Phải chăng cũng nên có các bài học như câu chuyện của Zing cho các trang web cũng như người dùng Việt hiểu rằng tôn trọng bản quyền không chỉ là chuyện có ý thức hay không, đó là luật.
Lí ra đó không thể là sự việc thu hút sự chú ý của báo chí và dư luận đến thế, việc một hai nhãn hiệu nào đó rút quảng cáo khỏi một trang web vốn rất bình thường. Thế nhưng chuyện Coca-Cola và Samsung rút quảng cáo khỏi Zing đã lên ngay bản tin của các hãng tin hàng đầu thế giới. Vì phía sau sự rút đi ấy là câu chuyện như AP nói “là "chiến thắng hiếm thấy" chống nạn vi phạm bản quyền trên mạng ở một đất nước mà vấn nạn này tràn lan”.
Samsung và Coca-Cola chịu sức ép từ bên ngoài về việc trang web Zing MP3 đã cho tải "nhiều bản ghi âm lậu bài hát Việt và ngoại quốc”. Samsung đã viết trong thông cáo của mình về vấn đề này rằng "Chúng tôi rất tôn trọng bản quyền và phản đối bất cứ vi phạm nào, như sao chép và phân phối các tài liệu đã đăng kí bản quyền".
Phải tôn trọng thôi khi bản thân họ cũng đang kinh doanh nội dung số trên hệ sinh thái và phần cứng của mình và cú thua đau trước Apple về vấn đề bản quyền ở Mỹ còn chưa lành lặn.
Lần đầu tiên, chuyện vi phạm bản quyền nhạc ở Việt Nam đã khiến một đơn vị bị thiệt hại về tài chính. Dù rằng, mất 2 banner quảng cáo trên trang web có lẽ không phải là cú sốc lớn cho khả năng tồn tại của trang web này nhưng có lẽ điều ấy cũng mang lại thay đổi. Thậm chí là sự thay đổi lớn và ngay lập tức.
Ngay sau khi các bản tin nước ngoài lên tiếng về sự việc, VNG - Tập đoàn sở hữu Zing MP3 đã phát đi một thông cáo khẳng định mình “tôn trọng bản quyền của các nghệ sĩ, nhà sản xuất đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp ghi âm Việt Nam”. Bên cạnh đó, họ cho biết “Zing MP3 cũng đã và đang trong quá trình đàm phán với đại diện các hãng nhạc lớn thế giới từ nhiều tháng nay. Đây là một quá trình khó khăn để có thể thuyết phục các doanh nghiệp nước ngoài chấp nhận một mô hình kinh doanh phù hợp với tập quán nghe nhạc của người dùng và tiềm năng của thị trường Việt Nam”.
Chỉ một ngày sau thông cáo này, VNG đã phát hành tiếp một thông cáo cho biết “Zing đã đạt thỏa thuận cung cấp các bản ghi của Universal Music dưới dạng streaming và download có thu phí, và chuẩn bị kí kết hợp đồng tương tự với các hãng nhạc quốc tế khác”, cũng theo thỏa thuận này, VNG cam kết gỡ bỏ tất cả các truy cập từ ngoài lãnh thổ Việt Nam vào các bản ghi của Universal Music trên Zing MP3.
Dù cuộc đàm phán của VNG và Universal Music đã diễn ra cả năm nay và có diễn tiến khá chậm chạp, nhưng sau phản ứng của Coca-Cola và Samsung, tất cả đã được giải quyết chóng vánh. Nhưng không thể nói, từ đây các rang tải nhạc của Việt Nam sẽ vào nề nếp và bản quyền sẽ được tôn trọng đúng mức. Chuyện ca sĩ Lệ Quyên kiện 9 trang web để đòi 8 tỉ đồng thù lao khi các trang này thoải mái chia sẻ, cho tải 2 CD mới nhất của cô chỉ sau khi phát hành chút ít thời gian còn chưa có tiến triển gì rõ rệt.
Chắc hẳn “tập quán nghe nhạc của người dùng VN” mà VNG nhắc ở trên là “thói quen” không trả tiền cho những gì tải từ mạng mà báo chí đã nói nhiều. “Tập quán” này đã gây khó khăn cho các trang cung cấp nhạc khi họ chỉ có nguồn thu từ phía quảng cáo để phục vụ mà không được người dùng cuối trả một xu nào.
5 trang web (gồm Zing, nhaccuatui, Nhac.vui, Socbay, nghenhac) kí kết với MV Corp để thu phí tải nhạc vào ngày 1/11 tới hẳn đã có nỗi lo các thính giả ưa xài “chùa” của mình sẽ chuyển qua các trang web có nhạc lậu, cho tải miễn phí dù phí họ thu chỉ 1.000 đồng/lần tải.
Nỗi lo của các trang web đang cố gắng đưa thị trường nhạc số vào quy củ ấy hoàn toàn có lí nếu phía quản lí không có một chế tài đủ mạnh cho một sự cạnh tranh công bằng. Còn nhớ vào tháng 7 qua, Nhật Bản đã thông qua một luật mới, có hiệu lực từ đầu tháng 10, trong đó nhà chức trách có thể bỏ tù 2 năm những người tải nhạc, video trái phép từ Internet thay vì chỉ những người đưa các nội dung trái phép này lên mạng mới bị phạt.
Phải chăng cũng nên có các bài học như câu chuyện của Zing cho các trang web cũng như người dùng Việt hiểu rằng tôn trọng bản quyền không chỉ là chuyện có ý thức hay không, đó là luật.
Theo Tgs.vn
Bình luận
Bắt buộc ai có ý thức vậy? Các trang web (giống mọi nơi) hay người tiêu dùng (giống Nhật)?
Muốn người dùng có ý thức thì phải có những chế tài mạnh mẽ để bắt buộc người dùng phải có ý thức trong vấn đề này. Pháp luật để làm gì, pháp luật để người dùng phải tuân thủ mà anh
Vấn đề là nếu không còn trang web nào cho tải nhạc lậu, thì cần gì ý thức của người dùng nữa. Bắt các trang web lậu thì chứng cứ có sẵn, đơn giản hơn nhiều so với đi lục tung máy tính, các ổ cứng, các dịch vụ lưu trữ trên mạng (SkyDrive, Dropbox...) để tìm "file lậu" (vẫn làm, nhưng sau khi giải quyết các website đã).
Bình luận bị ẩn
Người tiêu dùng có ý thức là sao?
Có ý thức là người sở hữu cái nội dung phương tiện nghe nhìn kia kìa, anh bán thì người ta mua vì khi người ta cần người ta sẽ mua, anh cho free thì người ta xài, trong khi cho free mà bảo người ta có ý thức thì quả thật là sai rõ rệt.