Đồng sáng lập Facebook - Eduardo Saverin đang là mục tiêu của cơn thịnh nộ trong xã hội Mỹ sau khi tuyên bố rằng có thể từ bỏ quốc tịch Mỹ để chuyển đến Singapore, nơi mà lợi nhuận đầu tư không bị đánh thuế.
Vấn đề này đặt ra câu hỏi rằng liệu Facebook có đẩy mạnh việc toàn cầu hóa công ty thông qua các chi nhánh của mình để giảm bớt gánh nặng thuế tại Mỹ hay không?
Thực tế là, Facebook có thể mở nhiều văn phòng vệ tinh tại nhiều quốc gia khác nhau, với mức thuế thu nhập nhẹ nhàng hơn. Với các văn phòng này, về mặt kĩ thuật, Facebook không kiếm tiền tại Mỹ, mà tại các quốc gia khác, khiến cho nước Mỹ không thu được gì nhiều từ việc đánh thuế vào Facebook.
Cách làm này có thể gây ra làn sóng dư luận trái chiều mạnh mẽ, nhưng thực ra nó hoàn toàn hợp pháp. Hàng loạt công ty đã áp dụng nó, trong đó có Apple.
Kĩ thuật này hoàn toàn phù hợp với những công ty công nghệ như Facebook, khi mà nền tảng của công ty không phụ thuộc vào việc bán các hàng hóa hữu hình, mà là hàng hóa vô hình: thông tin và dịch vụ. Mạng lưới và cơ sở dữ liệu của Facebook chính là những hàng hóa vô hình đang được bán, và những hàng hóa này không hề có khái niệm về đường biên giới, đường bờ biển hay bất kì rào cản nào liên quan đến việc kinh doanh toàn cầu. Văn bản S-1 của Facebook cũng gợi ý rằng công ty có thể sẽ chuẩn bị cho việc đưa các tài sản trí tuệ của mình đi “du lịch” vòng quanh thế giới để giảm thuế: “Ảnh hưởng thuế trong tương lai sẽ phụ thuộc vào cách chúng tôi chia phần lợi nhuận của mình trong và ngoài nước Mỹ, và cũng bị ảnh hưởng bởi cách chúng tôi định giá tài sản trí tuệ và các giao dịch liên thông”.
Các công ty Internet trả một khoản thuế vào khoảng 5,9% lợi nhuận vào năm 2009. Đây là một con số rất thấp, nếu so với thuế đánh vào các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa hữu hình: 35%. Các nhà sản xuất xe hơi và các công ty vận tải cũng phải trả một khoản lên tới 30%, và đây chính là nhược điểm của kinh doanh hàng hóa hữu hình.
Facebook hiện chưa đưa ra bất kì bình luận nào về việc này.
Theo Mashable
Bình luận