Sau khi Chính phủ có nghị định ủng hộ việc phát triển game thuần Việt và game giáo dục không lâu, thị trường game trực tuyến đã có những chuyển biến tích cực, mở ra xu hướng phát triển game trực tuyến lành mạnh ở Việt Nam.
Ước tính trong khoảng 60 game đang lưu hành, mặc dù game nhập vai mang tính chất hành động hiện vẫn chiếm tỉ trọng lớn nhưng cũng đang dần xuất hiện các loại hình mới như webgame, social game, game giáo dục.... Tỉ lệ game nội cũng đang tăng dần. Điều đó cho thấy thị trường game trực tuyến đang có nhiều biến chuyển, game được phân loại dần cho những đối tượng chuyên biệt. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây, game giáo dục trực tuyến, loại game được đánh giá rất có tiềm năng, đã bắt đầu manh nha và tìm được chỗ đứng cho mình.
Được mong chờ
Theo một chuyên gia, sở dĩ mảng game giáo dục trực tuyến vốn được xã hội mong chờ nhất này trước đây doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư vì họ quan tâm nhiều hơn đến những lợi ích kinh tế ngắn hạn. Tuy nhiên nhu cầu game giáo dục trực tuyến ngày càng hiện hữu và gia tăng từng giờ.
Dưới góc độ nhà quản lí, ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ trưởng Vụ CNTT (thuộc Bộ TT&TT) cho biết, Bộ rất ủng hộ việc sản xuất game trực tuyến thuần Việt, đặc biệt game mang tính giáo dục và văn hóa. Nhà nước sẽ ưu đãi miễn thuế bốn năm đầu và ưu đãi ở những năm tiếp theo cho nhà sản xuất.
Còn thầy Nguyễn Bá Bình, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội lí giải, xét về mặt tâm lí học, những người hoạt động tập trung trí não nhiều như các em học sinh thì rất cần có lúc giải trí để giảm bớt căng thẳng. Game giáo dục là giải pháp tốt giúp các em vừa giải tỏa được căng thẳng, mệt mỏi sau giờ lên lớp, vừa giúp các em phát triển tâm hồn, đảm bảo kết quả học tập và thâu nhận thêm các kiến thức ngoài sách vở.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Khảo thí Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, cho rằng nếu game giáo dục phát triển được, sẽ góp phần giành lại một bộ phận giới trẻ đang mê muội trong thế giới ảo, giúp họ vừa chơi vừa chiếm lĩnh được tri thức.
Đã nhiều năm thiếu vắng và mệt mỏi với quá nhiều thông tin tiêu cực về game đen trên mặt báo, cả học sinh và phụ huynh đều nóng lòng chờ đợi một làn gió game mát lành.
Những người tiên phong
Sau thời gian dài chú trọng những game võ thuật, mới đây VNG bắt đầu chuyển hướng sang game giáo dục trực tuyến với sản phẩm đầu tay là Vương quốc chuột chũi. Đây là game trực tuyến dành cho trẻ em từ 6-12 tuổi. Sau một thời gian ra mắt, game nhí có gốc từ Trung Quốc này được chào đón khá tích cực.
Bên cạnh mảng game dành cho thiếu nhi, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn tiến vào phần chính của thị phần này là game giáo dục trực tuyến dành cho lứa tuổi học sinh – sinh viên vốn đang trong tình trạng "trắng game". Trong số đó, có những đơn vị như Egame dám đặt mục tiêu theo đuổi lâu dài mảng game giáo dục với số vốn đầu tư 32 tỉ đồng để phát triển game giáo dục trực tuyến dành cho học sinh – sinh viên.
Theo thông tin mới nhất từ nhà sản xuất này, sau 4 năm chuẩn bị, sản phẩm mà Egame đang sản xuất đã hội tụ những phẩm chất của một game trực tuyến thực thụ, kết hợp được những thành tựu của cả công nghệ game, giáo dục và giải trí. Hiện nay, sản phẩm này vẫn đang trong quá trình test nhưng đã được đón nhận và đánh giá tích cực.
Ông Nguyễn Ngọc Thủy, Tổng giám đốc Egame, cho rằng đối với một lĩnh vực vừa khó vừa mới như game giáo dục trực tuyến, hầu như doanh nghiệp phải tự "dò đá qua sông". Có thời điểm game làm ra nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu xã hội, nhà sản xuất này đã phải mạnh tay gạt bỏ hoàn toàn và làm mới. Tuy nhiên, Egame vẫn kiên trì theo đuổi để tạo ra bằng được một game giáo dục trực tuyến đúng nghĩa và hấp dẫn.
Theo một chuyên gia, từ kinh nghiệm của Egame cho thấy việc đầu tư phát triển game giáo dục không thích hợp với doanh nghiệp hướng tới bài toán kinh tế ngắn hạn và đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích xã hội. Muốn khởi sắc thực sự, thị trường game giáo dục trực tuyến cần những đơn vị mạnh dạn đột phá.
Đánh giá về sự khởi sắc của game giáo dục, ông Nguyễn Duy Kha cho biết Bộ GD&ĐT đang khuyến khích đổi mới phương pháp dạy học, tăng sự tương tác giữa người học và người truyền thụ kiến thức, đồng thời có những cách thức mới bổ trợ cho phương pháp dạy và học truyền thống. Ý tưởng game giáo dục rất phù hợp với cuộc vận động đổi mới này của Bộ.
Từ góc độ là một nhà giáo, Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng Trường PTDL Lương Thế Vinh khẳng định đây là một hình thức giáo dục mới tích cực, có tính thực tế chứ không chỉ là những lời giáo huấn suông, tuyên truyền suông. Khi nhận ra lợi ích thực sự cho mình thì các học sinh sẽ chủ động tham gia.
Còn nhiều việc phải làm
Để phát huy và đi vào đời sống, đòi hỏi trò chơi giáo dục trực tuyến phải thực sự hấp dẫn. Ông Kha cho rằng không thể kì vọng đưa một khối lượng kiến thức lớn vào các trò chơi giáo dục mà chỉ nên đưa những nội dung giáo dục hết sức nhẹ nhàng thì mới hấp dẫn được. Đồng tình với ông Kha, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT Lưu Vũ Hải cho rằng, game giáo dục muốn hấp dẫn phải phù hợp với tâm sinh lí và nhu cầu giải trí của người chơi, trên cơ sở đó lồng ghép nội dung mang tính chất giáo dục một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, với hàm lượng vừa phải. Còn ông Nguyễn Trọng Đường, Vụ Trưởng, Vụ CNTT, Bộ TT&TT thì băn khoăn game giáo dục sẽ khó đưa vào cuộc sống, khó xây dựng được một cộng đồng “chơi mà học” trên mạng nếu nhà cung cấp không có những biện pháp khác ngoài việc phát triển nội dung game. Nên chăng tổ chức những cuộc thi các môn học trên game, tổ chức cộng đồng người chơi hướng tới các hoạt động hữu ích phục vụ việc học và giúp đỡ nhau tiến bộ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Thủy, game giáo dục trực tuyến xét về lâu dài sẽ là một game dài hơi và được cập nhật liên tục những tính năng mới hấp dẫn. Trong ngắn hạn, mức độ hấp dẫn trực tiếp của game giáo dục có thể không được đánh giá cao bằng các game võ thuật nhưng lại có lợi thế hấp dẫn trong dài hạn nên chắc chắn sẽ nhận được sự đón nhận của người chơi.
Sự khởi sắc của game giáo dục là một điều đáng mừng, không những giúp ngành game tăng trưởng mạnh hơn và lấy lại hình ảnh đẹp trước cộng đồng mà còn đóng góp những giá trị tích cực cho giáo dục và xã hội. Rất có thể lần đầu tiên những khía cạnh nhân văn của game thực sự được tỏa sáng.
Theo ICTnews
Bình luận
Hay đấy,nhưng mà mấy game ấy chẳng có nhiều người chơi,game vẫn là game,các gamer chẵng ai thèm quan tâm đâu,nhất là vắn đề giáo dục.Chẳng có đứa nào thèm chơi cả,dù có thì cũng là mấy đứa con nít dưới 16 tuổi thôi.:))