Biết đối thủ mạo danh game của mình nhưng nhà phát hành đành chịu, không có cách nào khiếu kiện do game họ đang phát hành cũng là game quốc tế phiên bản Việt.
Lùm xùm với Tam Quốc Truyền Kì
Game quốc tế phiên bản Việt là tên gọi dành cho những game được Việt hóa nhưng có máy chủ đặt nước ngoài, được phát hành ngược lại phục vụ game thủ trong nước. Những game này chưa có quy định về việc cấp phép do không có văn bản nào về quản lí game online đề cập đến vấn đề đó. Trong hoàn cảnh mà quy chế game online mới chưa ra mắt, những quy định về quảng bá và cấp phép còn gặp nhiều khó khăn, hình thức game này xuất hiện tại thị trường trong nước ngày càng nhiều.
Với hình thức phát hành như trên, thực tế đã nảy sinh ra nhiều vấn đề, trong đó việc cạnh tranh không lành mạnh là điều không thể tránh khỏi. Giữa trung tuần tháng 3/2012 vừa qua, đã xảy ra sự việc khiến làng game Việt trở nên “nóng”, liên quan đến thương hiệu game Tam Quốc Truyền Kì.
Tam Quốc Truyền Kì là một webgame chiến thuật được phát hành theo dạng game quốc tế phiên bản Việt tại thị trường Việt Nam từ năm 2011, thu hút rất nhiều game thủ tham gia và được xem như webgame chiến thuật thành công nhất trong làng game Việt năm qua. Nhưng oái ăm thay, vào giữa tháng 3/2012, trên thị trường bỗng xuất hiện thêm một game tự nhận là Tam Quốc Truyền Kì 2 với những lời quảng bá là phiên bản cập nhật của game Tam Quốc Truyền Kì, giống cả nhận diện thương hiệu... Chưa hết, đơn vị phát hành game này còn mạnh miệng tuyên bố người chơi có thể dùng tài khoản game Tam Quốc Truyền Kì để chơi được Tam Quốc Truyền Kì 2.
Tuy nhiên, thực tế đây là một webgame “mạo danh”, bởi đại diện nhà phát hành đang giữ bản quyền game Tam Quốc Truyền Kì cho biết, hoàn toàn không có sự liên hệ giữa hai game này, 2 game hoàn toàn khác nhau. Đây là một kiểu cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường.
Biết mạo danh nhưng đành chịu
Mặc dù biết đây là kiểu cạnh tranh không lành mạnh của đối thủ nhưng ngay chính những người đang sở hữu bản quyền cũng như thương hiệu game như Tam Quốc Truyền Kì đều không làm gì được, ngoài việc thông báo cho cộng đồng game thủ đang chơi game của mình.
Nguyên nhân chính là game họ đang làm theo dạng quốc tế phiên bản Việt, tức là không được cấp phép cũng như có sự thừa nhận của các cơ quan chức năng trong nước. Chính vì thế, các nhà phát hành khác hoàn toàn có thể làm tương tự họ, dẫn đến tình trạng mạo danh như ở trên. Và đây đang là một xu hướng được rất nhiều công ty có chủ ý thực hiện nhằm hút game thủ của những công ty sở hữu một số game đã nổi tiếng trên thị trường. Bởi với cách làm này, họ không cần truyền thông nhiều mà chỉ dựa vào danh tiếng của game đã có để tăng lượng game thủ về chơi game của mình.
Nhưng cách làm đó chính là “con dao hai lưỡi”, ngoài việc bị xem là cạnh tranh không lành mạnh thì khi game thủ tham gia chơi phát hiện ra nhà phát hành mạo danh để lừa họ vào chơi, họ sẽ rút lui. Thực tế, các game cạnh tranh kiểu này đều không thu hút được game thủ nhiều và sớm “chết yểu” trong thời gian ngắn.
Điều đáng nói ở đây là trong tình cảnh làng game đang gặp nhiều khó khăn ở phương diện quản lí như hiện nay, nhiều công ty phải tìm mọi cách để tồn tại chờ quy chế mới, liệu các công ty game có nên dùng phương thức cạnh tranh không lành mạnh như trên không? Cách làm này đang khiến cho ngành game trở nên lao đao và kém bền vững hơn, dùng thủ đoạn gian lận để kiếm tiền là cách làm khiến cho các công ty khác và cả game thủ đều mất lòng tin. Thay vì đưa ra hình thức gian lận đó, các công ty nên đưa ra những lựa chọn mới để tạo ra một hướng đi riêng cho hoạt động kinh doanh game của mình.
Theo ICTnews
Bình luận