Kỷ niệm sinh nhật 1 năm của HT Mobile diễn ra lặng lẽ bởi hãng này đã chính thức "khai tử" mạng di động CDMA của mình. Nhiều người trong số 200.000 thuê bao đã quyết định rời mạng vì không có quyết định rõ ràng của nhà cung cấp.
Ra đời năm 1997, công nghệ thông di động CDMA được đánh giá "có nhiều tiến bộ hơn" so với GSM ra đời trước đó 7 năm. Tính đến 11/2007, khoảng 50 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên thế giới chuyển từ GSM sang CDMA.
Thế nhưng thực tế thị trường viễn thông tại Việt Nam lại chứng tỏ điều ngược lại. Sau nhiều năm hoạt động, nhà cung cấp dịch vụ theo chuẩn CDMA như vẫn ở hàng "chiếu dưới" trong sân chơi viễn thông. Việc HT Mobile quyết định "đào tẩu" sang bên kia chiến tuyến GSM và CDMA là "giọt nước tràn ly", khơi nên một cuộc tranh luận mới về công nghệ di động mà tin đồn và dự đoán nhiều hơn sự khẳng định chính chủ nhà.
Sự "ra đi" lặng lẽ
Sau khi tuyên bố "khai tử" mạng di động CDMA của mình, HT Mobile đã trình Bộ TT-TT phương án xin chuyển đổi sang mạng GSM mở rộng (eGSM). Trong cuộc đối thoại trực tuyến của Bộ TT-TT ngày 9/1 vừa qua, Thứ trưởng thường trực Lê Nam Thắng xác nhận HT Mobile đã có công văn xin phép chuyển từ công nghệ CDMA sang eGSM.
Trao đổi với phóng viên VietNamNet, ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông - Bộ TT-TT, cho biết hiện Bộ vẫn đang nghiên cứu hồ sơ và chưa có kết luận cuối cùng.
"Nếu HT Mobile xin chuyển đổi mạng thì buộc phải đáp ứng 4 điều kiện. Một là đảm bảo không thiệt hại nguồn vốn Nhà nước đóng góp trong doanh nghiệp. Hai là đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Ba là đảm bảo môi trường đầu tư nước ngoài. Bốn là đảm bảo được yếu tố tài nguyên tần số", ông Hải khẳng định.
Theo người đứng đầu Vụ Viễn thông, trong 4 điều kiện trên thì vấn đề tài nguyên tần số được coi như đã được giải quyết vì HT Mobile không thể "bán". Hutchison Telecom - đối tác của HT Mobile - cũng chưa có phản hồi chính thức liên quan đến việc chuyển đổi này. Như vậy, HT Mobile còn "thiếu" những giải trình liên quan đến việc đảm bảo vốn đầu tư của Nhà nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Theo đánh giá của các chuyên gia, việc đảm bảo cả 4 điều kiện trên không phải dễ. Về việc đảm bảo nguồn vốn của Nhà nước, HT Mobile đã đầu tư trang thiết bị kỹ thuật trong 2 năm qua chưa đủ thời gian để khấu hao. Sau khi xin chuyển mạng, công ty đã chào bán thiết bị của mình tại Hong Kong. Nhưng sau đó lại có tin công ty này chào mời hệ thống của mình với 2 nhà cung cấp mạng CDMA khác trong nước là S-Fone và EVN.
Trong cuộc trao đổi với báo chí, ông Hồ Hồng Sơn, Giám đốc điều hành S-Fone, cho biết đơn vị này "sẵn sàng hợp tác" để tận dụng mạng CDMA này nếu được đề nghị. Đại điện của EVN Telecom cũng có trả lời tương tự mặc dù hệ thống của EVN hoạt động trên tần số 450MHz trong khi thiết bị của HT Telecom hoạt động trên tần số 800MHz. Đánh giá của giới chuyên môn cho rằng việc hợp tác có thể giúp các mạng CDMA trong nước mở rộng thêm vùng phủ sóng với khoảng 1.000 trạm BTS của HT Mobile. Nhưng điều đó cũng khó giúp cho hãng này có thể thu hồi được vốn vì thời gian hoạt động quá thấp. Tại thời điểm này, các phía chưa đưa ra thêm bất cứ bình luận nào liên quan đến việc hợp tác cụ thể.
Thuê bao 092 về đâu?
Một trong những điều kiện quan trọng để HT Mobile có thể chuyển đổi được sang hệ thống mới là đảm bảo quyền lợi cho khách hàng đã tham gia mạng này. Theo báo cáo của HT Mobile, những chương trình khuyến mại thời gian đầu đem lại cho HT Mobile khoảng 200.000 thuê bao. Tuy nhiên, những nhà cung cấp dịch vụ di động khác cho biết căn cứ vào những cuộc gọi chuyển mạng xuất phát từ đầu số 092 thì thuê bao mạng này chỉ khoảng 100.000. Mặc dù con số trên là quá nhỏ cho 1 mạng di động có thể hoạt động, nhưng những người quan tâm cũng đặt ra câu hỏi: Khi HT Mobile ngừng chuyển đổi công nghệ, những thuê bao này sẽ đi về đâu?
Nếu bán trang thiết bị kỹ thuật, HT Mobile sẽ không phục vụ được số thuê bao đã phát triển. Những máy điện thoại chuẩn CDMA đã bán ra không thể hoạt động với mạng GSM. Nếu muốn giữ lại khách hàng và đảm bảo những điều khoản đã cam kết, HT Mobile sẽ phải bỏ ra một số tiền lớn để chuyển đổi thiết bị đầu cuối cho người dùng.
Việc "bán" cả những thuê bao này sang cho mạng khác cũng không được vì liên quan đến những quy định về quản lý tài nguyên đầu số. Nếu S-Fone hay EVN Telecom mua số thiết bị kiêm luôn việc "ôm" luôn số thuê bao này. họ sẽ phải chuyển đổi số thuê bao của khách hàng kèm theo phương án giải quyết các trường hợp trùng số.
Sau khi thông tin xin chuyển đổi mạng được công bố, một số người dùng đã rời mạng này. Vì giá rẻ của chương trình khuyến mại đầu năm 2007 (6 tháng miễn phí gọi thuê bao nội mạng), một số người "lỡ" sử dụng thường xuyên số thuê bao của HT Mobile hay đưa vào công việc quan trọng như dịch vụ khách hàng đang đối mặt với việc thay đổi và thông báo lại với người quen và đối tác của mình.
Tương lai "số phận" thuê bao không rõ ràng, HT Mobile vẫn xúc tiến những chương trình phát triển thuê bao và khuyến mại. Dù vắng vẻ nhưng vẫn lác đác có người đến mua "Số đẹp trong tuần" tại đại bản doanh của công ty này.
(Theo Hưng Hải-VNN)
(còn tiếp)
Bình luận