Việc lừa đảo người dùng nạp tiền điện thoại không còn mới, nhưng nó đang trở nên tinh vi hơn. Bên cạnh việc các nhà mạng đang dùng các biện pháp ngăn chặn, người dùng cần cẩn thận khi nhận được những tin nhắn lừa đảo này.
Chiêu lừa đảo không mới
Việc ông Hà Phi Ngọc, người dân tộc Thái tại Nghệ An bị lừa đảo trúng thưởng xe SH và mất 25 triệu đồng tiền thẻ nạp hay anh Mạnh tại Đà Nẵng, sử dụng số điện thoại của nhà mạng MobiFone bị lừa 6,2 triệu đồng cũng qua việc nhắn tin trúng thưởng không phải là mới. Tuy nhiên, hình thức lừa đảo đang được thực hiện ngày càng tinh vi hơn. Trường hợp của ông Ngọc, theo đại diện các nhà mạng, các đối tượng lừa đảo đã chuyển sang tấn công vào người dùng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, ít được tiếp cận thông tin. Còn với anh Mạnh, thay vì sử dụng một số điện thoại thông thường nhắn tin như nhiều trường hợp lừa đảo trước đây, lần này bọn lừa đảo đã dùng chiêu thức sử dụng phần mềm giả số điện thoại tổng đài 18001090, để thực hiện hành vi lừa tiền của người dùng.
Cũng theo phản ánh của nhiều bạn đọc, gần đây họ nhận được nhiều tin nhắn trúng thưởng và số gửi tới đều hiện số điện thoại của tổng đài. Một số người sau khi nghe hướng dẫn phải nạp phí nhận thưởng thông qua thẻ cào từ tin nhắn đã phát hiện ra là hành vi lừa đảo nên không mắc bẫy, tuy nhiên một số khác đã bị mất tiền oan.
Theo tìm hiểu của báo BĐVN, phần mềm giả mạo số điện thoại mà các đối tượng lừa đảo đang dùng là SMS Touch, đây là phần mềm gửi tin nhắn qua Wi-Fi/3G, hiện tại nó được viết cho hệ điều hành iOS trên iPhone và bán trên Apple Store với giá 2,99 USD, giới hạn gửi được 10 tin nhắn. Nếu người dùng muốn gửi được nhiều hơn phải bỏ thêm tiền, chẳng hạn với 99,99 USD có thể gửi được 1.000 tin nhắn. Phần mềm này được rao bán trên nhiều trang rao vặt ở VN với 1000 tin nhắn giá 250 đến 300 ngàn đồng, 2.000 tin nhắn giá 550 ngàn đồng…
Bên cạnh các hình thức lừa đảo trên, từ đầu năm đến nay, nhiều hình thức lừa đảo nạp tiền qua điện thoại cũng đang nở rộ. Cụ thể, như chiêu lừa đảo nạp tiền qua web, người dùng nạp 200 ngàn tài khoản 2 triệu hay lừa đảo theo kiểu ăn cắp tài khoản yahoo của người dùng sau đó nhờ bạn bè trong list mua hộ card điện thoại. Ngoài ra, còn có hình thức kẻ lừa đảo giả đầu số tổng đài nạp tiền, sau đó thông báo cho nạn nhân là mình nạp nhầm, xin lại. Hay lập ra các fanpage trên mạng xã hội Facebook kêu mọi người đăng kí, xong nạp tiền điện thoại sẽ được hưởng khuyến mãi lớn…
Nhà mạng tích cực ngăn chặn
Theo bà Trần Thúy Hạnh, đại diện truyền thông của MobiFone, đối với các trường hợp bị lừa tin nhắn trúng thưởng xảy ra gần đây, phía nhà mạng đang phối hợp với cơ quan chức năng điều tra làm rõ. Trong quý 1/2012, phía MobiFone cũng triển khai hệ thống chặn cuộc gọi và tin nhắn lừa đảo mới. Nếu như trước đây, các hình thức chặn chỉ áp dụng được với cuộc gọi thì với hệ thống mới này sẽ phát hiện và sàng lọc để chặn tin nhắn giả mạo. Đại diện truyền thông MobiFone cũng khuyến cáo người dùng, khi nhận được tin nhắn theo dạng trên nên báo cho nhà mạng để phối hợp làm rõ có phải tin nhắn lừa đảo không? Phía VinaPhone cũng triển khai hệ thống chặn các số liên lạc tương tự số tổng đài của VinaPhone như 18001091, 9191… Đồng thời liên tục đưa ra các khuyến cáo cho người dùng, để họ có thể nhận biết và đề phòng các trường hợp lừa đảo như trên.
Theo ICTnews
Bình luận
Không nghe, không thấy, không biết!
Đó là suy nghĩ trong đầu của tôi trước những tin nhắn kiểu này! Và quan trọng hơn nữa, bạn phải làm cho sự tò mò của mình biến mất trước những tin nhắn kiểu này! Nếu có ai nhắn tôi trúng chiếc xe trị giá 1 tỷ đồng, tôi sẽ tò mò gọi điện thoại hỏi! Chứ cứ mất tiền khi không tìm hiểu kỹ thì ức lắm đó!