Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết, để đảm bảo tính cạnh tranh và hiệu quả sử dụng nguồn lực, mỗi loại hình truyền hình trả tiền sẽ chỉ có 3 nhà cung cấp dịch vụ toàn quốc và 3-5 nhà cung cấp khu vực.
Tại Hội thảo Quy hoạch phát triển dịch vụ phát thanh truyền hình (PTTH) Việt Nam đến năm 2020 diễn ra ngày 28/6, ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT&TT cho biết, việc xây dựng quy hoạch sẽ ưu tiên phát triển các dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền nhằm góp phần thúc đẩy sự phát triển các dịch vụ phát thanh, truyền hình quảng bá trên cơ sở đảm bảo quyền lợi khách hàng sử dụng dịch vụ bằng việc nâng cao chất lượng nội dung, kiểm soát chất lượng dịch vụ.
Bên cạnh đó, Quy hoạch sẽ quy định về doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền chiếm thị phần khống chế trên 1 loại hình dịch vụ (cáp, vệ tinh, IPTV) để có cơ chế kiểm soát thị trường thông qua kiểm soát giá thành, tránh tình trạng phá giá, bán dưới giá thành gây đổ vỡ thị trường... Quy hoạch sẽ đưa ra các cơ chế, chính sách kiểm soát giá cước, khuyến mại của các đơn vị cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền hay kiểm soát giá thành của các doanh nghiệp viễn thông khi cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ truyền hình, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình khác.
Quy hoạch cũng đặt mục tiêu đến năm 2015, phát triển khoảng 30-40% số hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền (khoảng hơn 6,4 triệu thuê bao) và đạt hơn 6,9 nghìn tỉ đồng doanh thu. Đến năm 2020, phát triển khoảng 60-70% số hộ gia đình thu xem dịch vụ truyền hình trả tiền (khoảng 14,2 triệu thuê bao) và đạt hơn 20,4 nghìn tỉ đồng.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Đỗ Quý Doãn cho biết, cách đây 10 năm chỉ có khoảng vài nhà cung cấp dịch vụ truyền hình cáp vô tuyến MMDS, sau đó đến truyền hình cáp, số vệ tinh, số mặt đất... Và hiện giờ, gần như tỉnh nào cũng có mạng truyền hình cáp, thậm chí có địa bàn có 2-3 nhà cung cấp. Thực trạng này đòi hỏi cần phải có cách nhìn nhận, xem xét, đánh giá và đưa ra lộ trình phát triển dịch vụ. Đến bây giờ, Bộ TT&TT vẫn còn nhận được rất nhiều văn bản đề nghị cấp phép cung cấp dịch vụ truyền hình cáp.
Tại thời điểm này, sự phát triển của phát thanh, truyền hình rất đa dạng và phong phú nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng còn nhiều lộn xộn, không bền vững. Thực tế đang đặt ra nhiều vấn đề mà chúng ta chưa làm rõ, chưa hiểu và giải quyết được. "Do đó, Hội thảo hôm nay sẽ tập trung đưa ra một bức tranh tổng thể hay đưa ra cách nhìn nhận sát nhất với sự phát triển, gắn với yêu cầu quản lý", Thứ trưởng Đỗ Quý Doãn cho biết thêm.
Đối với truyền hình trả tiền, hiện Việt Nam đang có 1 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số mặt đất (AVG), hơn 40 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình cáp (VCTV, SCTV...), 3 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh (K+, VTC, AVG), 4 nhà cung cấp thử nghiệm dịch vụ truyền hình IPTV (VNPT, FPT, VTC, Viettel) và 4 nhà cung cấp dịch vụ truyền hình di động (MobiFone, Viettel, VinaPhone, VTC).
Theo ICTnews
Bình luận