Steven Mills: Đối với những người trẻ, những sinh viên Việt Nam, họ đang có cơ hội có một không hai tham gia vào cơ hội toàn cầu ngay tại địa phương, ở chính Việt Nam.

Ngay sau buổi nói chuyện với các sinh viên tại trường ĐH Bách Khoa sáng 14/1, ông Steven Mills, Phó chủ tịch cấp cao của IBM kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn phần mềm IBM đã có cuộc trả lời phóng vấn với VNN về những triển vọng của ngành công nghiệp phần mềm đang chờ đón thế hệ trẻ Việt Nam, cùng những dự định của IBM tại thị trường phần mềm đầy tiềm năng này. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

VNN: - Thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay đặt kỳ vọng sẽ trở thành những công dân toàn cầu, nắm bắt những cơ hội phát triển trên toàn cầu. Ông đánh giá thế nào về điều này và lời khuyên gì giúp các bạn trẻ Việt Nam thực hiện mơ ước đó?

Steven Mills: Điều quan trọng nhất trong tương lai là trở thành có kỹ năng và kiến thức. Đây là hai nhân tố cần thiết để một người để làm tốt công việc, để thành công, để có thể gặt hái lợi ích trong cuộc sống. Họ cần biết rõ mình biết gì và mình đang đứng ở đâu. Đối với những người trẻ, những sinh viên Việt Nam, họ đang có cơ hội có một không hai tham gia vào cơ hội toàn cầu ngay tại địa phương, ở chính Việt Nam.

VNN: - IBM đã có 1 trung tâm dịch vụ toàn cầu ở TP HCM, trong đó sử dụng hơn 200 lao động Việt Nam và đảm bảo đào tạo họ thành những chuyên gia đạt tiêu chuẩn IBM toàn cầu. Và tôi cũng biết, IBM vẫn tiếp tục thực hiện các kế hoạch hợp tác về đào tạo nguồn lực CNTT cho Việt Nam, chẳng hạn như buổi ký kết hôm nay tại ĐHBK HN. Vậy, xin cho biết những triển vọng đầu tư của IBM vào Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực CNTT cấp toàn cầu?

Steven Mills: - Chúng tôi chỉ mới bắt đầu triển khai trung tâm dịch vụ toàn cầu ở Việt Nam từ năm 2007. Từ đó đến nay, chúng tôi cũng mới tuyển dụng khoảng hai trăm người làm việc tại trung tâm này. Đó là những bước khởi đầu lớn. Việc đào tạo của chúng tôi nhằm tiếp tục chuẩn bị nhân lực cho những năm 2008, 2009, phụ thuộc vào mức độ mở rộng hoạt động.

Chúng tôi cũng có kế hoạch thành lập chương trình đào tạo, dự kiến thu hút khoảng nghìn người tham gia, là một phần của trung tâm này. Những người tham gia học có cơ hội tập trung ở nhiều lĩnh vực dịch vụ cung cấp cho khách hàng, một số tình huống trong công việc điều hành quản lý, trực tiếp xây dựng phát triển phần mềm, góp phần xây dựng thế hệ mới giúp điều hành và phát triển ngành này.

Chúng tôi đang thúc đẩy nâng cao năng lực tại Việt Nam, quốc gia được đánh giá sẽ tiếp tục phát triển rất nhanh trong vòng 2 năm tới.

VNN:- Là 1 chuyên gia về phần mềm, ông đánh giá thế nào về lĩnh vực phần mềm tại Việt Nam và những tiềm năng phát triển của nó?

Steven Mills: - Cơ hội để Việt Nam tham gia vào dịch vụ công nghệ thông tin và phát triển phần mềm không hề hạn chế. Thị trường vẫn tiếp tục tìm kiếm các kỹ năng trong nhiều lĩnh vực. Những người có kỹ năng vẫn có nhu cầu lớn.

Điều quan trọng với Việt Nam được nhấn mạnh trong chương trình kí kết với ĐH Bách khoa Việt Nam là tập trung vào một số kỹ năng cụ thể chúng tôi cho là cần thiết và giá trị trong nâng cao năng lực sản xuất phần mềm, khả năng tạo dựng ứng dụng khác thường trong các dạng thức khác nhau, các kiến thức hiệu quả cho công việc, tactic skill, modelling skill, những cấu trúc có thể tạo nên giá trị tăng thêm rất lớn.

Tập trung xây dựng những những kỹ năng tạo giá trị tăng thêm lớn sẽ đáp ứng yêu cầu lớn hiện nay. Tôi tin với sự phát triển của công nghệ thông tin hiện nay, việc cung cấp các kỹ năng này tại bất cứ điểm nào trên toàn thế giới là hoàn toàn có thể.

Trên thực tế, chúng tôi đang làm việc này đối với các khách hàng của mình, cung cấp dịch vụ toàn cầu, và phát triển những công nghệ phức tạp và tinh tế cho các khách hàng trên toàn thế giới, tạo lập các công nghệ ngay tại địa phương. Tại châu Á, hàng nghìn chuyên viên thiết kế cùng phối hợp tạo nên sản phẩm, để cùng với các chuyên viên ở Mỹ, châu Âu tạo nên sản phẩm cuối cùng đến tay khách hàng.

Sản phẩm cuối cùng này là kết quả kết hợp khả năng trên toàn thế giới. Việc kỹ năng đó nằm ở khu vực địa lí nào không còn quan trọng. Điều quan trọng là họ có các kỹ năng nào. Các chuyên viên được nằm trong một cấu trúc và kết cấu đầy đủ đảm bảo tìm ra giải pháp cuối cùng mà khách hàng đang tìm kiếm.

Ảnh
Steven Mills trong cuộc nói chuyện với các sinh viên ĐH Bách Khoa HN.

VNN: - Các bạn trẻ Việt Nam cần tập trung vào những kỹ năng gì để phát triển kỹ năng phần mềm của mình, cũng như góp phần làm mạnh mẽ, phát triển ngành công nghệ phần mềm còn non trẻ của Việt Nam. Cụ thể, những bạn trẻ Việt Nam còn thiếu những kỹ năng gì?

Steven Mills: - Trong lĩnh vực cụ thể là phần mềm, kỹ thuật hiện đại trong sản xuất phần mềm cấu thành sự phát triển của ngành này hơn là dàn trải tất cả các kỹ năng. Những kỹ năng này đều được đào tạo theo chương trình hợp tác đã nêu ở trên. Những kỹ năng này sẽ tốt cho những người tham gia để có một vị trí tại đất nước này cũng như là cơ hội để triển khai dịch vụ toàn cầu. Trên thực tế, có những cơ hội bên ngoài Việt Nam: cơ hội học tập tại một trường ĐH nước ngoài cũng như có một vị trí ở bên ngoài.

Có lẽ, một trong những thách thức lớn nhất những sinh viên Việt Nam có thể phải đối mặt là xây dựng kiến thức ngành. Các công ty có thể tuyển dụng họ trong tương lai đòi hỏi những kiến thức về kỹ thuật ngành sản xuất đồng thời với các kiến thức được áp dụng như thế nào trong các hình thức kinh doanh khác nhau. Ví dụ như trong ngành ngân hàng, phải hiểu rõ quy trình liên quan đến dịch vụ tài chính, ngân hàng, công nghệ thông tin, các lĩnh vực khác nhau của sản xuất. Những điều này có giá trị cho khả năng: những cán bộ kỹ thuật có kĩ năng chuyên môn, và có hiểu biết nhất định về lĩnh vực kinh doanh, quy trình sản xuất.

VNN: - Như ông đã biết, Intel đã xây dựng 1 nhà máy lắp ráp tại Việt Nam hồi năm ngoái, và dư luận thế giới cho rằng, tiếp theo sau sẽ là sự đầu tư lớn của IBM vào thị trường Việt Nam. Và hôm nay, VietNamNet xin hỏi ông, IBM có những dự định đầu tư gì với thị trường Việt Nam không? Liệu IBM có giúp Việt Nam phát triển về lĩnh vưc phần mềm và công nghệ cao rất thành công của IBM hay không?

Steven Mills: - Lĩnh vực sản xuất - kinh doanh của Intel và IBM rất khác nhau. Họ yêu cầu có dây chuyền sản xuất lớn cho doanh thương của họ. Sản phẩm của họ tập trung vào mobile, các kỹ năng cao để phát triển phần mềm, cung cấp dịch vụ toàn cầu cho đối tượng khách hàng xác định. Chúng tôi thì khác.

Ảnh
Ông Steven Mills trao học bổng cho một sinh viên khuyết tật tại ĐH Bách Khoa HN.

Khi Intel quyết định đầu tư vào một quốc gia, họ đòi hỏi có một lực lượng lao động lớn để đảm bảo tham gia quy trình sản xuất. Đối với IBM, chúng tôi có xây dựng lực lượng lao động theo thời gian. Chúng tôi có vị trí mang tính hệ thống làm thể nào giữ cho lực lượng lao động luôn hoạt động hiệu quả nhất dựa vào từng dự án cụ thể.

Ví dụ, để phục vụ cho trung tâm dịch vụ toàn cầu ở Việt Nam, chúng tôi bắt đầu từ con số 0. Bây giờ, sau 1 năm, chúng tôi có khoảng 200 người. Và một tiềm năng hoàn toàn thực tế là con số này sẽ được nhân đôi nhiều lần với mong muốn phát triển theo thời gian hoạt động, khi trung tâm này gặt hái được những thành công tại Việt Nam.

Vị trí của chúng tôi khác nhau, nên các bạn không thể trông chờ một tuyên bố lớn từ IBM như Intel đã làm. Từ phía IBM, chúng tôi từng bước tăng mạnh vai trò của mình tại Việt Nam.

Tại Việt Nam, chúng tôi tập trung vào khả năng cung cấp dịch vụ toàn cầu. Không chỉ tập trung vào nền kinh tế toàn cầu, chúng tôi còn có lợi ích trong việc bản thân nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển như thế nào đáp ứng yêu cầu khách hàng, khả năng những kỹ năng ở bên ngoài Việt Nam có thể làm việc tại Việt Nam, tập trung mạnh vào các dịch vụ tài chính. Chúng tôi có thể đầu tư nhiều hơn vào dịch vụ tài chính, ngành ngân hàng tại Việt Nam, giúp Việt Nam tạo ra một thế hệ mới có đầy đủ kiến thức về ngân hàng mà thế giới muốn khai thác.

Chúng tôi tập trung nhiều hơn vào công nghệ thông tin, ngành có vai trò quan trọng trong phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật của Việt Nam. Chúng tôi cũng tập trung vào các dự án liên quan đến Chính phủ. Chính phủ có vai trò quan trọng trong cung cấp các dịch vụ bên trong Việt Nam. Chính phủ có lợi ích trong việc mở rộng các chương trình Chính phủ, nâng cao khả năng của Chính phủ trong cung cấp các dịch vụ trực tuyến.

Đó là những ưu tiên của IBM trong năm 2008. Những đầu tư của chúng tôi sẽ tập trung vào các chương trình này.

Ảnh
"Sức mạnh cạnh tranh của Việt Nam trên thị trường nhân lực phần mềm sẽ không nằm ở giá nhân công mà ở kỹ năng lao động".


VNN:- Chúng tôi không có ý so sánh Intel và IBM, mà, điều quan trọng VietNamNet muốn đặt ra là, theo nhìn nhận của IBM, Việt Nam có thật sự là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư hay không và IBM có dự định đầu tư như thế nào vào thị trường tiềm năng này?

Steven Mills: - Intel cũng là một mô hình sản xuất kinh doanh ở Việt Nam với việc xây dựng nhà máy lắp ráp trên cơ sở chi phí lao động thấp... Trong khi đó, viễn cảnh của chúng tôi tập trung nhiều hơn vào kỹ năng. Giá nhân công của tất cả các nền kinh tế đang nổi đều tăng lên. Giá nhân công Việt Nam cũng vậy, có thể tăng lên. Lợi ích của Việt Nam nằm ít ở nhân công giá rẻ trong ngắn hạn mà tập trung ở cơ hội nhân công kỹ năng trong dài hạn, là cơ hội cung cấp khả năng cho khách hàng trên thế giới, trong khu vực, và có thể là một cơ sở mang tính toàn cầu.

Chúng tôi đầu tư vào một quốc gia bởi lẽ quốc gia đó có những cơ hội trong chính bản thân mình để phát triển. Và chúng tôi hiểu rằng giá nhân công sẽ tiếp tục lên. Vấn đề là cần có giáo dục đào tạo để tạo ra những lao động kỹ năng mà chúng tôi cần, và Chính phủ áp dụng những chính sách đúng đắn trên thực tế tại thời điểm này để xây dựng cấu trúc kĩ năng sâu cho đất nước. Mối quan tâm của chúng tôi khi làm ăn ở Việt Nam mở rộng sức cạnh tranh của Việt Nam không ở giá nhân công mà ở kỹ năng lao động.

VNN:- Xin trân trọng cảm ơn ông đã dành thời gian trả lời cuộc phỏng vấn đầu tiên của mình tại Việt Nam.

Theo VNN



Bình luận

  • TTCN (0)