Cuộc "đào tẩu" của HT Mobile bị gọi là thất bại về chiến lược kinh doanh. Ngoài những nhân tố nội tại, có nhiều yếu tố đặc thù của thị trường Việt Nam trở thành khó khăn chung cho tất cả các mạng CDMA hiện nay.
"Những yếu tố cơ bản là thói quen, thị hiếu người dùng và cả những đặc điểm lịch sử thị trường. Bên cạnh đó còn nhiều yếu tố khác nữa. Khi "chen chân" vào một thị trường vốn đã có nhiều đại gia, sản phẩm không tạo được sự khác biệt sẽ thất bại", ông Nguyễn Đình Đức, một chuyên gia kinh tế, phân tích.
Theo chuyên gia này thì chỉ cần phân tích đầy đủ những yếu tố trên cũng có thể thấy được tại sao các công ty dịch vụ viễn thông di động theo chuẩn GSM vẫn "làm mưa, làm gió" tại Việt Nam.
Mất ưu thế vì chậm chạp
Ưu điểm được nhắc đến nhiều nhất của CDMA là khả năng "triển khai nhiều dịch vụ gia tăng trên thiết bị đầu cuối". Yếu tố này cũng được sử dụng nhiều trong những chiến dịch truyền thông rầm rộ của các hãng cung cấp dịch vụ dựa trên nền CDMA. Theo phát biểu của Hutchison Telecom khi hãng này trở thành đối tác của HT Mobile, Việt Nam là đất nước có dân số trẻ, có "nhu cầu dịch vụ đa phương tiện và giá trị gia tăng đang lên cao".
"Điều đáng tiếc là hầu hết những dịch vụ gia tăng (thế mạnh của CDMA) lại chưa được nhà cung cấp dịch vụ triển khai tương xứng với những gì đã tuyên bố", một chuyên gia viễn thông nhận xét. "Cụ thể hơn, các nhà khai thác CDMA đã không tạo được lợi ích vượt trội rõ ràng để thuyết phục người dùng. Từ đó, họ gặp khó khăn trong phát triển thuê bao".
Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ của một người dùng phổ thông, những dịch vụ CDMA hiện nay cũng chỉ dừng lại ở nghe gọi thông thường. Ở thời điểm hiện tại, S-Fone là mạng di động CDMA đầu tiên tại Việt Nam được đánh giá là có số dịch vụ gia tăng phong phú nhất trong những mạng theo công nghệ này. Trong số gần 20 sản phẩm ngoài hệ thống, sự khác biệt với các mạng GSM gần như chỉ ở sản phẩm hát karaoke trên điện thoại di động, người dùng tải bài hát về máy và chơi trên màn hình nhỏ xíu của một vài model nhất định.
Dịch vụ kết nối Internet di động chưa đủ để người dùng chuyển sang vì tốc độ yếu tố và sự tiện ích từ dịch vụ họ có thể khai thác. Đích ngắm của các doanh nghiệp CDMA hầu hết là những thành phố lớn. Tính đến hết Quý 1/2007, S-Fone "phủ" mạng theo chuẩn Ev-DO tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP HCM và Cần Thơ. EVN Telecom chỉ "in dấu" tại 3 thành phố lớn Hà Nội và TP HCM, còn HT Mobile mới để thuê bao của mình tại Hà Nội và TP HCM có thể kết nối Internet.
Dịch vụ được cho là hấp dẫn và tiện ích nhất đối với khách hàng - "kết nối Internet mọi lúc mọi nơi" - của cả 3 mạng đều tranh nhau một mảnh đất hẹp. Hơn thế, khu vực thành phố đông dân cũng là nơi mạng ADSL tốc độ cao dễ dàng triển khai và các mạng WiFi miễn phí đang như mạng nhện.
"Nếu tôi trả tiền để kết nối Internet qua điện thoại di động, tôi có một đường truyền khoảng 144 - 192 Kbps. Trong khi đó, ngồi uống trà đá vỉa hè tôi cũng có thể "bắt" được sóng WiFi với đường truyền từ 5 - 11Mbps để dùng, nếu không phải của quán cafe nào gần đó thì của Viettel hoặc FPT. Vậy sao tôi không dùng đồ miễn phí?", anh Hoài Bắc, một phóng viên tại Hà Nội, nói. Tuy nhiên, anh Bắc cho biết anh vẫn "thủ" một chiếc card PCMCIA để kết nối Internet di động mạng EVN Telecom phòng khi đi công tác xa.
"Thỉnh thoảng đi công tác tại các nơi không có mạng ADSL hoặc WiFi, tôi mới dùng đến thẻ này. Hầu hết đó là những vùng sâu, vùng xa hoặc các huyện dân cư thưa thớt", anh Bắc nói.
Trong khi còn đang loay hoay về vấn đề dịch vụ gia tăng, các mạng GSM có những động thái khiến thế mạnh của CDMA không còn ở vị trí độc tôn. Hầu hết các mạng này đã sẵn sàng kết nối GPRS (2.5G). Đầu tháng 12/2007, MobiFone đã hoàn tất triển khai công nghệ EDGE trên toàn mạng với tốc độ kết nối lên tới 384Kbps, gấp đôi đường truyền 192Kbps hiện tại của một số mạng CDMA.
Hạn chế về thiết bị đầu cuối
Những nhà cung cấp theo chuẩn CDMA muốn dùng lợi thế "dịch vụ gia tăng" để thu hút giới trẻ "năng động và sành điệu". Nhưng trong khi dịch vụ nội dung còn chưa hoàn chỉnh, họ lại gặp khó khăn về thiết bị đầu cuối.
Do đặc điểm của mình, mỗi chiếc điện thoại di động chuẩn CDMA phải gắn chặt với mạng của mình. Dù mỗi công ty đã đưa ra hàng chục model khác nhau, chuyển sang dùng thẻ sim để dễ chuyển đổi nhưng cũng không thấm tháp gì so hàng trăm sản phẩm theo chuẩn GSM liên tục được các hãng đưa ra hàng năm.
Theo một nghiên cứu thị trường, đa số người tiêu dùng trẻ tại Việt Nam thay đổi điện thoại theo chu kỳ khoảng 6 tháng. Yếu tố "sành điệu" cũng được đánh giá dựa trên thương hiệu sản phẩm, giá tiền, tính năng chứ chưa phải dịch vụ.
Người dùng điện thoại GSM có thể tùy ý chọn lựa giữa hàng ngàn sản phẩm của nhiều thương hiệu quen thuộc như Nokia, Samsung, Motorola, Siemens-BenQ... Chiếc điện thoại dùng được có thể là chiếc iPhone thời trang cho đến những chiếc điện thoại Tàu giá rẻ.
Đối lập lại là số lượng hạn chế sản phẩm được cập nhật trên website của các nhà cung cấp dịch vụ CDMA. Đa phần là các model do cùng 1 hãng chế tạo nhưng thay đổi tính năng, kiểu dáng và giá tiền nhằm "phủ" được mức nhu cầu của người sử dụng. Tuy nhiên, với định hướng vào "giới trẻ năng động, sành điệu" thì điều đó trở nên khó thuyết phục.
Bài toán về định hướng chiến lược
"Nếu định hướng vào các vùng nông thôn, cách dịch vụ giá rẻ của CDMA sẽ có đất sống hơn ở khu vực thành phố", ông Hoàng Thế Long, một chuyên gia công nghệ nhận xét. "Dịch vụ nghe gọi trên thiết bị đầu cuối giá rẻ sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh. Kết nối Internet di động dù hạn chế, nhưng cũng không phải "tranh đấu" với mạng ADSL, Wifi chằng chịt tại thành phố".
Theo ông Long, nếu các mạng CDMA muốn có được vị trí vững chắc, họ phải có sự đầu tư xứng đáng để xây dựng hệ thống dịch vụ nội dung đặc thù riêng. Bên cạnh đó, một chiến lược truyền thông để định hình được "khách hàng tiêu biểu". Nếu không có được điều đó, các mạng CDMA tại Việt Nam sẽ rất khó giành thế quân bình với các mạng GSM hiện hữu.
Một ví dụ điển hình cho việc "đi sau vẫn thắng" là trường hợp của Viettel. Hãng viễn thông này tham gia thị trường khi 3 mạng VinaPhone, MobiFone và S-Fone gần như tạo được "thế chân kiềng". Tuy nhiên, "em út" Viettel khi đó lại đi đầu với việc cải cách về cước và cách tính cước phí. Sau đó là một cuộc chạy đua nước rút để hạ cước gọi điện thoại di động, giảm block tính cước và các chương trình phát triển thuê bao. Sau 3 năm hoạt động, Viettel trở thành địch thủ đáng gờm luôn đe dọa ngôi vị số 1 với "tiền bối" MobiFone và VinaPhone.
"Mọi so sánh đều khập khiễng, thời điểm của HT Mobile và Viettel khác nhau nhiều. Tuy nhiên, có một điểm chung là: Nếu người nào tạo được dấu ấn riêng của mình ra trên thương trường, người đó sẽ chiến thắng", ông Long kết luận.
(Theo Hưng Hải-VNN)
(còn tiếp)
Bình luận
bài viết này hay thật, phân tích rất chính xác.