Năm 2007 thế giới mạng Việt Nam chứng kiến sự xuất hiện đồng loạt của rất nhiều mạng xã hội ảo thuần Việt như: Yobanbe, Cyworld, Clipvn. Cũng trong năm 2007, Facebook, Myspace - những mạng xã hội ảo nổi tiếng thế giới - cũng bắt đầu được giới trẻ Việt biết đến và gia nhập nhiều hơn.
Một hình thức giải trí, kết bạn, giao lưu hiện đại và mới mẻ đã bắt đầu "xâm chiếm" thế giới mạng Việt Nam. Nhưng liệu trong năm 2008 này mạng xã hội ảo tại nước ta có tiếp tục "đi lên" như xu thế của thế giới hay sẽ hoạt động "cầm chừng"? Đó là vấn đề thực sự được cộng đồng mạng trong nước rất quan tâm.
Mạng xã hội thuần Việt "bùng nổ"
Trong năm 2007, thế giới công nghệ chứng kiến hàng loạt những vụ sát nhập, mua lại trị giá hàng tỉ USD như: Google mua lại YouTube, Microsoft mua Aquantive hay Yahoo lăm le mua Facebook. Đồng thời các mạng xã hội ảo như Facebook, MySpace đã bắt đầu liên kết với hàng loạt các công ty công nghệ giải trí hàng đầu thế giới để làm quảng cáo trực tuyến. Tất cả những sự kiện này đều nhằm mục tiêu "nâng" các mạng xã hội ảo lên một vị trí cao hơn, trở thành một xu hướng mạng hấp dẫn và có giá trị.
Hòa cùng dòng chảy thế giới, tháng 2, tháng 5 và tháng 10 năm 2007, các mạng xã hội ảo "Made in Vietnam" như: ClipVN, YoBanbe, Cyworld đã chính thức ra mắt cộng đồng mạng trong nước. Những website đại diện cho trào lưu web 2.0 này đã thu hút hàng trăm ngàn bạn trẻ tham gia bàn tán, chia sẻ sôi nổi các thông tin, tình cảm và giải trí.
Đây được xem là dấu hiệu thể hiện sự "bùng nổ" của các mạng xã hội, nơi gặp gỡ và giao lưu đầy hấp dẫn, tiện ích của giới trẻ Việt Nam thời hiện đại. Những mạng xã hội ảo này mỗi cái đều có "cá tính" riêng, hỗ trợ tiếng Việt hoàn toàn và rất dễ sử dụng nên các bạn trẻ gia nhập mạng xã hội ảo, đa phần là vào những trang này.
Các chuyên gia công nghệ nhận định nhiều nhà kinh doanh cũng như giới trẻ Việt ngày nay đã bắt đầu nhanh nhạy hơn hẳn khi tiếp xúc với các trào lưu, văn hóa thế giới mà cụ thể hiện thời là mạng xã hội ảo, một xu hướng cực "hot" trên thế giới mạng toàn cầu.
Nhái "hàng hiệu"!
Tuy nhiên đằng sau sự "bùng nổ", các mạng xã hội ảo Việt Nam lại bắt đầu dấu hiệu "khựng" lại chỉ sau một thời gian hoạt động. Số lượng các thành viên tham gia tăng đột biến nhưng sau đó bắt đầu giảm dần. Phân tích nguyên nhân thì đây hoàn toàn là điều "tất yếu" và chính xác với các mạng xã hội ảo Việt.
YoBanbe nhái gần như nguyên vẹn kiểu thiết kế và cấu trúc của Yahoo 360 giúp người dùng dễ sử dụng nhưng những ai đã sử dụng qua Yahoo 360 thì cảm giác chán YoBanbe là điều không tránh khỏi. Còn Cyworld, mặc dù có phong cách riêng, mang đậm chất Hàn Quốc nhưng sẽ chỉ thu hút được những ai yêu thích phim Hàn Quốc mà thôi. ClipVN thì lại có cách thức hoạt động như YouTube nhưng hạn chế về bản quyền cũng như số lượng người sử dụng "chịu khó" sắm may quay video để quay và post các clip của mình lên hiện nay tại Việt Nam là rất ít ỏi.
Việc nhái lại phong cách, tính năng na ná như các blog, mạng xã hội ảo nổi tiếng thế giới khiến cho các mạng xã hội ảo Việt Nam mất đi bản sắc riêng của mình. Thêm vào đó, các tính năng mới cũng như các sự kiện "nóng" được tổ chức trên các mạng xã hội ảo Việt vô cùng ít ỏi và không mới. Tất cả khiến cho số lượng người dùng tham gia vào các mạng xã hội ảo bắt đầu giảm dần. Nếu không có phong cách riêng thì sớm muộn các mạng xã hội ảo Việt hoàn toàn có thể đi vào... ngõ cụt.
Làm gì để thành công?
Các mạng xã hội ảo lớn của thế giới như MySpace, Facebook sở dĩ thành công hoàn toàn là nhờ vào cách nắm bắt và triển khai hoạt động nhanh chóng, hiệu quả tùy theo các xu hướng và sơ thích của giới trẻ. Chính các quan điểm, sở thích của giới trẻ mới là yếu tố quyết định sự thành công của một mạng xã hội ảo. Chỉ cần "chiều" theo ý thích và các xu hướng mới, hiện đại và triển khai chúng trên trang web của mình là các mạng xã hội ảo hoàn toàn có thể thu hút mạnh mẽ giới trẻ tham gia.
Các mạng xã hội ảo Việt Nam cũng vậy, rào cản về ngôn ngữ đã được dỡ bỏ, tuy nhiên cần phải có sự nghiên cứu và nắm bắt đầy đủ các xu hướng, yêu cầu mới của giới trẻ Việt thì các mạng xã hội ảo mới có thể phát triển. Mạng xã hội ảo là một tập thể, một cộng đồng do đó cần có những cuộc thi, sự kiện để gắn kết mọi người với nhau mà những yếu tố này lại quá ít trên các mạng xã hội ảo Việt.
Giao diện, các tính năng mới cũng cần được bổ sung thường xuyên hơn để đáp ứng các xu hướng ngày càng mới mẻ và phong phú của giới trẻ. Giải quyết được những điều kiện này chúng ta mới có thể tự tin, trong tương lai có thể sánh vai cùng MySpace hay Facebook.
(Theo Thanh Phượng-TTOL)
Bình luận