Trong cơn bão suy thoái kinh tế toàn cầu, những tên tuổi lớn của làng CNTT thế giới đều đã phải chọn cắt giảm nhân sự, hoặc thu hẹp dây chuyền sản xuất như một trong nhiều biện pháp vượt qua khó khăn.
Tập đoàn chuyên sản xuất thiết bị mạng Cisco cho biết sẽ cắt giảm khoảng 1.300 việc làm, như một phần trong nỗ lực tái cơ cấu hoạt động kinh doanh của hãng.
Theo như trang chủ Cisco, đến thời điểm hiện tại công ty này đang sở hữu tổng cộng 65.223 nhân viên. Vào cuối năm ngoái, ban lãnh đạo hãng đã đề cập dự án cắt giảm 1 tỉ USD kinh phí, nhằm giúp bộ máy công ty gọn nhẹ và đạt năng suất cao hơn.
Rời Mỹ đến đảo quốc Nhật Bản, một trong những tên tuổi công nghệ truyền thống của nước này là Sharp thông báo kế hoạch cắt giảm “nhiều ngàn việc làm”, cũng như rao bán các tòa nhà văn phòng của hãng tại thủ đô Tokyo. Tất cả nhằm bù đắp cho các khoản lỗ kéo dài tại công ty được Reuters gọi là “ông lớn sản xuất tấm nền tinh thể lỏng (LCD) dành cho máy thu hình cuối cùng của làng điện tử Nhật”.
Cụ thể, chủ sở hữu thương hiệu TV Aquos dự kiến công bố khoản lỗ lên đến 1,28 tỉ USD trong quý 2 năm nay (từ tháng 4 đến tháng 6), chưa kể khoản tiền phạt lên đến 198 triệu USD mà Sharp phải chi trả theo yêu cầu của giới chức Mỹ sau khi vụ móc ngoặc dàn xếp giá của hãng này bị bại lộ.
Một ông lớn trong làng công nghệ Nhật Bản khác là Toshiba, từ lâu vẫn được xem như đại diện sản xuất vi xử lí bán dẫn cuối cùng của Nhật, cũng phải lên kế hoạch thu hẹp 30% quy mô dây chuyền sản xuất chip nhớ flash, chủ yếu do cung vượt quá cầu.
Sản phẩm chip nhớ NAND của Toshiba được bình luận là điểm sáng hiếm hoi trong ngành công nghiệp bán dẫn đang ngày càng suy yếu của Nhật Bản, vốn phải vật lộn trước sự cạnh tranh quyết liệt từ các đối thủ nước ngoài, chủ yếu từ Hàn Quốc (Samsung) và Đài Loan (TSMC, VIA…).
Sau khi đại diện Nhật Bản cuối cùng trong sân chơi DRAM quốc tế là Elpida Memory nộp đơn xin phá sản vào tháng 2 vừa qua, Tập đoàn bán dẫn Renesas Electronics Corp phải cắt giảm đa số nhân lực, cùng với đóng cửa một nửa số nhà máy nội địa. Toshiba - nhà sản xuất chip nhớ NAND số 2 thế giới (sau Samsung) - cũng cho biết sẽ giảm dây chuyền sản xuất tại Nhà máy Yokkaichi do nhu cầu thị trường suy giảm đối với mặt hàng chip dành cho ổ cứng di động (USB) và thẻ nhớ các loại.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu thị trường dự đoán mọi chuyện sẽ trở nên “sáng sủa” hơn cho Toshiba khi chiếc iPhone thế hệ tiếp theo của Apple dự kiến ra mắt vào cuối năm nay. Khi đó, ước tính một nửa sản lượng chip NAND của Toshiba sẽ được Apple mua dùng trong chiếc smartphone nổi tiếng của hãng công nghệ Mỹ.
Theo Tuổi Trẻ Online/Reuters, CNET
Bình luận