Hàng loạt chương trình phần mềm Việt trên Android Market xuất phát từ Việt Nam tự nhận của IPRO đang tiến hành “ăn cắp” tiền của người dùng bằng cách tự động gửi tin nhắn tới đầu số 8777, khi người dùng cài đặt vào máy.

Ảnh

Phần mềm free nhưng âm thầm thu tiền

Đa số các ứng dụng này đều là các bộ truyện tranh như Doremon, 7 Viên Ngọc Rồng, Thám tử lừng danh Conan, Tiếu Ngạo Giang Hồ, Siêu quậy Teppi, Tam Quốc Diễn Nghĩa và một phần mềm có tên gọi Nhạc Chờ...

Trên Android Market ghi rõ đây là các ứng dụng được cung cấp bởi IPRO, các ứng dụng lúc đầu ở phía dưới có ghi địa chỉ website upro.vn (là trang ứng dụng của Viettel), nhưng sau đó đổi tên lại thành IPRO, tuy nhiên vẫn để địa chỉ website khi link vào là upro.vn.

Ảnh
Thông tin về ứng dụng có phí 15.000 đồng, nhưng vẫn được cung cấp dưới dạng miễn phí

Trên các ứng dụng này đều ghi chú thích rằng người dùng muốn đọc hết bộ truyện sẽ phải bỏ ra 15.000 đồng khi cài vào máy (lúc tải về từ kho ứng dụng thì nó hoàn toàn miễn phí).

Điều đáng nói ở đây là rất nhiều người dùng đã phẫn nộ, bởi khi họ cài phần mềm này vào máy và mở ra, ngay lập tức nó sẽ tự động gửi một tin nhắn đến đầu số 8777 và tài khoản điện thoại bị trừ 15.000 đồng, mà chưa được phép của người dùng.

Thực tế, đây là một kiểu kinh doanh lập lờ của các công ty kinh doanh ứng dụng. Khi người dùng tải các phần mềm này, phần Permissions cũng có ghi các ứng dụng này sẽ tự động gửi các SMS khi cài vào máy, nhưng lại không nêu rõ tin nhắn sẽ được gửi đi đâu và tiền sẽ bị trừ như thế nào từ tài khoản của người dùng. Đồng thời không thực hiện thao tác hỏi người dùng xem họ có đồng ý để tin nhắn gửi đi hay không.

Theo như anh Vũ Hải cùng các thành viên khác của diễn đàn tinhte.vn, IPRO không phải là đơn vị duy nhất sử dụng hình thức kinh doanh “lập lờ” này trên kho ứng dụng Android Market. Rất nhiều đơn vị khác cũng sử dụng cách thức này để “ăn cắp” tiền của người dùng. Về cơ bản họ không vi phạm những quy định của Android Market, vì trong phần mềm đã ghi rõ về việc người dùng khi tải về và sử dụng đã xem như cho phép việc tự động gửi tin nhắn.

Chính vì thế, theo anh Vũ Hải, quản trị diễn đàn tinhte.vn, ở đây người dùng cần phải đọc kĩ phần Permissions của các ứng dụng, để xem nó sẽ tác động gì vào máy của mình trước khi tải về. Nếu gặp các phần mềm có dạng này tốt nhất là không nên tải về và kêu gọi mọi người tẩy chay nó.

Viettel bị mạo danh

Trao đổi với ICTnews, đại diện truyền thông của Viettel cho biết, đây không phải là ứng dụng của phía Viettel cung cấp và cũng không phải link website của Viettel.

Phía Viettel khẳng định, ở đây họ cũng chỉ là nạn nhân, bị phía cung cấp ứng dụng này lấy tên đặt cho tài khoản của mình, bởi Upro là thương hiệu nổi tiếng về game. Về bản chất, họ có thể lấy tên gì cũng được kể cả tên Viettel, Mobi. ..

Video cách ăn cắp tiền của phần mềm này - Thực hiện: Đức Trung

Về đầu số 8x77, phía Viettel cũng khẳng định đây đúng là CP của Viettel nhưng cũng là CP của cả các mạng khác nữa (một đầu số sẽ kí làm CP của tất cả các nhà mạng), nên không thể khẳng định nó thuộc về Viettel được. Đồng thời phía công ty cũng đã có công văn nghiêm cấm các CP tiếp tay cho dịch vụ này.

Theo tìm hiểu của ICTnews, hiện đầu số 8x77 đang thuộc về Công ty Cổ phần công nghệ và truyền thông Biển Xanh (Blue Sea), đây là một công ty đã từng bị Sở TT&TT TP. HCM phạt vì cung cấp các game không phép trên di động. Tuy nhiên, đây có phải các ứng dụng do công ty Biển Xanh cung cấp hay không, cũng chưa thể khẳng định rõ. Bên cạnh đó, hiện tại các ứng dụng được phản ánh ở trên cũng đã được phía IPRO tháo gỡ khỏi Android Market.

Thực hư ứng dụng “móc túi” khách hàng

khi xem thêm thông tin về phần Permission (quyền hạn) của ứng dụng trên Market App, sẽ liệt kê rõ ứng dụng có những khả năng can thiệp như thế nào vào thiết bị, như khả năng tự động gửi đi tin nhắn, thậm chí một số ứng dụng còn cho phép lưu lại thông tin các cuộc gọi trên máy. Những thông tin này được đăng tải một cách công khai, tuy nhiên lại rất ít người để ý và quan tâm.

Ảnh
Phần quyền hạn ghi rõ ứng dụng sẽ tự động gửi tin nhắn và thậm chí lưu lại thông tin cuộc gọi. Tuy nhiên, ít ai lại chú ý đến thông tin quan trọng này

Dù vậy, theo không ít phản ánh của nhiều người, đó chính là sự mập mờ từ phía nhà cung cấp giữa ứng dụng miễn phí và ứng dụng có thu phí. Dĩ nhiên, với 15.000 đồng cho một bản quyền ứng dụng không phải là một số tiền quá lớn, nhưng cái nhiều người không đồng tình chính là cách thức “móc túi” mà không được sự cho phép hay đồng ý từ phía người sử dụng, mà nhiều người gọi đó là một hành vi lén lút và không minh bạch.

Ảnh
Người dùng bức xúc trước sự thiếu minh bạch từ nhà cung cấp

Qua đây, một bài học đặt ra cho người dùng đó là hãy tìm hiểu kĩ trước những ứng dụng mình cài đặt và xem xét các quyền hạn của những ứng dụng này sau khi cài đặt và sử dụng trên máy. Trong khi bản thân Google khá thờ ơ với việc kiểm duyệt độ an toàn từ các ứng dụng được đăng tải và chia sẻ trên Market App, thì hơn ai hết, người dùng hãy tự bảo vệ mình, nếu không muốn mất tiền để… rước bực vào người.

Theo ICTnews, Dân Trí.




Bình luận

  • TTCN (1)
Sói Con  2

Sóc bay iMedia cũng là một ví dụ. Ngày xưa còn hay dùng nhưng bây giờ thì ko biết. Ngày xưa mà vào cái gì linh tinh, ví dụ như bình chọn hoặc tặng điểm gì gì đó, vừa vào chưa kịp xem gì, cũng chả có câu thông báo nào thì tin nhắn đã được gủi, tiền trong tài khoản đã bị trừ và tin nhắn hệ thống cũng báo về ngay lập tức.
Phần mềm trên đây có ghi bị trừ 15.000 còn rõ ràng một chút, chứ sóc bay thì chả có thông báo gì Smile