Bỏ 1.500 USD để mua vé máy bay đến Barcelona, Tây Ban Nha cộng thêm hơn 3 nghìn euro mua vé tham quan, chúng tôi đã tham dự một sự kiện viễn thông lớn nhất, quan trọng nhất trên thế giới: Hội nghị Thế giới di động GSMA 2008 (GSMA Mobile World Congress - MWC).
Nhiều người sẽ cho rằng mức chi phí đó là quá lớn song với dân truyền thông, với những người được tận mắt tham quan Đại hội, nó hoàn toàn xứng đáng.
MWC 2008, diễn ra từ ngày 11/2-14/2, được tổ chức tại National Palace, rộng gần 3 trăm nghìn mét vuông, nằm ngay giữa khu trung tâm của thành phố Barcelona, Tây Ban Nha. Đây là năm thứ 2, đại hội được tổ chức tại đây. Trước năm 2006, WMC được tổ chức hàng năm tại Cannes, Pháp. Đến với MWC 2008, khách tham quan có cơ hội gặp gỡ đối tác, giới thiệu các sản phẩm viễn thông hướng tới tương lai của mình và hơn thế nữa là bắt kịp các xu hướng phát triển đến chóng mặt của ngành viễn thông trên thế giới. Hơn 1.300 tập đoàn, công ty đã mang sản phẩm viễn thông của mình đến trưng bày tại triển lãm Montjuïc của Đại hội, triển lãm viễn thông được coi là lớn nhất thế giới hiện nay. Ngay trong ngày đầu tiên khai mạc (11/2), MWC đã đón hơn 40 nghìn khách tham quan, một con số kỷ lục trong lịch sử 21 năm qua của Đại hội.
Tham quan triển lãm, chúng tôi có cảm giác thế giới thật sự bé nhỏ, những điều không thể hoàn toàn có thể thực hiện được và thực sự khâm phục trước bộ não phi thường của loài người. Mất nhiều ngày lang thang nhưng chúng tôi vẫn không thể nào xem hết được những công nghệ được trưng bày tại đây.
Bạn có thể bắt gặp tại đây một chiếc máy camera có kích cỡ trung bình, được thiết kế như một vật trang trí trong nhà nhưng lại có thể kết nối không dây với điện thoại di động để tải lên đó trực tiếp những hình ảnh mà nó quay được. Sản phẩm này cho phép người sử dụng thoải mái đi chơi mà vẫn kiểm tra thường xuyên an ninh tại nhà mình, nấu cơm trong bếp nhưng vẫn biết rõ con trai đang chơi đồ chơi gì tại phòng khách....
Phần mềm báo chí dành cho điện thoại di động của công ty MT:S của Serbia có thể được coi là khá hoàn hảo với giao diện thân thiện, dễ sử dụng và tích hợp rất nhiều chức năng hữu ích. Chỉ cần một chiếc điện thoại di động bé nhỏ truy cập Internet trong tay, bạn có thể viết một bài báo, quay một đoạn phim phóng sự rồi tải ngay lên mạng. Phần mềm còn cho phép bạn chỉnh sửa, biên tập lại, tạo các đường link liên quan hay thậm chí gỡ bỏ bài viết, đoạn phim đó ngay trên "dế" của mình.
Trong bộ phim hành động viễn tưởng "Total Recall" (1990) do diễn viên cơ bắp Arnold Schwarzenegger - hiện là Thống đốc bang California, Mỹ thủ vai chính, con người ở năm 2084 có thể đàm thoại có hình ảnh thông qua các máy điện thoại to tướng để trên bàn. Vào thời điểm đó, các nhà sản xuất phim không thể tưởng tượng rằng điện thoại có thể trở nên nhỏ xíu mà vẫn tích hợp vô vàn tính năng như hiện nay.
Tại WMC 2008, những chiếc điện thoại di động có thể thực hiện, nhận cuộc gọi, chụp ảnh, ghi âm, nghe nhạc, chụp ảnh v.v.... trở nên quá đỗi tầm thường. Trưng bày tại triển lãm, những chiếc điện thoại di động của Sony Ericssons có thể trở thành những chiếc máy nghe nhạc chuyên nghiệp với các chức năng làm trong tiếng, điều chỉnh âm bass, lắc nhẹ máy để chuyển bài hát, điều chỉnh âm lượng hay tự chọn bài hát cho phù hợp với tâm trạng của "chủ".
Những bức ảnh chụp từ máy điện thoại di động có thể tải thẳng lên blog điện tử cá nhân, các khung ảnh công nghệ treo trên tường hay in trực tiếp từ các máy in ảnh. Các đời máy Cyber-Shot của Sony Ericsons tự điểu chỉnh đối tượng được chụp ảnh vào chính giữa ảnh kể cả khi người chụp để máy lệch sang trái hay sang phải. Đời điện thoại di động Sony Ericssons C702 được trưng bày tại triển lãm, sẽ được tung ra thị trường vào quý 2 năm 2008 được tích hợp tính năng chụp ảnh 3.2 Megapixel có khả năng điền thêm vị trí địa lý, giờ và ngày tháng địa phương vào thời điểm chụp vào những bức ảnh nhằm giúp bạn nhớ lại mình đã từ đến đâu, vào thời điểm nào.
Những chiếc đồng hồ Bluetooth của Sony Ericssons có khả năng kết nối với điện thoại di động cùng hãng để nhận tin nhắn, kiểm tra cuộc gọi, chỉnh âm lượng nghe nhạc ngay trên đồng hồ. Đồng hồ “2 trong 1” do LG sản xuất vừa xem giờ, ngày tháng, nghe nhạc, xem tin nhắn hay nghe nhận các cuộc gọi điện thoại.
Số lượng công nghệ hỗ trợ điện thoại di động được giới thiệu tại MWC cũng rất phong phú và đa dạng. Công nghệ WideBand của Ericssons có khả năng tách lọc tiếng cho điện thoại rõ như trong phòng thu âm cho dù người sử dụng điện thoại đang thực hiện cuộc gọi ở giữa ngã tư đường đông đúc. Mobile Backup của Synchronica có thể khôi phục lại toàn bộ dữ liệu ghi trong điện thoại di động bị mất như danh bạ, tin nhắn, ghi chú v.v…Phần mềm SingGPlayer Mobile của Sling Media cho phép người sử dụng điện thoại di động xem và điều khiển chương trình TV ngay trên “alo” của mình mà không cần phải trả phí dịch vụ.
Đến với MWC, chúng tôi mới thấy trí tưởng tượng của mình về thế giới tương lai quá hạn chế. Sự phát triển mạnh mẽ như vũ bão của công nghệ truyền thông làm cuộc sống con người biến chuyển từng phút, tạo cho chúng ta sự tiện nghi đến không ngờ. Có lẽ, với đà phát triển này của công nghệ, chỉ mấy năm tới, chúng ta sẽ thấy cuộc sống trong những bộ phim Die Hard 4, I Robot... trở nên quá đỗi lạc hậu.
Theo Dantri.com
Bình luận
CNTT và truyền thông đã mang lại cho loài người những tiện tích vô cùng to lớn. Thử hình dung chúng ta sẽ ra sao nếu như không có nó. Ngày nay, nó đã trở nên vô cùng thân thuộc đối với mọi người. Vào khoảng những năm 80 và đầu những năm 90, việc gọi điện thoại ở nước ta được coi là một chuyện xa xỉ. Còn bây giờ, mọi người, mọi tầng lớp đều có thể sở hữu một chiếc điện thoại di động trong tay. Tiềm năng và sức phát triển của CNTT và truyền thông thì không phải ai cũng có thể hình dung ra được. Tôi nhớ vào năm 2004, SK Telecom đã giới thiệu mô hình "intelligent home", trong đó mọi thiết bị trong nhà đều được "digitalize", từ chiếc tủ đựng quần áo có thể căn cứ vào thời tiết và lịch công tác của thân chủ để chọn ra trang phục phù hợp nhất,chiếc gương treo tường đồng thời cũng là tờ báo điện tử, là màn hình tivi. Chiếc máy tập thể thao có thể đo kiểm tra sơ bộ sức khỏe của thân chủ, cập nhật cơ sở dữ liệu theo dõi về tình trạng sức khỏe để tính toán chọn ra bài tập phù hợp và định kỳ nhắc nhở thân chủ phải kiểm tra, đánh giá lại tình hình sức khỏe một cách tổng thể. Chiếc cổng có gắn camera sẽ lập tức thông báo cho chủ nhà trên màn hình điện thoài về hình ảnh người viếng thăm, chủ nhà có thể mở cổng cho khách vào nhà thông qua thao tác từ máy điện thoại di động trong khi đang ở cách đó hàng 100 km. Có thể thao tác tắt/mở tất cả các thiết bị điện trong nhà thông qua chiếc máy điện thoại di động bỏ túi...Còn rất nhiều điều mà ta chưa thể hình dung ra được. Điều kiện cần để thực hiện điều đó là phải có kết nối băng rộng đến ngôi nhà đó và đến thiết bị di động, ngoài ra các thiết bị trong nhà kể trên phải được kết nối internet. Có thể nói tiềm năng của CNTT và truyền thông là không giới hạn. Hy vọng loài người sẽ sớm được tiếp cận thực tế với những tiện ích tiên tiến nhất chứ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng những mô hình kể trên.
Quả là nếu thiếu đi các phương tiện truyền thông hiện đại, không hiểu mình sẽ cảm thấy bứt dứt thế nào. Tự dưng sẽ cảm thấy như bị tách ra khỏi thế giới đang diễn ra hàng ngày.
Thế mới thấy công của các bác Bưu điện nhà mình là rất lớn. Trong khi nhiều ngành còn chạy xa lắm mà vẫn chưa nhìn thấy cái lưng của người đi trước đâu thì riêng mảng viễn thông có thể coi là sánh vai với anh em thiên hạ để mà đi.
Hi vọng là sau khi tách hẳn ra khỏi Bưu chính, Viễn thông nhà mình còn tiếp tục bứt phá hơn nữa trên xu hướng kết hợp chặt chẽ với CNTT.
Hi vọng trong 10 năm nữa, các đại gia Viễn thông cảm thấy cũng rủng rỉnh tiền rồi thì kết hợp với các hãng/tập đoàn nước ngoài lập ra một cái trung tâm nghiên cứu cho các nghiên cứu viên, các em SV nó mở mang đầu óc, hăng say tìm tòi phát triển công nghệ để rồi đến MWC 2020, Việt Nam mình cũng có sản phẩm mà trưng bày ở Barcelona hay chỗ nào đó chứ.
Xem bài này có lẽ ấn tượng nhất là ngài thống đốc Arnold Schwarzenegger sơ sơ tới năm nay đã hơn 99 tuổi nếu ngài có thể đóng phim từ năm 1 tuổi! ;D
Bạn Tú tinh mắt nhỉ. Đã mạn phép Dantri.com sửa "1909" lại thành "1990" rồi nhé.
Nhân tiện cũng bàn luôn đến cái "cải tiến" của Sony Ericsson: "[i]Các đời máy Cyber-Shot của Sony Ericsons tự điểu chỉnh đối tượng được chụp ảnh vào chính giữa ảnh kể cả khi người chụp để máy lệch sang trái hay sang phải.[/i]"
Mặc dù chỉ là dân a-ma-tơ với nghệ thuật chụp ảnh nhưng mình cũng biết đến cái nguyên tắc 1/3 để bố cục tấm ảnh (nghĩa là chủ thể ảnh thường nằm ở vị trí 1/3 chứ ít khi được đặt nằm chính giữa tấm ảnh). Giờ mà xài cái Cyber-Shot này của ông Sony Ericsson thì còn gì là bố cục nữa nhỉ?
Hình như tính năng đó tắt được mà.