Vệ tinh VINASAT-1 đã được vận chuyển thành công tới Trung tâm vũ trụ quốc tế Guiana (CSG) ở Kourou, French Guiana hôm thứ 6 (7/3) vừa qua, hiện đang trong quá trình kiểm thử cuối cùng trước khi lắp đặt vào tên lửa Ariane 5 ECA để phóng lên vũ trụ.
Như đã giới thiệu, tên lửa Ariane 5 ECA phóng vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam sẽ có một hành trình kép, mang theo cả vệ tinh Star One C2 của hãng viễn thông Star One của Brazil, do hãng Thales Alenia Space chế tạo.Vệ tinh Star One C2 đã được vận chuyển tới Sân bay vũ trụ Kourou từ ngày 25/2/08 và hiện đang tiếp tục quá trình kiểm tra lần cuối trong các khu cách ly của bãi phóng.
Trước đó, vệ tinh Star One C1 của hãng Star One đã được phóng thành công lên quỹ đạo trái đất vào cuối tháng 11 năm ngoái.
Theo thiết kế, vệ tinh VINASAT-1 của Việt Nam sẽ có trọng lượng 2,7 tấn, cao 4 m. Vệ tinh Star One C2 của Brazil có trọng lượng 4,1 tấn. Để có thể mang theo cùng lúc 2 vệ tinh với tổng trọng lượng gần 7 tấn, Arianespace đã sử dụng Ariane 5 ECA, loại tên lửa có trọng tải lớn trong các dòng tên lửa Ariane 5.
Ngày 9/3 vừa qua cũng đánh dấu một sự kiện quan trọng của hãng Arianespace với dòng tên lửa Ariane 5 nói riêng, và ngành hàng không vũ trụ Châu Âu nói chung, khi lần đầu tiên Arianespace tham gia vận chuyển hàng hoá cho Trạm vũ trụ quốc tế ISS ở độ cao 260 km. Trạm vũ trụ này đã bay trên quỹ đạo thấp quanh trái đất ở độ cao 350-460 km từ năm 1998.
"Chuyến hàng" vừa được chở lên trạm vũ trụ quốc tế ISS có trọng lượng lên tới 19 tấn, là một khoang vận chuyển hàng hoá vũ trụ của châu Âu có tên gọi ATV (Automated Transfer Vehicle). ATV mang theo lương thực, nước, nhiên liệu, khí oxy, và các hệ thống trang thiết bị nghiên cứu cho ISS.
Để mang được khối hàng siêu nặng nói trên, lần đầu tiên Arianespace đã triển khai dòng tên lửa siêu tải trọng Ariane 5 ES. Chính quá trình chuẩn bị phức tạp chưa từng có này đã khiến thời gian phóng ATV bị lùi lại 24 tiếng, kéo theo kế hoạch phóng vệ tinh VINASAT-1 bị lùi lại 1 ngày.
Theo Vietnamnet
Bình luận