Thời gian gần đây, rất nhiều câu chuyện của các blogger đã thu hút sự quan tâm của báo chí. Không ít blogger đã dùng phương tiện này để chỉ trích người khác, thậm chí đưa hình ảnh, video riêng tư của cá nhân lên. Về cách phát tán thông tin theo hình thức này, TS Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng cục CNTT bộ GDĐT cho biết, rất khó kiểm duyệt và phụ thuộc vào ý thức người sử dụng Internet. Bên cạnh đó, một số báo chí khi đưa tin về những sự việc đó lại không biết điểm dừng, vô hình chung làm tình hình càng rối thêm.
Về phía nhà cung cấp dịch vụ, nếu họ ở trong nước thì có thể yêu cầu chủ nhân phải cam kết chịu trách nhiệm về thông tin, nhưng với các website nước ngoài thì điều đó không thể. Thứ trưởng bộ TTTT Đỗ Quý Doãn cho biết, bất kỳ lĩnh vực gì cũng đều cần có sự quản lý. Và cần hiểu quản lý không có nghĩa là nghiêm cấm, thắt chặt mà là tạo điều kiện cho phát triển. Luật Báo Chí sửa đổi tới đây sẽ không có nội dung quản lý blog vì nếu đưa vào luật thì vô hình chung đã công nhận blog là một loại hình báo chí.
Theo ông Nguyễn Trí Dũng, phó cục trưởng cục Báo Chí bộ TTTT, một số báo chí đang làm cho công chúng ngộ nhận và lầm tưởng Nhà Nước chưa có quy định pháp luật để điều chỉnh những hành vi vi phạm pháp luật đang xảy ra với một số blogger. Trong khuôn khổ luật pháp hiện hành, những vụ việc đang diễn ra hoàn toàn có thể được điều chỉnh theo các quy định của Luật Dân Sự, Luật Hình Sự, Luật Giao Dịch Điện Tử và các nghị định liên quan. Với hàng triệu blog hiện có và sẽ còn gia tăng với tốc độ nhanh trong thời gian tới thì liệu có thể kiểm tra được nội dung của từng blog trước khi cho qua cổng thông tin quốc gia hay không?
Cục Báo Chí đang cùng với các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu khả năng xây dựng một văn bản pháp quy tạm thời cho việc quản lý nội dung thông tin trên blog. Việc mới chỉ là "khả năng" vì đây là một vấn đề mới, phức tạp và chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm. Thực tế không thành công của Trung Quốc, Malaysia và mới đây là Singapore cho thấy Việt Nam cần có thêm thời gian để nghiên cứu thấu đáo hơn. Mục đích cuối cùng là nhằm tạo điều kiện để phát triển blog, mặt khác đảm bảo mọi hoạt động của các blogger tuân thủ chế tài pháp luật hiện hành.
Tại một hội thảo về blog được tổ chức ở TP.HCM, blog đã được coi là một phương tiện trong hoạt động kinh doanh, nghiệp vụ. Thông qua blog, nhiều cá nhân và nhà tuyển dụng đã tìm kiếm cơ hội làm việc với nhau. Một số nhà tuyển dụng, đặc biệt là về các dịch vụ trực tuyến đã chính thức thông báo về nhu cầu tuyển dụng blogger vào làm việc với những điều kiện rất thoáng. Theo các chuyên gia tư vấn về lao động việc làm, việc tuyển người qua blog hoặc tuyển blogger cho công ty tuy chưa thực sự mạnh hay rộng khắp, nhưng đã cho thấy những dấu hiệu tích cực và đang ngày một nhiều thêm. Trong tương lai không xa blog sẽ thực sự là một kênh tuyển dụng và là một công việc thu hút lao động.
Hiện tại, nhiều nghệ sĩ, nhà khoa học cũng thiết lập blog để làm nơi giao tiếp với bè bạn, cộng đồng. Tại TP.HCM, một nhạc sĩ đã sử dụng kênh thông tin này để phổ biến tác phẩm mới của mình và đó là cách làm trái với các quy định về phổ biến tác phẩm âm nhạc, nhưng ngành VHTT không thể đứng ra xử lý vì thông tin trên mạng nằm ngoài chức năng, quyền hạn của họ. Riêng với các nhà văn thì đây chính là kênh thông tin mới rất có giá trị để công bố tác phẩm của mình đến công chúng. Điều đó đã khiến giới nhà văn tại TP.HCM phải tổ chức hội thảo. Dù còn tranh luận nhiều nhưng các đại biểu đều thống nhất hiện nay blog đang trở thành một kênh sáng tác của nền văn học Việt Nam nên rất cần được quan tâm, nâng cao chất lượng, hạn chế tiêu cực.
Tuy nhiên, với khả năng lan tỏa toàn cầu, việc đưa thông tin lên blog cần cân nhắc, suy nghĩ cho kỹ. Như thế, xây dựng văn hoá blog chính là một việc phải làm và không ai khác, trước tiên chính là cộng đồng blogger và các nhà cung cấp dịch vụ phải định hướng giúp họ.
(Theo TGVT)
Bình luận