Đề xuất ý kiến cho Chương trình quốc gia phát triển CNTT đến năm 2020, Liên danh C3S-DTT, đơn vị tư vấn chính sách cho Bộ TT&TT cho biết xã hội nên có cái nhìn thoáng hơn về trò chơi điện tử chứ không chỉ ở phía cạnh tiêu cực.
Theo đơn vị tư vấn chính sách này cùng với chế tạo phim hoạt hình, đây là thị trường trị giá hàng trăm tỉ USD/năm trên thế giới và còn nhiều tiềm năng.
Ở Việt Nam, đây là lĩnh vực có những hoạt động khởi sắc trong thời gian 5 năm trở lại. Các kết quả khả quan thu được là ở các thị trường trong nước với các hướng phát triển phục vụ giáo dục, đào tạo (đào tạo từ xa), kinh tế (các hệ thống thương mại điện tử), văn hóa (phát triển các trò chơi, các mạng xã hội).
Tuy nhiên, do những bất cập về cơ chế cũng như nhận thức, phát triển nội dung số trong nhiều lĩnh vực tiềm năng của nước ta như giáo dục, văn hóa, y tế, nhà nước vẫn còn rất nhiều hạn chế.
Để xâm nhập và có chỗ đứng trên thị trường quốc tế ở lĩnh vực có nhiều tiềm năng này, theo nhóm tư vấn phải vượt qua nhiều trở ngại, trước tiên là rào cản ngôn ngữ và kĩ năng làm việc chuyên nghiệp. Thị trường nội dung số cho quốc tế, không hoàn toàn, nhưng phần lớn là không đòi hỏi đội ngũ lao động có trình độ kĩ thuật thật cao. Đây cũng có thể là khoảng trống (gap) trong thị trường nội dung số quốc tế.
Hướng đi tích cực cho các doanh nghiệp CNTT quan tâm đến lĩnh vực trò chơi điện tử là làm ra những sản phẩm có chất lượng và tính giáo dục cao như: nâng cao khả năng xã hội của trẻ em, nâng cao năng lực tư duy, lập luận, nâng cao khả năng cùng làm việc theo nhóm, nâng cao khả năng chia sẻ, nâng cao khả năng cạnh tranh, thi tài lành mạnh.
Theo ICTPress
Bình luận