Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân.

Doanh nghiệp kêu nhân lực CNTT không đáp ứng nhu cầu. Nhà trường than doanh nghiệp đòi hỏi quá cao. Cơ quan quản lý nhà nước tìm cách gắn kết nhà trường - doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Ngân hàng Thế giới, một số doanh nghiệp phần mềm phải đào tạo lại khoảng 80-90% những sinh viên tốt nghiệp vừa được tuyển dụng trong thời gian ít nhất 1 năm. Chính Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng thừa nhận “chỉ khoảng 10% nhân lực CNTT Việt Nam đáp ứng được yêu cầu”…

Làm thế nào để nâng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực CNTT-TT, thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo và nhu cầu của thực tế? BĐVN đã đặt câu hỏi này với các nhà quản lý, các doanh nghiệp và các nhà trường tại Hội thảo Quốc gia về “Đào tạo nhân lực CNTT-TT đáp ứng nhu cầu xã hội” tổ chức ngày 10/1 tại Đà Nẵng.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân: “Không ai làm một mình được”

“Giải quyết vấn đề đào tạo nguồn nhân lực CNTT, nhà trường làm một mình không nổi, doanh nghiệp làm một mình không nổi, Chính phủ cũng không làm nổi mà 3 bên cần phải kết hợp lại để giải quyết.

Chuyện thiếu tiền trong đào tạo hiện nay không còn là vấn đề khó khăn nữa, các nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) cũng sẵn sàng hợp tác với chúng ta. Vấn đề là Nhà nước, doanh nghiệp, nhà trường gắn bó với nhau, có lộ trình và việc làm cụ thể thì tôi tin rằng sẽ có được những biện pháp thích hợp”.

Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở BCVT Đà Nẵng: “Gắn chặt chương trình đào tạo với yêu cầu thực tiễn”

“Tôi nghĩ trước hết phải đổi mới giáo trình, phải gắn chặt hơn nữa chương trình đào tạo với yêu cầu thực tế của CNpPM và ngành CNTT nói chung, làm sao đào tạo theo yêu cầu của thị trường. Nếu gắn kết hơn nữa yêu cầu của thị trường với nỗ lực đào tạo của các trường đại học thì tôi nghĩ sẽ cải thiện được tình hình.

Đổi mới trước hết là mô hình đào tạo, chương trình đào tạo, đổi mới phương thức đào tạo. Cũng phải đổi mới chính từ hạ tầng cơ sở kỹ thuật trong nhà trường và đổi mới từ người thầy. Lực lượng giáo viên trong trường đại học cần phải được đào tạo nhiều hơn nữa, cung cấp kiến thức nhiều hơn nữa để đáp ứng được yêu cầu thực tế”.

GS. TSKH Bùi Văn Ga, Giám đốc ĐH Đà Nẵng: “Doanh nghiệp và nhà trường chưa chủ động đến với nhau”

“DN với nhà trường hiện nay chưa có sự chủ động đến với nhau. DN chưa bao giờ đến đặt thẳng vấn đề với nhà trường rằng anh phải đào tạo các sinh viên như thế này, thế kia. Chúng tôi nghĩ các doanh nghiệp CNTT phải phối hợp với nhà trường, giúp chúng tôi đào tạo giai đoạn cuối cùng, hoặc là đào tạo bổ sung những kiến thức mà doanh nghiệp yêu cầu, giai đoạn đó chỉ cần chừng 3-6 tháng là đủ rồi.

Hiện nay, chúng tôi đang hợp tác với Intel, các công ty Nhật Bản. Các công ty Nhật Bản lập ngay một trung tâm đào tạo kiến thức bổ sung ngay tại ĐHBK Đà Nẵng. Ở đó, họ mời các giám đốc doanh nghiệp, các chuyên gia công nghệ tới giảng dạy cho sinh viên những kiến thức bổ sung, như văn hóa doanh nghiệp, kiến thức cho CNTT, các kỹ năng mềm… Họ đào tạo bổ sung như vậy thì mới dùng được ngay, còn nếu không thì khó mà sinh viên có thể dùng được ngay.

Giảng viên cũng phải liên tục được cập nhật kiến thức. Chúng tôi liên kết đào tạo với các trường ĐH ở nước ngoài, ở Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… để mời các giáo sư của họ qua giảng dạy, để giáo viên của mình luôn có được sự trao đổi và cập nhật kiến thức”.

Ông Thiều Phương Nam - Giám đốc kinh doanh khu vực, Công ty Intel Việt Nam và Đông Dương: “Intel đưa sinh viên ra nước ngoài thực tập”

“Giữa nhu cầu của các công ty đa quốc gia ở Việt Nam và kỹ năng của các em sinh viên trong trường đại học ở Việt Nam đúng là còn có khoảng cách. Có những thứ các công ty cần trong công việc như kỹ năng về tiếng Anh, kỹ năng giải quyết các vấn đề trong công việc, kỹ năng làm việc nhóm (teamwork)… thì các sinh viên không có. Nên hiện nay Intel đang làm việc với các trường ĐH để giảm khoảng cách đó, làm sao giúp các trường đưa ra được những cải tiến và bổ sung về mặt giáo trình.

Bên cạnh đó, khi tuyển dụng các sinh viên vào làm việc tại nhà máy của Intel, tùy theo tính chất công việc, chúng tôi sẽ đưa sinh viên đi đào tạo tại các nhà máy của Intel trong khu vực, nơi có đội ngũ kỹ thuật và chuyên gia có kinh nghiệm”.

Ông Phạm Thiện Nghệ, Tổng thư ký Hội Tin học TP. HCM: “Doanh nghiệp đòi hỏi quá cao, nhưng không chịu hỗ trợ đào tạo”

“Doanh nghiệp đôi khi đòi hỏi quá cao ở các sinh viên khi ra trường, nhưng không mấy khi có sự hỗ trợ cần thiết cho các nhà trường, chẳng hạn như ngại nhận sinh viên thực tập, không chịu “đặt hàng” cho nhà trường. Anh muốn có hàng tốt thì anh phải đặt hàng để người ta đào tạo cho anh.

Tôi cũng thấy hiện có một số doanh nghiệp hay tuyển người theo kiểu trừ hao, có nghĩa là mình tuyển ở trình độ cao hơn so với nhu cầu cho chắc ăn. Như vậy là lãng phí. Ví dụ, nếu một doanh nghiệp phần cứng cần tuyển một người lắp ráp máy tính thì anh đâu cần tuyển kỹ sư, mà chỉ cần tuyển trung cấp, cao đẳng, hay kỹ thuật viên thôi. Vì thế, phải thay đổi cách nhìn nhận mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp một cách cơ bản thì tôi nghĩ đào tạo nguồn nhân lực mới ngày càng tốt hơn được”.

Ông Trần Lương Sơn, Giám đốc Công ty phần mềm Vietsoftware: “Cốt lõi là vấn đề đầu tư”

“Chất lượng đào tạo hiện phụ thuộc rất nhiều vào chuyện đầu tư. Suất đầu tư cho một nhân lực CNTT hiện nay là quá thấp thì không thể có sản phẩm chất lượng cao được. Vì thế, theo tôi cốt lõi của chất lượng nguồn nhân lực là vấn đề đầu tư.

Nếu các trường đại học vẫn mang tư duy kiểu bao cấp thì không bao giờ ra được sản phẩm chất lượng tốt, mà cần tư duy như là một tổ chức doanh thì chất lượng mới lên được”.

TS. Nguyễn Việt Hải, Phó Hiệu trưởng ĐH Hải Phòng: “Đại học không thể đáp ứng được mọi thứ”

“Cần phải có sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường với doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đang sử dụng nhân lực CNTT, chính họ mới là người đưa ra yêu cầu và đặt bài toán cho các trường ĐH để đào tạo.

Doanh nghiệp phàn nàn chất lượng đào tạo nhân lực còn một khoảng cách khá xa so với thực tế là đúng, bởi nhiệm vụ của các trường ĐH là đào tạo CNTT không phải là đào tạo kiến thức dạy nghề, mà đào tạo kiến thức cơ bản thôi. Khi các sinh viên vào ngành nghề nào thì họ phải phát huy theo ngành, nghề đó. Ví dụ: Chúng tôi đào tạo một kỹ sư CNTT nói chung, nhưng khi họ vào ngành tài chính, ngân hàng, hay giao thông, sư phạm để dạy học… thì họ phải được đào tạo bổ sung ngành nghề đó. Chứ còn ĐH không thể đào tạo đáp ứng được mọi thứ, chỉ có đào tạo cơ bản thôi”.

TS. Phan Trung Viên, Phó Hiệu trưởng ĐH Bà Rịa – Vũng Tàu: “Tăng gấp đôi thời lượng học ngoại ngữ cho sinh viên”

“CNTT gắn rất chặt với ngoại ngữ. Nếu một sinh viên CNTT có trình độ ngoại ngữ hạn chế thì rất khó khăn trong trao đổi tài liệu cũng như hoạt động nghề nghiệp sau này. Vì thế, hiện chúng tôi đang nghiên cứu để có thể tăng cường thời lượng học ngoại ngữ của sinh viên lên gấp đôi khung hiện hành của Bộ, để sinh viên có thể đạt trình độ tiếng Anh điểm TOEFL khoảng 500 điểm. Nếu sinh viên không đạt thì sẽ không được ra trường”.

(Theo ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)