Chiếc máy ảnh cổ Polariod Sun 600.

Theo nhiều “đại gia” chuyên sưu tầm, kinh doanh đồ cổ công nghệ điện tử cho biết, nhiều loại hàng như máy bộ đàm, những quân dụng thông tin liên lạc từ thời chiến... đến nay rất ít được rao bán và trở thành hàng “hiếm” trên thị trường đồ cổ.

Hầu hết các loại hàng này có ít người chơi, và cũng “kén” người chơi vì giá khá cao, khó thẩm định, việc chuyển nhượng chỉ được thực hiện “trao tay” (tức bán không qua trung gian cửa hàng hoặc qua các tay cò), chính vì thế tại chợ đồ cổ Lê Công Kiều hay chợ Dân Sinh chuyên buôn bán loại hàng quân trang, quân dụng cũng tìm khó thấy các chủng loại này. Người muốn chơi có thể dò hỏi từ các cửa hàng rồi tìm ra các tay chơi khác để có thể mua bán, trao đổi.

Anh Hải Tuấn, một tay chơi đồ công nghệ cổ tại Quận Bình Thạnh, đã cho biết: “Với nhiều mặt hàng khác đồ cổ và đồ giả cổ rất khó phân biệt, và đôi khi không sành thì mua nhầm; nhưng đồ công nghệ điện tử cổ hầu như không có chuyện... giả cổ. Vì trên mỗi loại hàng đều thường khắc kèm tên nhà sản xuất, năm sản xuất...” Anh nói: Vì đam mê các đồ điện tử cổ từ nhỏ, từ những hiện vật của người cha từng là bộ đội thông tin liên lạc ở chiến trường nên trong căn nhà tại một con hẻm nhỏ trên đường Lê Quang Định, Q. Bình Thạnh, anh Tuân đã sưu tầm rất nhiều những công nghệ điện tử thời xưa, mà chủ yếu là các loại đồng hồ quả quýt của Pháp, Mỹ, đồng hồ treo tường, các loại máy ảnh, máy hát, bộ đàm, máy đánh chữ cổ các loại... Và cứ tranh thủ rảnh rỗi là anh Hải Tuấn lê la khắp các quán cà phê cóc và các cửa hàng ở con đường Lê Công Kiều này để “săn hàng” phục vụ cho niềm đam mê của mình.

Còn chị Kim Thanh - một tiểu thương chuyên buôn bán đồ cổ tại chợ Dân Sinh – thì bộc bạch: “Đồ cổ loại điện tử thì giá bèo lắm! chỉ vài trăm ngàn là có vài thứ đồ treo trong nhà cho oách rồi!”. Chị Thanh vừa nói, vừa cho chúng tôi xem hai chiếc máy ảnh khá cổ hiệu Polariod 210 mà chị cho biết là có từ những năm 1945 đến giờ, và chỉ được rao bán với giá 180 ngàn đồng. Ngoài ra, hàng loạt các loại máy ảnh cổ tương tự khác với các nhãn hiệu như: Sun600, Yashica, Beautyflex... cũng với giá khoảng gần 200 ngàn đồng/chiếc...

Tại một cửa hàng cuối đường Lê Công Kiều, một nhân viên bán hàng của cửa hàng Bửu đã giới thiệu cho chúng tôi thấy hàng loạt công nghệ điện tử đang được trưng bày để bán tại cửa hàng này như: máy điện thoại, máy quạt, máy phát nhạc... tất cả đều là hàng đồ cổ niên đại ít nhất là 30 năm. Theo nhân viên này, đồ cổ công nghệ ở đây giá cũng rẻ chẳng hạn như: máy páht nhạc chỉ được rao bán với giá 2,8 triệu đồng, hay chiếc quạt cổ được “tút” lại theo kiểu mới được chào với giá 1,6 triệu đồng... Nhân viên còn cho biết: “Hầu hết những loại hàng này chỉ được dân sành công nghệ cổ mới mua, và mua rất kén chọn. Đa số là được tận dụng để “Decor” cho các ngôi nhà sang trọng, các quán cà phê hay nhà hàng để tạo dấu ấn phong cách xưa cũ, hút hồn các vị khách”.

Trong những ngày lang thang lê la ở phố cổ Lê Công Kiều, chúng tôi đã gặp khá nhiều “đại gia” chơi đồ cổ cũng hay lê la ở đây suốt ngày dường như để tìm một loại hàng hiếm. Những đại gia này trong đó có không ít là những tay cò lấy nghề săn tìm cổ vật làm nghề sinh sống. Cứ mỗi sáng tại con đường nhỏ này trở nên sầm uất bởi dân chơi cổ vật đổ về ngồi bàn tán, định giá từng món hàng, đánh giá niên đại, chất lượng... Lâu lâu đâu đó có người đi ngang qua mang theo một vài món đồ cổ để bán thì nhiều người “đón lõng” lại và hỏi han.

Nhiều tay săn hàng chỉ cần “nghía” qua món hàng là đã thẩm định được niên đại cũng như giá cả của nó. Hầu hết các món hàng “trôi dạt” đến đây thì dân lê la vỉa hè lại được tận mắt thấy, sờ vào hiện vật rồi mới đến tay các chủ cửa hàng. Thông thường thì hàng đến tay các cửa hàng cũng là do người bán rao với giá “cắt cổ” dân vỉa hè thấy khó kiếm lời được. D- một tay cò có thâm niên hơn 10 năm ở đây – cho biết: “Thông thường mỗi cửa hàng, hay đại gia buôn đồ cổ có nguồn hàng riêng mà không ai biết được. Nhưng nguồn hàng điện tử loại cổ thì hầu hết là “hàng tại gia” (tức hàng do người chơi đem từ nhà ra bán). Và trong những năm gần đây thì mặt hàng này trở nên hiếm vì chủ nhân đã biết được giá trị của nó”.

Ngoài D ra tại khu phố đồ cổ này còn có hàng chục tay “săn hàng” khác, suốt ngày lê la, đứng ngồi để “đón lõng” các cổ vật từ nơi khác trôi về, cũng có khi nghe ngóng đâu đó xuất hiện món đồ cổ này hay loại hàng hiếm kia thì không ít dân trong số đó tìm mọi cách để liên hệ chủ nhân của món hàng bằng được hoặc đến tận nơi để “mục sở thị” và “tậu” về rao bán lại kiếm lời....

Xem thế mới biết công nghệ dù cũ thì cũng là niềm đam mê cho một lớp người và là “cần câu cơm” cho một lớp người khác, phải chăng đó cũng chính là một giá trị lớn để các mặt hàng công nghệ tốt, đẹp mãi không bao giờ là “lạc hậu” dù là cổ.

(Theo Anh Linh - Tạp chí Thế giới số)



Bình luận

  • TTCN (0)