Microsoft đuổi kịp Apple về chức năng “trợ lý” thì điện thoại Android cũng đã vượt iOS về doanh số. Ngôi vị của Apple trong cuộc chiến di động đang dần yếu ớt.
Cuộc cạnh đua giữa các laptop “siêu mẫu” ultrabook
Những chiếc máy tính siêu mỏng ultrabook chạy bộ vi xử lí thế hệ mới của Intel sẽ là “tâm điểm” của triển lãm CES sẽ diễn ra vào tháng 1 tới. Asus, Lenovo, Acer, Toshiba đều đã trình diễn những chiếc máy tính thế hệ mới của mình với những thiết kế không “kém cạnh” với MacBook Air của Apple.
Ultrabook của Asus - zenbook - có thiết kế sang trọng và thời trang với các phím bấm được làm từ kim loại. Zenbook thực tế đẹp hơn nhiều so với hình ảnh quảng cáo của Asus.
MacBook Air của Apple tiên phong với lối thiết kế mỏng manh và sang trọng. Tuy nhiên, thị trường máy tính năm 2012 sẽ là cuộc chạy đua giữa các ông lớn với những dòng ultrabook lịch lãm về thiết kế nhưng cấu hình mạnh mẽ.
“Vua” iPad nguy cơ “truất ngôi”
Máy tính bảng là hạng mục mà Apple hoàn toàn thống lĩnh thị trường, với 80% thị phần. Các đối thủ Android dường như không phải là “địch thủ” của iPad. Tuy nhiên, máy tính bảng Kindle Fire của Amazon được dự đoán sẽ vượt mặt iPad về doanh số trong năm 2012 bởi giá bán siêu rẻ - 199 USD. Amazon hi sinh bán Kindle Fire với giá rẻ để “kiếm bộn” từ những dịch vụ nội dung do hãng này cung cấp, như phim, ứng dụng, hàng hóa, sách…
Trong khi Kindle Fire đe dọa iPad từ phân khúc giá rẻ thì ở “tầm cao”, trên 500 USD, những chiếc máy tính “lai” giữa Ultrabook và Netbook với thiết kế xoay hay tháo rời màn hình, và chạy hệ điều hành Windows 8 Metro cũng sẽ bắt đầu cạnh tranh với iPad.
Dù vậy, iPad sẽ tiếp tục thống lĩnh thị trường năm 2012, nhưng sau đó “ngôi vị” của iPad sẽ bị lung lay bởi làn sóng Kindle Fire giá rẻ gây ra và cả những chiếc máy tính “lai” có đầy đủ tính năng.
Tất nhiên, Apple không thể “ngủ quên” trên chiến thắng. Ngay sau khi Steve Jobs, giới công nghệ đã rộ thông tin “thầy phù thủy” này đã lên kế hoạch về sản phẩm cho Apple trong 3 năm tới. Và Apple cũng đang “dàn quân” để tiến vào thị trường TV nhằm mở rông chiến lược kinh doanh của mình.
Tuy nhiên, công nghệ phát triển nhanh hơn chúng ta nghĩ và sẽ không mất quá nhiều thời gian để các đối thủ đuổi kịp Apple. “Dù thiết kế và phong cách vẫn là điều người dùng đánh giá cao, nhưng không phải người khởi xướng ra trào lưu là người thống lĩnh thị trường bởi ngay sau đó ý tưởng của bạn sẽ bị người khác sao chép một cách nhanh chóng”.
Theo Dân Trí
Bình luận