"Nếu có cơ hội làm lại từ đầu, tôi vẫn quyết định tham gia Apple và cố hết sức thay đổi mối quan hệ với Steve Jobs." Đó là những chia sẻ của cựu CEO của Apple - John Sculley sắp đến Việt Nam vào ngày 24/4 tới đây.
Vì sao ông chịu rời chiếc ghế chủ tịch Pepsi Co khi công ty đang giành lợi thế trước Coca Cola để song hành với Steve Jobs?
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1982 khi Steve chiêu mộ tôi về làm CEO cho Apple, bởi Steve tin rằng công ty lúc đó cần phải hiểu rõ và phục vụ người tiêu dùng tốt hơn nếu muốn thay đổi thế giới. Nhiều người cho rằng không có lí do gì để tôi bỏ chiếc ghế chủ tịch Pepsi Co để “nhập bọn” cùng các tay lập trình viên trẻ tuổi ở bờ Tây. Nhưng ai cũng biết Steve đã hỏi một câu mà khiến tôi nhận ra đây chính là cơ hội lớn nhất đời mình để học và nâng mình lên tầm cao mới: “Ông muốn suốt đời đi bán nước đường hay đi cùng tôi và thay đổi cả thế giới”.
Khi về Apple, ông đảm nhiệm vai trò gì và mối quan hệ với Steve lúc đó như thế nào?
Nhiệm vụ đầu tiên của tôi khi về làm cho Apple là duy trì và phát triển dòng máy đang lỗi thời Apple II, quảng bá và đem lại lợi nhuận cho công ty, hỗ trợ Steve trong sáng tạo và cho ra đời dòng sản phẩm Macintosh. Lúc đó, chủ tịch đương nhiệm của Apple, ông Mike Markkula muốn kết hợp sự chuyên nghiệp, cùng kinh nghiệm quản trị doanh nghiệp nhiều năm của tôi để bổ sung cho sự sáng tạo của Steve, vì ông biết Steve khong phải là một nhà quản lí sự vụ hàng ngày được.
Trong 3 năm đầu, chúng tôi đã trở thành bạn thân của nhau, được coi là “cặp đôi năng động” và thậm chí còn được lên trang bìa tờ BusinessWeek nổi tiếng vào năm 1983. Năm 1984, Apple đạt được mức doanh số nhảy vọt, hơn 1,5 tỉ USD (tăng 55% so với năm 1983).
Vì sao hai người xảy ra mâu thuẫn và ông đã giải quyết như thế nào?
Khó khăn bắt đầu khi chúng tôi chủ quan và dự đoán sai lầm về độ hấp dẫn của chiếc máy Macintosh vào năm 1984. Tiếp theo vào năm 1985, Steve giới thiệu sản phẩm Macintosh Office, lần đầu tiên một máy in laser được kết nối với một máy tính cá nhân. Chúng tôi hi vọng sẽ bán được 80.000 bộ nên đã sản xuất vượt số đó, trong khi cả năm chỉ bán được 20.000 sản phẩm và còn tiếp tục giảm.
Nguyên do là vì Macintosh lúc đó không hoàn hảo như mong đợi (RAM chỉ có 128 KB, dù sau đó được nâng lên 512 KB) nên công suất làm việc không cao, và cũng không có công ty nào nhận làm ứng dụng cho hệ điều hành Mac OS. Steve lúc đó rất thất vọng và muốn giảm giá Mac xuống, đẩy mạnh quảng cáo, hi sinh dòng Apple II. Tôi phản đối vì thấy lợi nhuận công ty bị ảnh hưởng.
Quan hệ chúng tôi bị đổ vỡ từ đó. Steve trở nên ức chế và giận dữ với tất cả mọi người, đổ lỗi cho họ vì sự thất bại của máy Macintosh. Cuối cùng Steve còn muốn sa thải tôi. Chính Markkula và những thành viên khác trong ban giám đốc đã ủng hộ tôi và đuổi việc Steve vào tháng 5/1985.
Tôi biết Steve đã rất sốc và đi du lịch dài ngày tới châu Âu và Liên Xô. Sau đó Steve quay về và lập ra NeXT để thiết kế máy chủ cho các trường đại học như chúng ta đã biết. Hai quan điểm quản lí va chạm và xung đột dữ dội. Bây giờ nếu có thể, tôi sẽ làm lại từ đầu theo một cách hoàn toàn khác.
Steve đã có ảnh hưởng như thế nào đến ông và ngược lại?
Steve là người đã cho tôi cơ hội được trải nghiệm giai đoạn hoàng kim đầu tiên của Apple. 10 năm làm cho Apple đã thay đổi cách nhìn của tôi đối với việc quản trị công ty và con người, bắt đầu bằng việc nhận ra mình phải mềm mỏng và nhẫn nại hơn.
Đối với Steve, tôi nghĩ mình đã góp phần xây dựng tầm nhìn thay đổi thế giới của ông: Khi Steve hỏi về kinh nghiệm làm marketing của tôi tại Pepsi Co (lúc đó đang thắng thế trước đối thủ khổng lồ Coca Cola), tôi đã trả lời rằng: “Chúng tôi không bán sản phẩm mà bán sự trải nghiệm”. Steve rất thích ý tưởng đó và cười phá lên. Từ đó tất cả sản phẩm của Apple đều được xây dựng dựa trên trải nghiệm dành cho người dùng, ở mọi khía cạnh và mọi mức độ.
Kinh nghiệm của ông trong việc xây dựng mối quan hệ giữa các lãnh đạo cấp cao khi xảy ra bất đồng quan điểm?
Tôi xuất thân từ các tập đoàn kinh doanh chuyên nghiệp, nơi sự thay đổi phải dựa trên logic và tư duy tài chính. Vì thế khi đó tôi không đồng cảm với niềm đam mê cá nhân cháy bỏng của Steve, với tư cách là một doanh nhân và đồng sáng lập viên, khi “đứa con” vừa ra đời đã thất bại.
Qua việc với Steve, bài học chúng ta phải nhận ra chính là sự đồng cảm, tôn trọng và minh bạch mà các lãnh đạo cao cấp dành cho nhau. Chúng ta phải hiểu lợi ích của công ty phải đứng trên lợi ích cá nhân. Chỉ có hi sinh không vụ lợi mới có thể đạt được thành công bền vững.
Nếu có thể làm lại từ đầu, ông sẽ thay đổi quyết định tham gia vào Apple của mình?
Không và có. Tôi sẽ không thay đổi quyết định tham gia Apple và cố hết sức để thay đổi mối quan hệ giữa tôi và Steve.
Theo VnExpress
Bình luận