Trong khi ấy, AMD, hãng sản xuất vi xử lý PC lớn thứ hai thế giới, cũng nhận định Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ vào cuối năm sau, để trở thành thị trường tiêu thụ chip AMD lớn nhất toàn cầu.
Từ năm 2002 đến năm 2006, doanh thu của AMD tại Trung Quốc đã tăng gấp gần 7 lần, AMD cho biết.
Cùng với việc các hãng PC, máy chơi game, điện thoại di động và đồ điện gia dụng ngày càng mở rộng quy mô sản xuất, lắp ráp và kinh doanh tại Trung Quốc, thị trường chip nước này chắc chắn sẽ bùng nổ trong vòng 5 năm tới, IC Insights phân tích.
Lấy thí dụ, đối thủ chính của AMD - gã khổng lồ chip Intel dự định xây dựng một nhà máy chip trị giá tới 2,5 tỷ USD tại Trung Quốc. Đây cũng là nhà máy sản xuất chip đầu tiên của Intel tại châu Á (các nhà máy hiện tại chỉ làm công việc thử nghiệm và lắp ráp).
"Toàn bộ ngành công nghiệp chip thế giới đều tìm đường tiếp cận Trung Quốc, vì đây chính là mảnh đất của tăng trưởng", chuyên gia Stanley Leong của Deutsche Bank AG nhận định.
Gió đổi chiều
Trái ngược với tình hình kinh doanh khả quan tại Trung Quốc, AMD lại tỏ ra đuối sức ở thị trường Mỹ. Doanh thu của hãng này hồi năm ngoái đã giảm 200 triệu USD so với cùng kỳ năm trước. Mức thua lỗ lên tới 166 triệu USD, trong khi một năm trước đấy, hãng bỏ túi khoản lãi đúng bằng chừng đó.
Khó khăn của AMD lại càng chồng chất, khi mà dòng chip mới Barcelona, được kỳ vọng sẽ là "chén thánh cứu rỗi" cho công việc kinh doanh của hãng, khó có thể ra mắt đúng thời hạn.
Một số thông tin rò rỉ trên mạng Internet cũng cho thấy cấu hình và thông số kỹ thuật của Barcelona không lấy gì làm ấn tượng cho lắm, nếu không muốn nói là gây thất vọng lớn.
Ở một thái cực đối lập, hãng chip Intel lại đang tận hưởng những ngày nắng đẹp. Series chip mới dành cho máy tính xách tay giúp cho bảng doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận của hãng trong quý II "đẹp như mơ". Thị phần đã mất vào tay AMD trong vài năm qua cũng đang dần được Intel giật lại.
[Theo VNN-Bloomberg]
Bình luận